Khi nào mặt bằng mới “thoát ế”

Cập nhật: 19/08/2024

VOV.VN - Mặt bằng tại những tuyến phố trung tâm tại khu vực TP.HCM như Đồng Khởi, Lê Lợi, Lý Tự Trọng,… rơi vào tình cảnh ế ẩm trong suốt thời gian dài và chưa có dấu hiệu khởi sắc. Không ít chủ nhà chấp nhận giảm giá sâu nhưng vẫn không có người thuê.

Ghi nhận của phóng viên tại khu vực trung tâm TP.HCM, các tuyến đường như Lê Lợi, Lý Tự Trọng, Nguyễn Trãi… rất nhiều căn nhà cho thuê làm cửa hàng kinh doanh bị bỏ trống trong suốt thời gian dài. Những tấm biển “cho thuê mặt bằng” hay “cho thuê nhà chính chủ” kèm theo số điện thoại xuất hiện chi chít trên những mặt tiền căn nhà.

Ông Trần Đình Thao làm nghề xe ôm tại góc đường Nguyễn Thị Minh Khai – Cách Mạng Tháng 8 cho biết, căn nhà ngay tại nơi ông ngồi chờ khách đã "cửa đóng then cài" được 3 tháng nay. Dù có dán biển cho thuê mặt bằng, nhưng suốt thời gian qua vẫn chưa thấy vị khách nào thuê lại.

“Nghe nói là cho mướn đó mà không biết có ai mướn không. Mấy chỗ này nghe nói là cho mướn để làm này kia mà tới giờ không thấy ai mướn, chắc mắc qua hay gì nên mấy tháng nay là thấy vậy đó, đâu ai mướn đâu"- ông Thao nói.

Trong khi đó tại trục đường Nguyễn Trãi, mặc dù là một trong những tuyến đường tập trung nhiều cửa hàng thời trang ở TP.HCM, thế nhưng không khí mua sắm ở đây lại vô cùng vắng lặng. Chỉ một đoạn đường dài khoản hơn 2km đã có hàng chục mặt bằng dán bảng cho thuê. Trung bình cứ hễ 10 căn nhà liền kề trên tuyến đường này sẽ xuất hiện 1 đến 2 cửa hàng dán biển cho thuê.

Ông Nguyễn Văn Nhơn kinh doanh quán cà phê trên trục đường này cho rằng, nguyên nhân dẫn đến việc cho thuê mặt bằng ảm đạm là do lượng khách sụt giảm nghiêm trọng, thu nhập của các cửa hàng giảm hơn 1 nửa so với trước kia: 

"Hồi xưa chiều thứ Bảy người dân qua lại nơi đây đông nghẹt nhưng từ sau dịch COVID tới giờ là bớt đi rất nhiều luôn. Hồi đó một ngày thu nhập trên cả triệu bạc mà giờ chỉ có 1 – 2 trăm nghìn, khó khăn lắm".

Theo thống kê của một đơn vị nghiên cứu thị trường, giá thuê nhà mặt đường tại khu vực Quận 1, TP.HCM dao động từ 50-400 triệu đồng/tháng, tùy vị trí và diện tích. Giá thuê mặt bằng trung bình tại Quận 3 khoảng 192 triệu đồng/tháng và tại Quận 5 khoảng 168 triệu/tháng.

Để nhanh chóng cho thuê được mặt bằng, một số chủ nhà chấp nhận giảm giá từ 10-15%, đồng thời hỗ trợ miễn phí 1 tháng thi công, nhưng vẫn có nhiều mặt bằng với giá thuê cao chót vót, từ 4.500 - 45.000 USD/tháng.

Đặc biệt tại các trục đường nàm tại “khu đất vàng” như Lê Lợi, Lê Lai, Đồng Khởi… Điều này tạo ra một khoảng cách lớn giữa cung và cầu, khiến cho việc tìm kiếm khách thuê trở nên khó khăn hơn. Ông Nguyễn Tuấn Tú (người cho thuê mặt bằng) cho biết:

"Có rất nhiều khách hàng đến làm việc với mình để họ muốn thuê, tuy nhiên ở thời điểm này những người thuê trong lĩnh vực nhà hàng ăn uống hay là dịch vụ massage, karaoke thì mình không cho, mình chỉ muốn cho thuê văn phòng thôi, tuy nhiên nhiều đơn vị hiện nay chuyển sang kinh doanh online chẳng hạn nên mình gặp khó chuyện đó".

Dưới góc độ của người thuê nhà để kinh doanh, theo chị Ngọc Dung thì những đơn vị cho thuê nên có sự hỗ trợ một vài tháng đầu để việc kinh doanh, mua bán dần ổn định thì sẽ tốt hơn và thu hút được nhiều người thuê hơn.

"Nếu tìm được chỗ nào mà họ thông cảm, họ chịu hỗ trợ mình một vài tháng đầu để mà quán hoạt động ổn định thì rất là tốt trong thời điểm này",- chị Ngọc Dung chia sẻ.

Lý giải về việc mặt bằng cho thuê tại TP.HCM rơi vào tình cảnh ế ẩm trong suốt thời gian dài, ông Lê Đình Hiếu - Trưởng phòng Tài chính Kế toán Tổng hợp (Sở Công thương) cho biết chính sự dịch chuyển từ hình thức mua bán trực tiếp sang hình thức trực tuyến, các sàn thương mại điện tử là một trong những nguyên nhân chính.

"Các phương thức kinh doanh qua mạng, các trang web, mạng xã hội đã phát triển phong phú và đa dạng, vì vậy người dân sẽ chuyển dần qua mua hàng online, nên người tiêu dùng sẽ ít đến chợ hơn, ít đến trung tâm hơn là xu thế hiện nay",- ông Lê Đình Hiếu cho biết.

Dưới góc độ chuyên gia nhìn nhận thực trạng này, TS Trần Du Lịch cho rằng, dưới tác động của đại dịch vào năm 2021 cũng như xu hướng mua sắm thay đổi thì những gì thành phố đang thực hiện là có thể chấp nhận được trong bối cảnh hiện nay:

"Phần lớn các doanh nghiệp nhỏ sẽ gặp khó khăn về vốn cũng như trong thời gian covid sẽ mất thị trường, mất lao động thành ra một bộ phận như vậy chưa có khả năng phục hồi phải giải thể, tuy nhiên đứng trên góc độ tác hại của đại dịch năm 2021 thì những gì thành phố phục hồi được là có thể chấp nhận được".

Đặc biệt, tới đây TP.HCM sẽ thực hiện điều chỉnh bảng giá đất mới, tăng từ 5 lần đến hơn 50 lần so với bảng giá đất hiện hành, tùy theo từng khu vực; sẽ ít nhiều tạo ra những biến động đối với thị trường bất động sản và cho thuê mặt bằng tại TP.HCM trong khoảng thời gian tới.

Thời điểm này, thị trường mặt bằng cho thuê tại TP.HCM đang ở một bước ngoặt quan trọng và chỉ có thời gian mới có thể cho chúng ta biết liệu những thay đổi này có thể giúp thị trường phục hồi và phát triển mạnh mẽ hơn trong tương lai hay không.

Đối với những chủ nhà và doanh nghiệp, đây là lúc để suy nghĩ sáng tạo và linh hoạt, tìm kiếm cơ hội trong thách thức và chuẩn bị cho một thị trường đầy biến động.

Từ khóa: mặt bằng , TP HCM, mặt bằng ế ẩm, người thuê, kinh doanh

Thể loại: Kinh tế

Tác giả: trọng nghĩa/vov - giao thông

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập