Khánh Hòa tháo gỡ vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công

Cập nhật: 28/02/2023

VOV.VN - Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh Khánh Hòa năm 2022 chỉ đạt hơn 83% so với kế hoạch vốn giao. Nguyên nhân giải ngân vốn chậm là do vướng mắc trong bồi thường, giải phóng mặt bằng.

 

Năm 2022, UBND tỉnh Khánh Hòa được phân bổ hơn 3.500 tỷ đồng vốn đầu tư công, kết thúc năm giải ngân vốn, địa phương này chỉ giải ngân đạt hơn 83% so với kế hoạch của Trung ương giao và hơn 91% so với kế hoạch của tỉnh. Tỷ lệ giải ngân vốn năm 2022 cũng thấp hơn 5,5% so với năm 2021. Hiện nay, 14 đơn vị trong tỉnh này có tỷ lệ giải ngân thấp hơn tỷ lệ bình quân chung, trong đó có 2 đơn vị giải ngân chưa tới 10%.

Nguyên nhân chủ yếu do nguồn tiền thu sử dụng đất ở một số địa phương không đạt, ảnh hưởng đến việc phân bổ vốn, việc cấp phát vốn từ Trung ương bị chậm. Một số dự án được bố trí kế hoạch vốn lớn trong năm 2022 nhưng vướng mắc trong bồi thường, giải phóng mặt bằng và thủ tục đầu tư, thủ tục giải ngân cũng gặp nhiều khó khăn.

Ông Bùi Xuân Minh, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa cho biết, việc đấu thầu mua sắm trang thiết bị cho các bệnh viện mới gặp nhiều vướng mắc, nguy cơ dẫn đến chậm tiến độ.

“Mua sắm trang thiết bị là việc bất khả kháng. Trong năm 2022, Sở Y tế tổng giải ngân chỉ có 78%, kết quả thấp, chưa bằng mức của tỉnh. Chỉ năm nay vướng về thủ tục mua sắm trang thiết bị. Giờ vẫn vướng tiếp, vấn đề thẩm định giá khó nhất là cơ quan thẩm định giá không dám thẩm định, kéo dài", ông Minh cho hay.

Năm 2023, tổng số vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa hơn 6.800 tỷ đồng, gần gấp đôi so với năm 2022. Để giải ngân đúng tiến độ, các ngành, địa phương đề nghị tỉnh sớm bố trí vốn, tập trung công tác giải phóng mặt bằng phục vụ dự án.

Ông Hồ Tấn Quang, Giám đốc Ban Quản lý Dự án phát triển tỉnh Khánh Hòa cho biết, khó khăn chính của các dự án vẫn là đơn giá bồi thường, chính sách tái định cư, chủ đầu tư phải tăng cường đối thoại, vận động để tạo sự đồng thuận của người dân.

“Giải phóng mặt bằng các khu vực để thi công, bây giờ, đến bước cuối cùng ra quyết định để chi trả. Nhiều người dân có ý kiến về giá thấp. Tỉnh cũng rất cầu thị, thuê tư vấn vào, thẩm định giá độc lập để kiểm tra lại giá tỉnh lập thế có đúng không? Tư vấn độc lập vào thì người ta xác định giá tỉnh lập thì phù hợp rồi, không thay đổi gì về giá. Nhưng phương án bồi thường còn có hỗ trợ, tái định cư, chúng tôi tiếp thu, cầu thị hết”, ông Quang cho hay.

Năm nay, tỉnh Khánh Hòa tiếp tục tháo gỡ các vướng mắc về thủ tục để tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất, bổ sung nguồn vốn cho đầu tư công. Các địa phương cần đẩy nhanh tiến độ trình hồ sơ phê duyệt các dự án, kế hoạch lựa chọn nhà thầu, đẩy nhanh việc thanh, quyết toán, không để dồn vào cuối năm ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân chung.

Ông Lê Hữu Hoàng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Khánh Hòa cho rằng, vấn đề giá đất cụ thể từng dự án sẽ được Hội đồng thẩm định của tỉnh kịp thời ban hành, làm cơ sở để thu hồi đất thực hiện các dự án.

“Sẽ rút kinh nghiệm của các năm qua, như vậy, khi hồ sơ, phương án của các huyện, thị, thành phố trình lên qua Sở Tài nguyên - Môi trường sẽ được Hội đồng thẩm định ngay, không để tồn đọng các dự án đầu tư công. Thành viên Hội đồng thẩm định giá, Sở Tài nguyên - Môi trường, Sở Tài chính, UBND các huyện, thị, thành phố phải đồng hành, phối hợp đồng bộ. Bởi vì nếu chậm từ khâu của huyện, thị sẽ ảnh hưởng ngay đến tiến độ chung”, ông Hoàng cho biết thêm./.

Từ khóa: Chậm giải ngân vốn đầu tư công; vướng giải phóng mặt bằng; Nha Trang; Khánh Hòa

Thể loại: Kinh tế

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập