Khó khăn giải quyết chế độ cho nạn nhân chất độc da cam ở Lạng Sơn
Cập nhật: 25/09/2019
Dùng “0 đồng” trao cơ hội đón Tết cho bệnh nhân nhồi máu cơ tim nguy kịch
Sóc Trăng bàn giao 328 căn nhà ở cho hộ nghèo theo chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát
VOV.VN - Lạng Sơn hiện có 819 đối tượng được hưởng chế độ của Nhà nước, trong đó có 438 nạn nhân trực tiếp ảnh hưởng của chất độ hóa học.
Chiến tranh đã qua đi hơn 40 năm. Không còn khói lửa, đạn bom nhưng vẫn còn hơn 4 triệu người bị phơi nhiễm hoặc ảnh hưởng bởi các loại chất độc hóa học do kẻ thù rải xuống dải đất hình chữ S. Đảng và Nhà nước đã có nhiều chế độ chính sách quan tâm đến những nạn nhân chất độc hóa học, thế nhưng do nhiều nguyên nhân, rất nhiều người trong số họ chưa nhận được sự quan tâm ưu đãi này.
Ông Mai Hồng Căn (áo nâu, bên trái) mất nhiều thời gian để bổ sung hồ sơ xin hưởng chế độ dành cho người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, nhưng đến nay vẫn chưa được. |
Ông Mai Hồng Căn sinh năm 1947 ở đường Trần Đăng Ninh, thành phố Lạng Sơn là cán bộ quân đội nghỉ hưu đã hơn 30 năm. Những năm tuổi trẻ, ông vào sinh ra tử khắp các chiến trường Tây Ninh, Quảng Trị và tham gia cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc. Năm 2018, ông phát hiện mình có dấu hiệu bị ung thư do phơi nhiễm chất độc hóa học nên làm thủ tục xin được hưởng chế độ theo chính sách của nhà nước. Dù vậy, đã rất nhiều lần bổ sung giấy tờ, thủ tục nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết.
"Đây không phải nguyện vọng của riêng tôi mà là nguyện vọng của tất cả các cựu chiến binh tham gia chiến đấu ở cả 3 chiến trường. Nếu mất hết giấy tờ thì phải mở cho người ta một cái hướng. Tôi năm nay tuổi 73 rồi, yếu lắm. Thế mà bây giờ còn đi lại ngược xuôi để làm thủ tục được hưởng các chế độ thì không hiểu có còn sống để mà được hưởng nữa hay không", ông Căn nói.
Không giống trường hợp của ông Căn, ông Hoàng Sình ở đường Minh Khai, phường Hoàng Văn Thụ, TP Lạng Sơn lại khác. Cũng do phải đi lại nhiều lần, mất nhiều thời gian và vì một vài lý do khác nên ông Sình đã không nộp thủ tục để được hưởng chế độ:"Giấy tờ ban đầu thì năm 1986 Lạng Sơn bị ngập lụt, phòng thương binh bị ngập hết toàn bộ giấy tờ, nên tôi sau đó về đơn vị lấy. Ra chiến trường rồi sống chết trở về. Tôi tuổi cũng cao, được nhận chế độ ưu đãi là vinh dự, không được thì cũng biết làm thế nào!".
Ông Vũ Xuân Thức, ủy viên Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin TP Lạng Sơn chia sẻ, hiện nay, trên địa bàn thành phố có nhiều người nghi phơi nhiễm chất độc hóa học. Nếu đủ giấy tờ thì làm được chế độ nhưng cũng có nhiều trường hợp không làm được.
"Những đối tượng này do quản lý hồ sơ bị thất thoát nên không giải quyết được. Còn một số hội viên thì có hồ sơ đầy đủ, nhưng mà nó không nằm trong barem của Bộ Y tế quy định cho nên là hội viên kê khai hồ sơ chiến trường B, C, K đầy đủ cũng đành cất vào tủ", ông Thức nói.
Đến thời điểm này, tỉnh Lạng Sơn có 819 đối tượng được hưởng chế độ trợ cấp của Nhà nước, trong đó có 438 nạn nhân trực tiếp, 380 nạn nhân gián tiếp bị ảnh hưởng của chất độ hóa học trong các cuộc chiến tranh. Ông Chu Việt Cường, Phó Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Lạng Sơn cho biết:"Trăn trở lớn nhất hiện nay của chúng tôi là số người nghi bị nhiễm nhưng bây giờ mới được hưởng 8-10%, chủ yếu là do mất giấy tờ. Mà quỹ thời gian, quỹ tuổi của các nạn nhân này rất là ít. Đến hiện nay đã lây nhiễm sang con và cháu, thậm chí là chắt".
Hiện nay, Lạng Sơn còn nhiều người chưa được hưởng chính sách của Nhà nước vềchế độ người hoạt động kháng chiến bị bị nhiễm chất độc hóa học do vướng mắc về giấy tờ, thủ tục. |
Dù vậy theo bà Hoàng Thị Bích Loan, Trưởng Phòng người có công, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Lạng Sơn thì quy trình, thủ tục tiếp nhận giải quyết hồ sơ đề nghị được hưởng chế độ chính sách đối với người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học phải được thực hiện theo đúng quy định của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội.
"Chúng tôi cũng biết là có trường hợp mắc bệnh nhưng họ không còn lưu giữ được những giấy tờ để chứng minh thời gian tham gia hoạt và địa bàn hoạt động kháng chiến. Có những trường hợp bị mắc bệnh không đúng với danh mục của Bộ Y tế nhưng mà thực tế tham gia hoạt động kháng chiến tại những nơi bị rải chất độc hóa học. Chúng tôi cùng phối hợp với Hội nạn nhân chất độc da cam tỉnh tuyên truyền những trường hợp đủ điều kiện, đảm bảo các giấy tờ quy định và có bệnh án điều trị như vậy thì chúng tôi mới tiếp nhận hồ sơ, giới thiệu sang hội đồng giám định y khoa", bà Loan cho hay.
Giải quyết hậu quả chất độc da cam, hàn gắn vết thương chiến tranh vừa là lương tâm, trách nhiệm vừa là đạo lý của những thế hệ hôm nay với những người đã chiến đấu, hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc. Đây cũng là vấn đề an sinh xã hội bởi “Nạn nhân chất độc da cam là những người nghèo nhất trong những người nghèo, những người đau khổ nhất trong những người đau khổ”./.
Đà Nẵng hỗ trợ hơn 6 tỷ đồng cho nạn nhân chất độc da cam
Nhà báo Lê Thông và nỗi ám ảnh chất độc da cam
Từ khóa: chất độc da cam, khó khăn để giải quyết chế độ, chế độ cho nạn nhân chất độc da cam, Lạng Sơn, nỗi đau da cam
Thể loại: Xã hội
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN