Khi thai nhi bị mua bán như hàng hóa, vì sao khó xử lý?
Cập nhật: 13/05/2021
Hé lộ kế hoạch cải tổ FBI của Tổng thống đắc cử Donald Trump
Chớp thời cơ, Nga tung hàng loạt đòn tấn công ác liệt mới vào lực lượng Ukraine
[VOV2] - Hành vi phạm tội của các đối tượng liên quan đến việc mua bán bào thai đã rõ, nhưng vẫn gặp khó khăn trong công tác xử lý hình sự do vẫn còn khoảng trống trong pháp luật.
Những năm gần đây, tình hình mua bán người xảy ra ở tuyến biên giới Việt Nam với các nước láng giềng gia tăng phức tạp. Con mồi mà các đối tượng buôn người thường nhắm đến là phụ nữ và trẻ em ở các địa bàn miền núi, vùng cao, vùng dân tộc thiểu số… Các đối tượng phạm tội sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt để tiếp cận các nạn nhân. Trong đó việc đưa người xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc chiếm khoảng 75% số vụ việc được phát hiện.
Nước ta được xem là điểm nóng của tình trạng mua bán người trong các nước thuộc tiểu vùng sông Mê kông với diễn biến ngày càng phức tạp và có chiều hướng gia tăng, xảy ra ở 63 tỉnh thành phố đặc biệt là các tuyến đường biên giới, những địa bàn vùng sâu vùng xa. Các đối tượng có hành vi mua bán bào thai thường nhắm đến những phụ nữ dân tộc thiểu số, nhất là những phụ nữ quá lứa, lỡ thì, các cô gái có hoàn cảnh éo le hoặc mang thai ngoài ý muốn. Để tránh sự phát hiện của lực lượng chức năng, các đối tượng có sự cấu kết chặt chẽ ở cả trong và ngoài nước.
Theo lời dụ dỗ của các đối tượng môi giới, sau vượt biên sang bên kia biên giới, các thai phụ sẽ đi bán đứa con đang mang trong bụng mình với được trả số tiền khoảng từ 330-350 triệu đồng. Càng ngày thủ đoạn dụ dỗ của các đối tượng mua bán người, đặc biệt là mua bán bào thai qua biên giới ngày càng tinh vi, thay vì trước đây phải đến tận các vùng biên giới để lừa gạt những người nhẹ dạ cả tin thì nay bọn chúng có thể lợi dụng mạng xã hội để có thể kết nối, tìm kiếm và câu kéo con mồi. Bằng những lời ngon ngọt và thủ đoạn lừa đảo xảo quyệt chúng có thể dụ dỗ được rất nhiều nạn nhân. Thậm chí có những phụ nữ Việt Nam từng bị bán sang nước ngoài trước đây nay lại trở về dụ dỗ các nạn nhân khác.
Hậu quả của việc ra nước ngoài sinh con sau đó bán con rất nghiêm trọng. Các nạn nhân sau khi được mổ lấy thai nhi có thể bị các đối tượng lấy nội tạng đem bán mà không hề hay biết. Thậm chí sau khi sinh, có người còn bị giữ lại làm nô lệ tình dục, phục vụ hoạt động mại dâm.
Theo cơ quan công an, trong những vụ án mua bán bào thai này, khó khăn không đến từ quá trình điều tra mà lại là khi xử lý hình sự đối tượng liên quan. Trung tá Đào Trung Hiếu, Chuyên gia tội phạm học (Bộ Công an) cho rằng, xét dưới góc độ pháp luật thì hành vi của người mẹ ra nước ngoài sinh con rồi bán có dấu hiệu của tội phạm mua bán người. Tuy nhiên trên thực tế, Việt Nam chưa khởi tố được người mẹ nào bán thai nhi như vậy. Ngoài lý do vì nhân đạo thì nguyên nhân khiến cơ quan chức năng chưa xử lý được là vì luật pháp của nước ta chưa quy định về hành vi mua bán bào thai. Theo pháp luật hình sự nước ta hiện nay thì chỉ được coi là con người và có quyền công dân khi mà đứa trẻ được sinh ra, còn khi vẫn đang còn là bào thai trong bụng mẹ thì chưa thể coi là con người, chưa là đối tượng của hành vi phạm tội, cho nên cơ quan chức năng không có căn cứ pháp lý để xử lý hành vi mua bán thai nhi.
Để ngăn chặn có hiệu quả tội phạm mua bán bào thai, chuyên gia tội phạm học Đào Trung Hiếu cho rằng cần thực hiện đồng loạt các giải pháp sau: Tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến các tầng lớp nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, nơi xảy ra tình trạng mua bán bào thai để nâng cao ý thức cho người dân trong việc phòng tránh. Việc đẩy mạnh tuyên truyền trong hệ thống nhà trường cũng là một trong những biện pháp cần phải được đẩy mạnh. Bên cạnh đó cần đẩy mạnh việc thông báo phương thức, thủ đoạn của tội phạm mua bán người, mua bán bào thai để người dân cảnh giác, chủ động phòng ngừa. Tổ chức rà soát tình hình mua bán bào thai, các đường dây, đối tượng môi giới mua bán người, mua bán bào thai ra nước ngoài để triệt xóa. Khẩn trương điều tra làm rõ các vụ việc đã xảy ra, xử lý nghiêm đối tượng vi phạm pháp luật; tăng cường quản lý xuất, nhập cảnh của công dân, phối hợp lực lượng biên phòng tuần tra kiểm soát, quản lý khu vực biên giới, cửa khẩu, đường mòn, lối mở.
Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần sớm xem xét hoàn thiện khung pháp lý xử lý hành vi mua bán bào thai, rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về mặt pháp luật trong xử lý vi phạm liên quan đến mua bán bào thai. Cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Hiệp định tương trợ tư pháp, hợp tác phòng, chống mua bán người giữa Việt Nam - Trung Quốc và các nước khác để phối hợp giải quyết, ngăn chặn hiệu quả tình trạng mua bán người, mua bán bào thai và các yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Từ khóa: mua bán bào thai, mua bán người, xử lý, hình sự, phòng chống tội phạm, phụ nữ, trẻ em, điều tra
Thể loại: Pháp luật
Tác giả:
Nguồn tin: VOV2