Khai sinh cho con không ghi tên bố hoặc mẹ có được không?
Cập nhật: 11/08/2020
Trước nhà có cây hoàng mai: Những ghi chép về Huế - xứ sở phong rêu kiêu sa (30/11/2024)
Những dự án mới kích cầu du lịch xuân Ất Tỵ 2025 tại thành phố HCM (29/11/2024)
VOV.VN - Khai sinh cho con không ghi tên bố hoặc mẹ có được không? Đặc biệt trong trường hợp trẻ là đối tượng bị bỏ rơi.
Đăng ký khai sinh cho con nhưng không muốn ghi tên bố hoặc mẹ vào giấy khai sinh có được không? Thủ tục khai sinh cho trẻ bị bỏ rơi tiến hành như thế nào? Luật sư Phạm Thị Thu, Giám đốc Công ty Luật số 01, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội nêu các quy định cụ thể.
PV: Việc đăng ký khai sinh được quy định như thế nào và đối với trường hợp trẻ em bị bỏ rơi thì việc đăng ký khai sinh được tiến hành ra sao?
Luật sư Phạm Thị Thu: Theo quy định của Luật Hộ tịch, thẩm quyền đăng ký khai sinh thuộc về UBND cấp xã nơi cha, mẹ của người được khai sinh sinh sống. Nội dung đăng ký khai sinh phải được thực hiện theo mẫu quy định và có các nội dung như thông tin của người được khai sinh, thông tin của cha mẹ người được khai sinh (bao gồm họ tên, năm sinh, dân tộc, quốc tịch, nơi cư trú, số định danh cá nhân).
Về trách nhiệm đăng ký khai sinh cần được thực hiện trong vòng 60 ngày kể từ ngày con được sinh ra. Công chức Tư pháp - Hộ tịch sẽ thường xuyên kiểm tra và đôn đốc việc đăng ký khai sinh cho trẻ trên địa phương mà mình quản lý. Trường hợp cần thiết thì thực hiện đăng ký khai sinh lưu động.
Đối với trường hợp trẻ bị bỏ rơi, người phát hiện trẻ bị bỏ rơi có trách nhiệm thông báo cho UBND hoặc Công an xã nơi trẻ bị bỏ rơi. Trong trường hợp trẻ bị bỏ rơi ở cơ sở y tế thì thủ trưởng cơ sở y tế có trách nhiệm thông báo chủ tịch UBND cấp xã, hoặc trưởng công an xã có trách nhiệm lập biên bản trẻ bị bỏ rơi và tiến hành niêm yết trong thời hạn 7 ngày liên tục. Nếu hết thời hạn niêm yết mà không tìm được cha mẹ thì cá nhân hoặc tổ chức đang tạm thời nuôi dưỡng có trách nhiệm đi khai sinh và làm thủ tục đăng ký khai sinh đối với trẻ. Thủ tục này cũng được đăng ký khai sinh như thủ tục thông thường. Tuy nhiên, có một điểm khác ở phần khai về cha mẹ và dân tộc của trẻ trong giấy khai sinh và sổ hộ tịch phải được để trống, trong sổ hộ tịch phải ghi rõ là trẻ bị bỏ rơi.
PV: Người mẹ có quyền không ghi họ tên của người bố hoặc ngược lại, người bố có quyền không ghi họ tên của người mẹ trong giấy khai sinh của con hay không?
Luật sư Phạm Thị Thu: Theo Điều 88 của Luật Hôn nhân và gia đình, việc xác định cha mẹ cho con thì con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc con do người vợ mang thai trong thời kỳ hôn nhân và được sinh ra trong thời hạn 300 ngày kể từ thời điểm chấm dứt hôn nhân là con chung của vợ chồng.
Bên cạnh đó, Khoản 2 và Khoản 4 của Điều 15, Nghị định 123 năm 2015 có quy định trường hợp chưa xác định cha mẹ thì việc đăng ký khai sinh cho con được xác định theo họ, dân tộc, quê quán, quốc tịch của người mẹ. Phần ghi về cha trong sổ hộ tịch và giấy khai sinh của trẻ sẽ để trống.
Trong trường hợp trẻ chưa xác định được mẹ khi đăng ký khai sinh, cha yêu cầu làm thủ tục nhận con thì giải quyết theo quy định tại Khoản 3 của điều này, tức là phần khai về mẹ trong sổ hộ tịch và trong giấy khai sinh của trẻ sẽ để trống.
Chỉ những trường hợp không xác định được cha mẹ của trẻ thì cha hoặc mẹ mới để trống phần ghi về cha hoặc mẹ trong giấy khai sinh. Nếu đã xác định đầy đủ cha mẹ khi làm giấy khai sinh cho con phần thông tin liên quan đến cha mẹ không được phép để trống.
PV: Đối với những trường hợp mất giấy khai sinh bản gốc mà đăng ký lại thì được quy định như thế nào?
Luật sư Phạm Thị Thu: Tại Mục 4 của Chương 3, Nghị định 123 năm 2015 có quy định về điều kiện để đăng ký lại giấy khai sinh là khai sinh đăng ký trước ngày 1/1/2016 nhưng sổ hộ tịch và giấy tờ hộ tịch đã bị mất thì được cấp lại. Người yêu cầu đăng ký phải nộp đầy đủ bản sao, giấy tờ, tài liệu có nội dung liên quan đến việc đăng ký lại. Việc đăng ký lại chỉ được thực hiện nếu người đăng ký đang còn sống trong thời điểm tiếp nhận hồ sơ. Về thẩm quyền đăng ký lại thuộc về UBND cấp xã, nơi đăng ký khai sinh trước đây hoặc UBND cấp xã, nơi người yêu cầu thường trú.
Thủ tục đăng ký sẽ thực hiện theo các bước gồm: bước 1, người yêu cầu đăng ký lại chuẩn bị các giấy tờ, các tờ khai theo mẫu, bản sao toàn bộ hồ sơ giấy tờ của người yêu cầu hoặc hồ sơ giấy tờ, tài liệu trong đó có các thông tin liên quan đến nội dung khai sinh của người đó, trường hợp người đăng ký lại khai sinh là cán bộ công chức, viên chức, người đang công tác trong lĩnh vực vũ trang thì giấy tờ theo quy định có xác nhận của thủ trưởng cơ quan, đơn vị phù hợp với hồ sơ đơn vị đang quản lý;
Bước 2, trong thời hạn 5 ngày kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ thì Công chức Tư pháp - Hộ tịch sẽ kiểm tra và xác minh hồ sơ, thực hiện đăng ký lại khai sinh theo Luật Hộ tịch.
PV: Trường hợp đổi tên cho con thì có được cấp lại giấy khai sinh mới không?
Luật sư Phạm Thị Thu: Theo quy định tại Bộ luật Dân sự năm 2015 thì cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền công nhận việc thay đổi tên trong những trường hợp sau: thứ nhất theo yêu cầu của người có tên mà việc sử dụng tên đó gây nhầm lẫn, ảnh hưởng đến tình cảm gia đình, đến danh dự, quyền và lợi ích hợp pháp của người đó; thứ hai theo yêu cầu của cha nuôi, mẹ nuôi về việc thay đổi tên cho con nuôi; thứ ba theo yêu cầu của cha đẻ mẹ đẻ hoặc của người con khi xác định cha mẹ cho con.
Điều luật này cũng quy định về việc thay đổi tên của cá nhân không làm thay đổi, chấm dứt quyền cũng như nghĩa vụ dân sự được xác lập theo tên cũ đối với việc thay đổi tên cho người từ đủ 9 tuổi trở lên và phải có sự đồng ý của người đó.
Nếu thấy việc thay đổi, cải chính hộ tịch có đủ cơ sở phù hợp với quy định của pháp luật thì Công chức Tư pháp - Hộ tịch ghi vào sổ hộ tịch của người có yêu cầu đăng ký thay đổi, cải chính hộ tịch ký vào sổ hộ tịch và báo cáo chủ tịch UBND cấp xã trích lục cho người yêu cầu. Trường hợp thay đổi, cải chính hộ tịch liên quan đến giấy khai sinh thì Công chức Tư pháp - Hộ tịch ghi nội dung thay đổi, cải chính hộ tịch vào giấy khai sinh.
Như vậy với những quy định đã nêu thì việc thay đổi tên sẽ không được cấp giấy khai sinh mới mà chỉ được cơ quan đăng ký hộ tịch xác nhận nội dung thay đổi vào mặt sau của giấy khai sinh.
PV: Với trường hợp người tái hôn và muốn cho con của mình được mang họ bố dượng do không muốn có sự phân biệt giữa con chung và con riêng. Vậy bộ luật dân sự quy định như thế nào về vấn đề này, việc đổi họ cho con có cần được sự đồng ý của chồng cũ hay không?
Luật sư Phạm Thị Thu: Tại điều 27 của Bộ luật Dân sự 2015 quy định về quyền thay đổi họ thì cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận việc thay đổi họ trong những trường hợp sau: trường hợp thay đổi họ cho con đẻ từ họ của cha đẻ sang họ của mẹ đẻ hoặc ngược lại; trường hợp thay đổi họ cho con nuôi từ họ của cha đẻ hoặc mẹ đẻ sang họ của cha nuôi hoặc mẹ nuôi theo yêu cầu, hoặc các trường hợp khác thì việc thay đổi họ của con sang họ của cha dượng là không được.
Tuy nhiên có thể thay đổi họ của con sang họ của cha dượng trong trường hợp người cha dượng nhận đứa trẻ đó làm con nuôi với điều kiện phải dưới 18 tuổi. Việc thay đổi họ sang họ cha dượng không cần có sự đồng ý của chồng cũ.
PV: Xin cảm ơn luật sư./.
Từ khóa: khai sinh, ghi tên bố mẹ trên giấy khai sinh, làm khai sinh cho trẻ, trẻ bị bỏ rơi, làm khai sinh cho trẻ bị bỏ rơi
Thể loại: Đời sống
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN