Khẩu trang, đồ bảo hộ y tế không theo chuẩn khó xuất khẩu vào EU
Cập nhật: 14/04/2020
VOV.VN - Các doanh nghiệp cần tìm hiểu về các tiêu chuẩn để đáp ứng, xin các giấy chứng nhận phù hợp để tạo thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu khẩu trang.
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang sản xuất khẩu trang, quần áo bảo hộ y tế để kinh doanh trong mùa dịch Covid-19. Nhiều doanh nghiệp cũng đã liên hệ tìm các đối tác để xuất khẩu khẩu trang và quần áo bảo hộ y tế vào EU, bằng việc nhờ hệ thống Thương vụ Việt Nam tại các nước thành viên EU liên hệ tìm đối tác.
Tuy nhiên, Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU cũng lưu ý, để xuất khẩu khẩu trang và quần áo bảo hộ y tế vào EU, các doanh nghiệp cần đáp ứng các tiêu chuẩn của EU về mặt hàng này.
Đơn cử về tiêu chuẩn dán nhãn CE (thích ứng với các quy định của EU), hoặc đáp ứng bộ tiêu chuẩn mà EU đang phối hợp cùng các nước thành viên đưa ra trong trường hợp chưa có nhãn CE để xuất khẩu vào riêng từng quốc gia.
“Do vậy, việc sản xuất đại trà khẩu trang, quần áo bảo hộ y tế mà không theo tiêu chuẩn kỹ thuật nào rất có thể sẽ không xuất khẩu được vào EU và gây dư thừa, thiệt hại về kinh tế nếu không tiêu thụ được ở các thị trường khác”, Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU khuyến cáo.
Việt Nam có đủ năng lực để trở thành một quốc gia sản xuất khẩu trang vải lớn trên thế giới. Ảnh minh họa: Moit |
Trước đó, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cũng đưa ra nhận định, Việt Nam có đủ năng lực để trở thành một quốc gia sản xuất khẩu trang vải lớn trên thế giới. Tuy nhiên, để coi đây là một ngành sản xuất lâu dài vẫn cần tính đến một số yếu tố liên quan, khi trên thị trường thế giới, khẩu trang đồng nghĩa với khẩu trang y tế, việc sử dụng khẩu trang vải chưa phải phổ biến. Vì vậy, cần có sự thông tin, quảng bá thêm để người dùng nhận biết được lợi ích của khẩu trang vải và chuyển sang sử dụng loại khẩu trang này.
Do đó, trong công tác xúc tiến thương mại, tìm khách hàng cần được đẩy mạnh trong bối cảnh nhiều khách hàng nước ngoài chưa biết về khả năng sản xuất khẩu trang vải của Việt Nam. Hơn nữa, khi dịch bệnh bùng phát, khẩu trang trở thành một mặt hàng thiết yếu. Nhưng khi dịch bệnh qua đi, nhu cầu về khẩu trang cũng sẽ giảm xuống. Do vậy, đây là một mặt hàng có tính thời vụ, tính ổn định không cao.
Chính vì vậy, các doanh nghiệp dệt may có thể tranh thủ khai thác thị trường tại thời điểm này, nhưng để coi đây là một sản phẩm lâu dài, đầu tư quy mô lớn thì cần thận trọng. Đã có một vài doanh nghiệp thông báo nhận được đơn hàng dài hạn về khẩu trang, nhưng con số này còn rất ít.
Theo Cục Xuất nhập khẩu, các doanh nghiệp xuất khẩu khẩu trang vải cũng cần lưu ý, thị trường các nước phát triển thường đòi hỏi yêu cầu cầu cao về chất lượng, tính an toàn với người sử dụng. Do vậy, các doanh nghiệp cần tìm hiểu về các tiêu chuẩn này để đáp ứng, xin các giấy chứng nhận phù hợp để tạo thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu.
Ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhìn nhận, Việt Nam có đủ năng lực để có thể trở thành một quốc gia sản xuất khẩu trang vải lớn trên thế giới. Tuy nhiên, để coi đây là một ngành sản xuất lâu dài thì cần tính đến một số yếu tố khác...
Bởi lẽ khẩu trang là một sản phẩm đơn giản, nhưng không có nghĩa là đòi hỏi chất lượng thấp. Mà ngược lại, đây là sản phẩm tiếp xúc trực tiếp với đường thở nên đòi hỏi chất lượng phải cao hơn cả sản phẩm dệt may thông thường.
“Các doanh nghiệp cần quan tâm đảm bảo chất lượng trong quá trình lựa chọn nguyên liệu, tổ chức sản xuất và làm thử nghiệm, xin giấy chứng nhận ở các tổ chức đánh giá có uy tín để đảm bảo khẩu trang được người dùng trong và ngoài nước chấp nhận. Đó là yếu tố hàng đầu để cho khẩu trang có thể sản xuất được lâu dài”, ông Hải lưu ý.
Được biết, ngay khi dịch Covid-19 xuất hiện tại Việt Nam, Bộ Công Thương đã cử đoàn công tác đi làm việc tại các doanh nghiệp dệt may, nắm tình hình và năng lực sản xuất khẩu trang vải.
Bộ đã tổ chức kết nối các doanh nghiệp sản xuất khẩu trang vải với các doanh nghiệp phân phối, hệ thống trung tâm thương mại, siêu thị lớn để đẩy mạnh tiêu thụ khẩu trang vải ở trong nước.
Hiện nay, trước tình hình năng lực sản xuất khẩu trang vải được mở rộng trong khi thị trường trong nước đang dần bão hòa, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài khẩn trương liên hệ, tìm kiếm các đầu mối, doanh nghiệp ở nước ngoài để giúp tiêu thụ sản phẩm khẩu trang vải. Các thông tin này Bộ Công Thương đã đưa lên Cổng thông tin của Bộ để doanh nghiệp sản xuất khẩu trang vải có thể đăng ký tham gia kết nối với các Thương vụ và nhận thông tin về người nhập khẩu nước ngoài./.
Từ khóa: khẩu trang, bảo hộ y tế, xuất khẩu khẩu trang, tiêu chuẩn EU
Thể loại: Kinh tế
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN