Khánh Hòa "quý từng ngày" để tranh thủ cơ hội từ Nghị quyết 55 của Quốc hội
Cập nhật: 26/08/2022
Triển lãm “Hoàng Sa, Trường Sa – Biển, đảo thiêng liêng” tại Kiên Giang
Quân đội Việt Nam - Ấn Độ trao đổi, củng cố kiến thức, kỹ năng tại VINBAX-2024
VOV.VN - Quốc hội trao một số cơ chế, chính sách đặc thù thể hiện sự quan tâm đặc biệt, đánh giá cao vai trò vị trí, ý nghĩa chiến lược của tỉnh Khánh Hòa đối với sự phát triển đất nước. Vì thế, tỉnh Khánh Hòa phải khẩn trương xây dựng kế hoạch, chương trình hành động cụ thể, có lộ trình rõ ràng.
Nghị quyết 55 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa có hiệu lực từ đầu tháng 8/2022, đã tạo ra nhiều cơ hội cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương này. Thời gian hiệu lực của Nghị quyết chỉ 5 năm, vì thế, tỉnh Khánh Hòa đang tranh thủ thời gian để triển khai thực hiện.
Cuối tháng 7 vừa qua, Hợp tác xã nuôi trồng thủy sản và du lịch Vân Phong được thành lập, tập hợp 30 thành viên là các doanh nghiệp, hộ dân nuôi trồng thủy sản ở phía Bắc tỉnh Khánh Hòa. Hợp tác xã tạo việc làm ổn định cho hơn 300 lao động, từ cung cấp thức ăn, vận chuyển, nuôi trồng thủy sản trên lồng bè.
Ông Võ Văn Thái, Giám đốc Hợp tác xã nuôi trồng thủy sản và du lịch Vân Phong cho biết, qua nghiên cứu Nghị quyết 55 của Quốc hội, một số chính sách ưu đãi, khuyến khích về phát triển kinh tế biển như: miễn tiền sử dụng khu vực biển trong 15 năm đối với diện tích được giao nuôi trồng thuỷ sản; miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp khi nuôi trồng thủy sản…
Ông Võ Văn Thái cho biết, những chính sách này giúp doanh nghiệp được giao mặt nước lâu dài, an tâm chuyển đổi công nghệ, hiện đại hóa nghề nuôi trồng trên biển.
“Thành lập Hợp tác xã mục đích để tìm nguồn đầu tư của Nhà nước, để dần dần thay đổi mô hình nuôi, ứng phó kịp với biến đổi khí hậu, để người dân được an toàn hơn, thu nhập tốt hơn. Chứ để lồng gỗ như hiện nay đến mùa mưa bão lại phải lo. Có hợp tác xã thì tập thể phải mạnh hơn”, ông Thái phân tích.
Nghị quyết số 55 của Quốc hội có 10 điều, trong đó có 6 điều quy định về các cơ chế, chính sách đặc thù đối với tỉnh Khánh Hòa. Nghị quyết quy định những cơ chế chưa từng có về lĩnh vực quản lý tài chính, ngân sách nhà nước, bồi thường, hỗ trợ tái định cư, đến phát triển Khu Kinh tế Vân Phong và phát triển kinh tế biển của tỉnh Khánh Hòa...
Nghị quyết cũng nêu rõ, hàng năm, ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách tỉnh không quá 70% số tăng thu ngân sách từ các khoản thu phân chia giữa ngân sách Trung ương và ngân sách tỉnh so với dự toán được Thủ tướng Chính phủ giao… Khánh Hoà được vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 60% số thu ngân sách tỉnh được hưởng theo phân cấp.
Ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, mục tiêu đến năm 2030, tỉnh Khánh Hòa sẽ là đô thị trực thuộc Trung ương, quá trình thực hiện các dự án sẽ tác động rất lớn đến đời sống của người dân. Vì thế, việc an cư, tạo việc làm cho người dân là những vấn đề được địa phương quan tâm hàng đầu.
“Ở trong các khu đô thị hiện đại như thế, người dân phải được thụ hưởng. Đối với chính sách phát triển Vân Phong và Cam Ranh, lãnh đạo tỉnh đang xây dựng cụ thể. Khu tái định cư như thế nào, chuyển đổi đào tạo nghề ra sao? Tiếp nhận số lao động hiện có vào các doanh nghiệp như thế nào? Khi chọn được nhà đầu tư, chúng tôi sẽ đặt vấn đề, để người dân tham gia lựa chọn nghề nghiệp của mình”, Chủ tịch Khánh Hòa cho biết thêm.
Nghị quyết 55 của Quốc hội là cơ sở pháp lý quan trọng để triển khai Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị. Bên cạnh việc thí điểm phân cấp, phân quyền cho địa phương, Nghị quyết cũng quy định hành lang pháp lý chặt chẽ, rõ ràng. Cụ thể như việc Hội đồng Nhân dân tỉnh quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa dưới 500 héc ta; quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sản xuất dưới 1.000 héc ta theo ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ.
Ông Trần Duy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, việc chuyển mục đích sử dụng đất rừng phải công khai, bảo đảm nguyên tắc, điều kiện chuyển mục đích sử dụng đất, sử dụng rừng sang mục đích khác theo quy định của pháp luật.
“Việc chuyển mục đích đất rừng, đất lúa này phải phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, để tránh trường hợp phân cấp, phân quyền sẽ có những dự án không có trong quy hoạch, không phù hợp quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Điều kiện tiên quyết để đảm bảo quyền lợi người dân là phải thông báo, lấy ý kiến người dân đặc biệt là những người chịu tác động trực tiếp của việc chuyển đổi mục đích. Quy định này rất cụ thể, phân cấp, phân quyền nhưng có cơ chế giám sát, có những điều kiện rất cụ thể”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chia sẻ.
Tại Hội nghị học tập, quán triệt Nghị quyết số 55 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định khẳng định, Nghị quyết thể hiện sự quan tâm đặc biệt, đánh giá cao vai trò vị trí, ý nghĩa chiến lược của tỉnh Khánh Hòa đối với sự phát triển đất nước. Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý tỉnh Khánh Hòa phải xây dựng kế hoạch, chương trình hành động cụ thể, có lộ trình rõ ràng; đồng thời, cần có đánh giá định kỳ, sơ kết để kịp thời điều chỉnh, giải quyết những vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện Nghị quyết này.
“Thực hiện Nghị quyết 55 của Quốc hội thời gian chỉ có 5 năm. Vì vậy, phải quý từng ngày, các sở, ngành, huyện, thành phố, thị xã việc gì làm được thì phải làm khẩn trương, việc gì chưa làm được thì phải tìm lý do. Nếu là do cán bộ thì thay cán bộ, nếu do cơ chế chính sách thì sửa cơ chế, chính sách. Nếu lý do là do Trung ương thì đề nghị Trung ương điều chỉnh", Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý./.
Từ khóa: cơ chế đặc thù cho tỉnh Khánh Hòa, Nghị quyết 55 của Quốc hội tạo cơ chế đặc thù cho tỉnh Khánh Hòa
Thể loại: An ninh - Quốc phòng
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN