Khát vọng về một ĐBSCL trù phú, thịnh vượng

Cập nhật: 13/03/2021

VOV.VN - Cần phải hoàn thiện quy hoạch tổng thể, tạo cơ chế chính sách phù hợp, đầu tư hạ tầng kết nối để ĐBSCL thực sự phát triển bền vững, thịnh vượng…

Sáng nay (13/3), tại Thành phố Cần Thơ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị lần thứ 3 về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu. Đồng chủ trì Hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch UBMT Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên; Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình; Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, lãnh đạo nhiều bộ, ngành, các địa phương vùng ĐBSCL, các chuyên gia, nhà khoa học, các đối tác quốc tế…

Hội nghị đã thảo luận, đánh giá những việc đã làm được, đặc biệt những kết quả nổi bật, những hạn chế, khó khăn, bài học kinh nghiệm và đề xuất giải pháp thúc đẩy triển khai thực hiện Nghị quyết số 120.

Báo cáo đánh giá 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 120, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà nêu rõ, chủ trương “thuận thiên” từng bước phát huy hiệu quả, tạo sự chuyển biến căn bản trong nhận thức, tư duy và hành động của các cấp, ngành, địa phương vùng ĐBSCL, được người dân và doanh nghiệp tích cực tham gia hưởng ứng, đồng thời huy động được sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, các đối tác phát triển.

Từ chỗ phát triển dựa vào tài nguyên thiên nhiên ưu đãi như điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, nguồn lợi thủy sản đã chuyển đổi sang phát triển dựa vào năng suất lao động, ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ, tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị.

Nghị quyết là bước đột phá lớn, có ý nghĩa định hình chiến lược phát triển bền vững ĐBSCL theo hướng tổng thể, đồng thời, tích hợp với tầm nhìn dài hạn và khát vọng về một vùng ĐBSCL trù phú, thịnh vượng, lấy con người làm trung tâm, coi việc sử dụng hiệu quả tiết kiệm và bền vững tài nguyên nước, đất đai là triết lý phát triển.

Chính phủ đã tập trung chỉ đạo xây dựng, bổ sung hoàn thiện cơ chế chính sách cho phát triển bền vững vùng ĐBSCL theo 4 lĩnh vực chính như: Năng lượng tái tạo và hiệu quả năng lượng; Hạ tầng và kỹ thuật môi trường; Nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản; Chế biến thực phẩm và các dịch vụ vận tải. Qua đó, góp phần thu hút các doanh nghiệp đầu tư mạnh vào nông nghiệp, tăng cường liên kết 4 nhà  để nâng cao chuỗi giá trị, tạo chỗ đứng cho các sản phẩm nông nghiệp trên thị trường thế giới.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho rằng, trong thời gian tới cần phát huy vai trò Hội đồng Điều phối vùng với sự tham gia tích cực hiệu quả của các địa phương trong vùng; tăng cường rà soát, bổ sung và hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách, đặc biệt là huy động nguồn lực thông qua đối tác công - tư, tập trung đất đai phục vụ chuyển đổi quy mô lớn, quy hoạch các khu vực trồng lúa chuyển đổi mục đích linh hoạt để chủ động trong chuyển đổi cơ cấu sản xuất phù hợp với điều kiện tự nhiên từng năm.

Bên cạnh đó, ưu tiên thực hiện các dự án hạ tầng đa mục tiêu về thủy lợi, cấp nước sạch, thoát nước, giao thông, ứng phó với biến đổi khí hậu; kết nối vùng, liên vùng thúc đẩy tái cơ cấu kinh tế, phát triển thương mại, tạo chuỗi giá trị để ĐBSCL phát triển bền vững, thịnh vượng.

“Sau hơn 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết, có thể khẳng định vùng ĐBSCL đã chuyển mình mạnh mẽ với những tiến bộ trong cả tư duy lẫn hành động, chuyển từ bị động sang chủ động thích ứng với những tác động của biến đổi khí hậu, coi lũ, nước mặn, nước lợ là tài nguyên để phát triển kinh tế. Sinh kế, đời sống của nhân dân từng bước được cải thiện, bức tranh phát triển vùng ĐBSCL ngày càng được tô điểm bằng nhiều gam màu tươi sáng. Hiệu quả của việc phân vùng, chuyển đổi sản xuất theo phương châm “thuận thiên” đã được chứng minh chứng tăng trưởng GDP của vùng luôn ở mức cao”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.

Theo PGS.TS, Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Biến đổi khí hậu - Trường Đại học Cần Thơ, trong suốt thời gian qua các địa phương, người dân trong vùng ĐBSCL đã thay đổi tư duy nhận thức để thích ứng với biến đổi khí hậu; từ thâm canh lúa 3 vụ nay đã giảm và tập trung vào chất lương thay vì chạy theo số lượng. Nếu như trước đây là lúa gạo, trái cây rồi mới tới thủy sản thì nay đã đảo chiều thủy sản – trái cây và lúa gạo. Các tỉnh ven biển đã tập trung vào mô hình tôm – lúa đã mang lại hiệu quả kinh tế gấp nhiều lần so với trước đây chỉ thuần túy trồng lúa.

PGS.TS. Lê Anh Tuấn cho rằng, hiện nay các địa phương đã nhận thức rõ “thuận thiên” đã phát triển nhiều mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, năng lượng tái tạo…Tuy nhiên, để ĐBSCL phát triển bền vững cần phải hoàn thiện cơ chế, chính sách, trong đó phải quy hoạch một cách tổng thể vùng trong sự phát triển hiện nay để phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế của vùng, biến thách thức thành cơ hội, hướng tới mục tiêu phát triển vùng ĐBSCL bền vững, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu.

“Nghị quyết 120 có một số vướng mắc mà chưa trở thành nghị quyết hoàn hảo cho vùng ĐBSCL. Toàn vùng đang ở trong giai đoạn quy hoạch và phát triển theo hướng tích hợp tất cả các ngành khác để có cơ sở khoa học phát triển lâu dài, bền vững. Đồng thời ĐBSCL giảm bớt ra những dự án có thể gây nguy hại cho môi trường, không hiệu quả về mặt kinh tế. Điều nữa là vấn đề liên kết vùng với nhau và liên kết các nhà liên quan để mà trong phát triển ĐBSCL”, PGS.TS. Lê Anh Tuấn chỉ ra.

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho rằng, vùng ĐBSCL giữ vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng, không chỉ là trụ đỡ, bảo đảm an toàn, an ninh lương thực, xuất khẩu nông sản, mà còn là vùng một động lực, nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển.

Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua ĐBSCL đang phải đối diện với nhiều nguy cơ và thách thức của biến đổi khí hậu, các hoạt động phát triển của thượng nguồn, mặt trái từ phát triển kinh tế xã hội chưa bền vững, khai thác sử dụng tài nguyên với cường độ cao, gây ô nhiễm môi trường, mất cân bằng sinh thái nghiêm trọng, tỷ lệ di dân tự do tăng cao. Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết số 120 của Chính phủ, đã  đạt được một số kết quả quan trọng, nhưng mục tiêu và nhiệm vụ tiếp theo vẫn còn rất thách thức, đòi hỏi sự đồng thuận và quyết tâm cao.

“Các địa phương cần ưu tiên nguồn lực và bố trí nguồn vốn đối ứng để triển khai các dự án có tính chất kết nối liên vùng, liên tỉnh, có tác động lan tỏa; mở rộng không gian phát triển, tạo quỹ đất cho sản xuất kinh doanh, kết nối tuyến giao thông hành lang ven biển; ưu tiên cho các dự án giao thông đường ven biển, nhằm kết nối khép kín tối đa tuyến đường ven biển của vùng ĐBSCL”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Tại Hội nghị, bà Carolyn Turk, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cho rằng, việc đưa quy hoạch vùng vào thực tiễn triển khai sẽ còn là thách thức khó khăn, đòi hỏi nỗ lực của Chính phủ, các địa phương với một kế hoạch thực hiện hiệu quả. Kế hoạch cần các hướng dẫn rõ ràng, sự đồng thuận về vai trò, trách nhiệm của tất cả các bên liên quan; có ưu tiên đầu tư mang tính chiến lược và thực tế, phân bổ tài chính kịp thời, đầy đủ và cân nhắc, chia sẻ gánh nặng chi phí giữa các nhóm liên quan và có cơ chế phản hồi để liên tục phản ánh, đánh giá, cập nhật và sửa đổi.

“Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam xin khởi động hỗ trợ quá trình thực hiện Quy hoạch vùng, tiếp tục hỗ trợ thực hiện Nghị quyết 120 bằng cách đề xuất và kêu gọi sự hợp tác của Chính phủ trong việc tổ chức Diễn đàn ĐBSCL 2021 sau khi Quy hoạch vùng được phê duyệt”, bà Carolyn Turk nhấn mạnh.

Qua hơn 3 năm thực hiện Nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu, chính quyền các địa phương, người dân, doanh nghiệp tích cực tham gia, sản xuất nông nghiệp bước đầu được chuyển đổi theo hướng hình thành các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn như thủy sản - trái cây - lúa gạo gắn với công nghệ chế biến, tiêu thụ theo chuỗi giá trị nông sản.

Chuyển đổi kinh tế vùng ĐBSCL tiếp tục được đẩy mạnh theo thế mạnh của vùng, từng tiểu vùng và tăng cường kết nối kinh tế, kết nối hạ tầng nội vùng và với TPHCM, vùng Đông Nam Bộ. Tuy nhiên, trước những thách thức của biến đổi khí hậu vẫn đang đè nặng lên quá trình phát triển của ĐBSCL, vì vậy cần phải hoàn thiện quy hoạch tổng thể, tạo cơ chế chính sách phù hợp, đầu tư hạ tầng kết nối để ĐBSCL thực sự phát triển bền vững, thịnh vượng./.

Từ khóa: phát biển bền vững, ĐBSCL, nghị quyết 20, biến đổi khí hậu, thích ứng

Thể loại: Kinh tế

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập