Khi Xuân sang trên bến cảng

Cập nhật: 26/01/2020

VOV.VN - Với mục tiêu đã đặt ra, Hải Phòng sẽ sớm trở thành trọng điểm kinh tế biển của cả nước, trung tâm dịch vụ logistics quốc gia.

Cảng Hải Phòng lọt vào top 20 cảng biển lớn nhất thế giới; kinh tế biển của Hải Phòng đã góp phần vào tốc độ tăng trưởng kinh tế của thành phố năm 2019 đạt 16,5%, cao nhất từ trước đến nay, gấp 2,4 lần bình quân chung cả nước.

Chỉ với những khái quát như vậy, có thể thấy sự phát triển năng động, hiệu quả của các dịch vụ cảng biển, kinh tế biển của Hải Phòng, có thể hình dung nhịp sống sôi động, tấp nập của thành phố Cảng.

Những ngày đầu năm, không khí làm việc khẩn trương, hối hả trên khắp các bến cảng, kho bãi… của Chi nhánh Cảng Tân Vũ (Công ty CP Cảng Hải Phòng). Những container hàng liên tục được xếp dỡ, theo những chuyến tàu vượt đại dương, mang sắc xuân của Việt Nam đến với bạn bè năm châu.

tiem nang logistics hien huu noi thanh pho cang hinh 1
Cảng Hải Phòng lọt vào top 20 cảng biển lớn nhất thế giới.

Hệ thống kiểm tra tình trạng container nhập tàu tại Chi nhánh Cảng Tân Vũ đã chính thức được triển khai từ ngày 1/1/2020, góp phần nâng cao năng suất xếp dỡ, đáp ứng xu thế khai thác tàu cỡ lớn của các hãng tàu.

Ông Nguyễn Đình Tuần, đại diện khai thác Hãng tàu Wan Hai (Đài Loan) tại Việt Nam khá hài lòng với các dịch vụ tại Cảng Hải Phòng. Là đơn vị đối tác của Cảng Hải Phòng, ông Tuần nhận thấy phương châm “lấy khách hàng làm trung tâm” luôn luôn được Cảng đảm bảo, giữ vững.

"Trước đây khi đến với Cảng nhiều hãng tàu thường có quan niệm “chủ Cảng”, nhưng bây giờ Cảng lấy khách hàng là giá trị cốt lõi để phục vụ, để xác định thương hiệu kinh doanh của mình. Doanh nghiệp rất mong muốn Cảng Hải Phòng tiếp tục phương châm này để chúng tôi có thể cam kết tiếp tục và các nhà xuất nhập khẩu có thể đến với Cảng, duy trì năng suất và hiệu quả sản lượng thông qua năm 2020 tốt hơn nữa".

Từ bến “6 kho” của hơn 130 năm trước, đến nay Cảng Hải Phòng đã là cảng tổng hợp quốc gia, cửa ngõ quốc tế với 42 doanh nghiệp khai thác, 44 bến, có khả năng tiếp nhận tàu trọng tải đến hàng trăm nghìn tấn. Năm 2019, sản lượng hàng đạt 26,8 triệu tấn; doanh thu 1.686 tỷ đồng.

Đặc biệt, một chặng đường phát triển mới của Cảng Hải Phòng đã được mở ra, khi tháng 10 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận chủ trương cho Công ty CP Cảng Hải Phòng được đầu tư xây dựng bến container số 3 và 4 tại Cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện. Tại đây sẽ hình thành hệ thống logistics năng động, hiệu quả và trở thành trạm trung chuyển hàng hóa quốc tế, đưa hàng hóa xuất khẩu của khu vực miền Bắc đi thẳng tới thị trường châu Âu, châu Mỹ.

Ông Phạm Hồng Minh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty CP Cảng Hải Phòng cho biết, trong năm 2020, công ty sẽ tập trung tối đa mọi nguồn lực, hoàn thành công tác đầu tư, tiến tới khởi công công trình trong năm 2020, với mục tiêu sẽ hoàn thành bến đầu tiên vào năm 2022 và hoàn thành toàn bộ dự án vào năm 2025.

"Sau khi hoàn thành dự án này, Cảng Hải Phòng tại khu vực Lạch Huyện sẽ đáp ứng được những tàu có trọng tải 160.000 DWT và đi các tuyến xa như châu Âu, Mỹ, Ấn Độ, đáp ứng yêu cầu phát triển về giao thông hàng hóa cũng như xu hướng tăng kích thước tàu của các hãng tàu trên thế giới, đưa Cảng Lạch Huyện trở thành Cảng cửa ngõ ở khu vực phía Bắc", ông Minh cho biết.

Vừa qua, Cảng Container Quốc tế Tân Cảng Hải Phòng đã đón thành công tàu mẹ có sức chở 12.000 TEU, trọng tải 132.000 tấn xuyên Thái Bình Dương tới thẳng Hoa Kỳ và Canada. Từ đây, những chuyến hàng từ Hải Phòng đã có thể đi thẳng tới châu Mỹ và châu Âu mà không cần trung chuyển qua cảng nước ngoài như trước, rút ngắn thời gian và chi phí vận chuyển.

Theo ông Nguyễn Văn Công, Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải, sự kiện này đã làm thay đổi hoàn toàn bức tranh khai thác cảng và vận tải biển của nước ta, nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam, thúc đẩy thu hút đầu tư, đặc biệt là đầu tư trực tiếp từ nước ngoài.

"Thành phố Hải Phòng đã có tên trên bản đồ hàng hải thế giới, là 1/20 cảng có thể đón được những con tàu siêu lớn. Việc đón được những con tàu lớn có ý nghĩa không chỉ đối với sự phát triển của riêng Hải Phòng, riêng vùng kinh tế trọng điểm Hải Phòng – Quảng Ninh mà toàn bộ các tỉnh phía Bắc. Hàng hóa xuất nhập khẩu có thể đến thẳng bờ Tây nước Mỹ và châu Âu mà không phải trung chuyển, không tốn kém thời gian, không tốn kém chi phí, giảm logistics, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế", ông Công đánh giá.

Trong năm năm 2020, Hải Phòng sẽ quy hoạch 4 trung tâm logistics với tổng công suất hàng hóa thông qua khoảng 71,6 triệu tấn/năm, đảm nhận 40% - 50% tổng lượng hàng có nhu cầu cung ứng dịch vụ logistics.

Hải Phòng cũng đầu tư nhiều công trình giao thông quan trọng, trong đó có nhiều công trình kết nối Hải Phòng và các địa phương lân cận, như cầu Quang Thanh, cầu Dinh nối với Hải Dương, cầu Nghìn nối Thái Bình, cầu Bến Rừng kết nối với Quảng Ninh hay tuyến đường bộ ven biển đoạn qua Hải Phòng và 9 km trên địa bàn tỉnh Thái Bình, Nam Định…

Đẩy mạnh khai thác cảng biển và dịch vụ logistics không chỉ giúp phát triển kinh tế của riêng thành phố Hải Phòng mà còn thúc đẩy kinh tế, tăng cường mối liên kết vùng, khẳng định vị thế của Hải Phòng trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.

tiem nang logistics hien huu noi thanh pho cang hinh 2
Hải Phòng sẽ quy hoạch 4 trung tâm logistics với tổng công suất hàng hóa thông qua khoảng 71,6 triệu tấn/năm.

Bộ trưởng Bộ Công Thương - ông Trần Tuấn Anh đánh giá, Hải Phòng hiện nay như một trung tâm kinh tế - công nghiệp, thương mại, dịch vụ đồng thời cũng là một hậu cứ quan trọng của các chuỗi liên kết trong logistics.

"Hải Phòng đã phát huy và đang ngày càng phát triển hơn nữa vai trò liên kết và đầu tàu cũng như hạt nhân liên kết vùng, khu vực. Thực tế, cộng đồng doanh nghiệp của cả nước đã tìm đến Hải Phòng là trung tâm logistics quan trọng, phục vụ phát triển thương mại quốc tế, gắn với các hoạt động sản xuất, đầu tư", Bộ trưởng Trần Tuấn Anh chỉ rõ.

Xuân mới đang về trên những bến cảng, công trường… tấp nập, nhộn nhịp nơi thành phố Cảng. Với khí thế làm việc khẩn trương, hối hả ngay từ những ngày đầu năm mới, mục tiêu kinh tế mà thành phố Hải Phòng đặt ra trong năm 2020 sẽ thành công; Hải Phòng sẽ sớm trở thành “trọng điểm kinh tế biển của cả nước, trung tâm dịch vụ logistics quốc gia” như tinh thần Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị về về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045./.

Từ khóa: cảng hải phòng, trung tâm logistics, lưu chuyển hàng hóa, đầu mối hàng hóa

Thể loại: Kinh tế

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập