“Khi văn hóa chưa được đặt đúng vị thế, xã hội sẽ bị phát triển lệch lạc”
Cập nhật: 22/11/2021
VOV.VN - Theo PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái, khi văn hoá chưa được đặt đúng vị thế của nó thì xã hội sẽ bị phát triển một cách lệch lạc, sẽ tạo ra những tác phẩm rất tầm thường.
Ngày 24/11, Ban Bí thư Trung ương Đảng sẽ chủ trì tổ chức Hội nghị văn hóa toàn quốc nhằm đánh giá việc triển khai đường lối, chủ trương, các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng về công tác văn hóa, văn nghệ thời gian qua; cũng như kết quả xây dựng văn hóa, con người Việt Nam sau 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước. Đặc biệt, hội nghị sẽ nhìn lại kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về công tác văn hóa, văn nghệ.
PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái đã có những chia sẻ với VOV.VN trước thềm Hội nghị văn hóa toàn quốc.
PV: Phát triển văn hoá luôn được Đảng và Nhà nước coi trọng. Bà đánh giá như thế nào về vai trò của văn hóa, mà cụ thể ở đây là văn hóa văn nghệ trong công tác tư tưởng ở nước ta?
PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái: Đảng và Nhà nước Việt Nam đã xác định rõ, văn hóa là sức mạnh nội sinh, là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu và cũng là động lực để thúc đẩy sự phát triển của đất nước, của con người. Văn hoá Việt Nam được hiểu theo 2 cách, một là cách ứng xử của con người với môi trường tự nhiên để tạo ra những giá trị về vật chất; hai là cách ứng của con người với môi trường xã hội để tạo ra những giá trị về tinh thần. Mà những giá trị về tinh thần có được nhờ văn hóa văn nghệ. Chúng ta nghe, xem, thưởng thức cái gì để đời sống tinh thần phong phú hơn, cảm thấy thư thái, hạnh phúc. Đó là ý nghĩa của văn hóa văn nghệ.
Việc quan trọng nhất của chúng ta lúc này là xây dựng những con người Việt Nam mang văn hóa Việt Nam, trong đó văn nghệ là phải làm nhiệm vụ đó.
PV: Rõ ràng là văn hoá được coi trọng nhưng thực tế cho thấy, văn hóa chưa được phát triển tương xứng với tiềm lực kinh tế đang phát triển của đất nước. Theo bà, nguyên nhân vì sao?
PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái: Con người Việt Nam là chủ thể của văn hoá và chủ thể văn hoá của chúng ta hiện nay 70% vẫn là nông dân, nên sự chuyển đổi từ văn hoá nông nghiệp làm căn bản đến văn hoá công nghiệp làm căn bản, đương nhiên sẽ có những bi kịch.
Ta đang có vấn đề về tư duy trong phương pháp phát triển đất nước về văn hoá. Văn hoá người Việt Nam vốn trọng tình. Muốn phát triển văn hoá thì phải đặt đúng chỗ của tư duy lý thuyết, không phải là tư duy trọng tình như cũ. Tư duy lý thuyết không phải nghiêng về “cái bụng”, nếu nói đơn giản tức là nghĩ trong bụng (văn hoá duy tình). Còn nghĩ trong đầu để tích hợp với phương Tây vì văn hoá phương Tây là duy lý. Người Việt Nam hay nói là “tôi nghĩ bụng”, “lòng vả cũng như lòng sung”. Nghĩ thế thì không phát triển được. Một dân tộc chan chứa tình cảm rất tốt nhưng nó cần phải có sự cân bằng về lý trí, để cùng phát triển với bên ngoài, chứ không phải phát triển một chỗ.
PV: Việc văn hoá chưa được đặt đúng vị thế, theo bà có tác động như thế nào?
PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái: Khi văn hoá chưa được đặt đúng vị thế của nó thì xã hội sẽ bị phát triển một cách lệch lạc, sẽ tạo ra những tác phẩm rất tầm thường.
Người làm văn hóa, văn nghệ là những đầu bếp về tinh thần. Nếu họ dọn ra những món ăn tinh thần dở thì đem đến cho công chúng những suy nghĩ dở, làm cho các "thực khách" thay đổi hành vi, quan niệm… Nếu xem một vở kịch hay, người xem thấy lòng mình trong suốt, giống như được tẩy rửa, thanh lọc tâm hồn, thấy phấn chấn.
PV: Hội nghị Văn hoá toàn quốc là sự kiện chính trị, văn hoá lớn, huy động trí tuệ, tâm huyết của lực lượng văn nghệ sĩ, trí thức, nhà khoa học… Bà kỳ vọng gì ở Hội nghị này?
PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái: Hội nghị văn hoá toàn quốc sẽ là hội nghị mang tính chất chiến lược trong sự lãnh đạo văn hoá để phát triển. Hội nghị được tổ chức ở thời điểm này là sự kiện rất có ý nghĩa, nhằm tìm ra giải pháp cho những vấn đề của văn hoá Việt Nam hiện nay.
Một lần nữa phải đặt ra có tính hệ thống cái gọi là nền văn hoá Việt Nam phát triển theo cách nào chứ không phải là từng khu vực một. Văn hoá chính trị phát triển theo cách nào? Lãnh đạo văn hoá văn nghệ theo cách nào? Là lấy tư duy truyền thống cộng với tư duy của phương Tây để phát triển. Nhưng phương Tây tư duy bằng tư duy phương Tây. Nếu tham gia thì tham gia như thế nào? Tôi cho rằng việc đầu tiên là giải quyết vấn đề của cái đầu.
Tôi nghĩ, việc đầu tiên của Hội nghị văn hoá này là giải quyết tư duy để phát triển. Vì vậy, cần xốc lại tư duy, đưa ra những phương pháp căn bản, hướng theo cách nghĩ của phương Tây. Phải xác lập văn hoá văn nghệ là một nhánh và đóng góp vào sự phát triển văn hoá bằng ngôn ngữ nghệ thuật. Ngôn ngữ ấy phải được tận dụng tuyệt đối, đúng hướng chứ không phải nhảm nhí, lăng nhăng, nhem nhuốc, những vở diễn tầm thường, những lời ca não tình, những sản phẩm ăn cắp của các danh hoạ rồi bán lấy tiền… Tất cả những thứ này phải được dẹp bằng tư duy sáng suốt, tư duy của văn hoá văn nghệ, tư duy của lãnh đạo đất nước.
PV: Đảng, Nhà nước luôn mong muốn phát triển văn hoá tương xứng với kinh tế. Vấn đề là giải pháp cụ thể như thế nào để phát triển văn hoá trong giai đoạn hiện tại. Là người gắn bó với lĩnh vực văn hoá, văn nghệ rất lâu, theo bà, giải pháp nào để phát triển lúc này?
PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái: Giải pháp lớn nhất là đổi mới về tư duy. Tư duy phải đặt trong sự phát triển chiến lược chứ không phải chiến thuật. Phải đổi mới tư duy, không nghĩ bằng bụng nữa, không cảm tính nữa, mà phải tư duy bằng lý tính để hoà nhập với thế giới. Vì thế giới không nghĩ bằng bụng đâu, mà họ nghĩ bằng đầu.
PV: Xin cảm ơn bà!./.
Từ khóa: văn hóa, hội nghị văn hóa toàn quốc, pgs.ts nguyễn thị minh thái, phát triển văn hóa, công nghiệp văn hóa
Thể loại: Văn hóa - Giải trí
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN