Khai mạc kỳ họp HĐND các tỉnh, thành phố: Nhiều chỉ tiêu đạt và vượt
Cập nhật: 07/12/2022
VOV.VN - Ngày 7/12, nhiều tỉnh, thành trên cả nước đã tổ chức kỳ họp HĐND để đánh giá kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, xác định mục tiêu, nhiệm vụ năm 2023.
Sáng 7/12, HĐND thành phố Hải Phòng khóa XVI khai mạc kỳ họp thứ 9, đánh giá kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, xác định mục tiêu, nhiệm vụ năm 2023 và quyết định các vấn đề quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội thời gian tới.
Năm 2022, thành phố Hải Phòng thuộc nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước về tăng trưởng kinh tế, với tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 12,32% so với năm ngoái, gấp khoảng 1,5 lần so với bình quân cả nước.
Môi trường đầu tư kinh doanh thành phố được cải thiện mạnh mẽ, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2021 vượt lên xếp vị trí thứ 2/63 tỉnh, thành phố. Hải Phòng cũng lần đầu tiên bứt phá lên ngôi quán quân chỉ số cải cách hành chính năm 2021.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Hải Phòng cũng thẳng thắn nhìn nhận, kinh tế thành phố phát triển chưa đạt mục tiêu đề ra.
Bí thư Thành ủy Hải Phòng Trần Lưu Quang khẳng định, mặc dù đã rất nỗ lực, cố gắng duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức hai con số trong 7 năm liên tục, nhưng hai năm 2021-2022, TP đều chưa hoàn thành mục tiêu đề ra và chưa đảm bảo theo mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ 16.
Các chỉ số quan trọng mặc dù đạt cao so với cả nước nhưng vẫn không đạt kế hoạch đề ra như: chỉ số sản xuất công nghiệp, kim ngạch xuất khẩu, tổng vốn đầu tư toàn xã hội...
Từ thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội, HĐND Hải Phòng đã rút ra một số bài học kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, như: Để thích ứng linh hoạt, vượt khó và phát triển đòi hòi công tác điều hành phải bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách Pháp luật của Nhà nước; kịp thời thể chế hóa các Nghị quyết của Đảng, Nghị quyết của Thành ủy và HĐND thành phố; nâng cao chất lượng công tác dự báo, chủ động thích ứng với những biến động khó lường; nguồn lực đầu tư từ ngân sách phải được sử dụng tiết kiệm, hiệu quả;…
Năm 2023, thành phố Hải Phòng tiếp tục chọn chủ đề năm “Đẩy mạnh chỉnh trang, hiện đại hóa đô thị - Xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu - Thực hiện chuyển đổi số”. Để đạt mục tiêu tăng trưởng GRDP đạt khoảng 12,7-13% so với năm 2022, thành phố đã đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu.
Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng cho biết, trước hết tập trung vào việc đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế theo định hướng phát triển 3 trụ cột chủ yếu: công nghiệp công nghệ cao, cảng biển – logistics, du lịch – thương mại. Thành phố tăng cường kỷ cương thu, chi ngân sách, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy các thành phần kinh tế phát triển; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và tập trung cao độ cho công tác chuyển đổi số để tăng mức xếp hạng; phát triển văn hóa xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân…
Nghệ An: Đạt và vượt 27/28 chỉ tiêu chủ yếu
Báo cáo tình hình phát triển kinh tế xã hội năm 2022 của Nghệ An tại kỳ họp thứ 11 HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVIII cho thấy, việc triển khai thực hiện kế hoạch dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng các ngành, các cấp đã có nhiều giải pháp, quyết liệt triển khai, hoàn thành, đạt và vượt 27/28 chỉ tiêu chủ yếu. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm ước đạt 9,08%, vượt kế hoạch, đứng thứ 22/63 tỉnh, thành phố. Tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 2,49 tỷ USD, tăng 2,55%, đây là năm thứ 2 liên tiếp hoàn thành vượt chỉ tiêu…
Phát biểu khai mạc kỳ họp, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu quốc hội tỉnh Nghệ An Thái Thanh Quý đề nghị các đại biểu HĐND tỉnh phân tích, đánh giá những kết quả đạt được, những hạn chế, bất cập trong thực hiện các quy định, cơ chế, chính sách của chính quyền các cấp, xác định nguyên nhân khách quan, chủ quan, đồng thời đề xuất giải pháp phù hợp, hiệu quả. Bên cạnh đó, dành sự quan tâm thảo luận về kết quả giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri, để cử tri có sự theo dõi, giám sát cụ thể hơn.
Tại kỳ họp này, HĐND tỉnh Nghệ An sẽ xem xét, đánh giá 34 báo cáo về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư công, thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia; xem xét các báo cáo, kết quả giám sát chuyên đề của HĐND tỉnh; tập trung đánh giá lại kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2022; bàn nhiệm vụ, giải pháp năm 2023 và quyết định một số nhiệm vụ quan trọng khác thuộc thẩm quyền của HĐND tỉnh. Kỳ họp sẽ diễn ra đến ngày 9/12.
Quảng Nam xếp thứ 2/5 tỉnh, thành phố Vùng kinh tế trọng điểm Miền Trung về tốc độ tăng trưởng kinh tế
Năm 2022, kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Nam có nhiều khởi sắc, tăng trưởng hầu hết trên tất cả các lĩnh vực, đã thực hiện đạt và vượt 15/15 chỉ tiêu chủ yếu của kế hoạch năm. Đặc biệt, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh Quảng Nam xếp thứ 11/63 tỉnh, thành phố trên cả nước và xếp thứ 2/5 tỉnh, thành phố Vùng kinh tế trọng điểm Miền Trung. Đó là thông tin được đưa ra tại Kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh Quảng Nam khóa X vừa khai mạc sáng 7/12.
Trong số 15 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội mà tỉnh Quảng Nam thực hiện đạt và vượt trong năm nay, có 5 chỉ tiêu quan trọng là: Tốc độ tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách nhà nước, tổng vốn đầu tư toàn xã hội/GRDP, giảm số hộ nghèo và tỷ lệ dân số nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh.
Trong đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế và thu ngân sách tỉnh Quảng Nam đạt dấu mốc mới khi tốc độ tăng trưởng kinh tế tăng 11,2%, xếp thứ 11/63 tỉnh, thành phố trên cả nước, xếp thứ 2/5 tỉnh, thành phố Vùng kinh tế trọng điểm Miền Trung. Và đến thời điểm này, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh Quảng Nam hơn 32 ngàn tỷ đồng, đạt 135% dự toán và tăng hơn 40% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Nam vẫn còn một số hạn chế: Đó là giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt yêu cầu đề ra, công tác phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương chưa tốt; tình trạng khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai còn phức tạp, kéo dài ở một số địa phương.
Ông Phan Việt Cường, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Nam cho biết, năm 2022, trong bối cảnh khó khăn do biến động của tình hình khu vực và thế giới, thiên tai, dịch bệnh diễn biến khó lường nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Nam đã nỗ lực, vượt khó đạt nhiều kết quả tích cực.
“Những kết quả khá toàn diện trên các lĩnh vực đạt được trong năm vừa qua, đã tạo thêm tiền đề thuận lợi, thời cơ để kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển. Tuy nhiên, kinh tế xã hội của tỉnh còn nhiều thách thức, đời sống của một bộ phận nhân dân vẫn còn khó khăn, nhất là đồng bào miền núi; công tác lập quy hoạch tỉnh, quy hoạch chung của một số địa phương còn chậm; tiến độ triển khai các dự án, công trình trọng điểm chưa bảo đảm; giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt yêu cầu đề ra" - ông Phan Việt Cường cho biết.
Kon Tum: Nhiều chỉ tiêu phát triển kinh tế- xã hội năm 2022 không đạt kế hoạch đề ra
Cũng trong sáng 7/12, tại thành phố Kon Tum, HĐND tỉnh Kon Tum khai mạc kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh khóa XII, nhiệm kỳ 2021- 2026. Đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2022 cho thấy, nhiều chỉ tiêu đề ra không đạt kế hoạch.
Năm 2022 tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm của tỉnh Kon Tum đạt 9,5% so với năm 2021. Tổng sản phẩm bình quân đầu người tăng từ gần 47 triệu đồng lên trên 52 triệu đồng. Thu ngân sách nhà nước ước thực hiện 4.000 tỷ đồng, đạt 100% dự toán giao. Trong năm, tỉnh Kon Tum thu hút 19 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký khoảng 1.600 tỷ đồng.
Bên cạnh kết quả đạt được, có 4 chỉ tiêu quan trọng tỉnh Kon Tum không đạt kế hoạch đề ra, gồm: Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm không đạt chỉ tiêu Nghị quyết tăng từ 10% trở lên; chi ngân sách địa phương; giải ngân vốn đầu tư công và xây dựng nông thôn mới cũng không đạt kế hoạch.
Cùng với đó, kết quả cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh chưa có chuyển biến rõ nét; công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng một số dự án quan trọng còn chậm, thu hút đầu tư còn nhiều hạn chế…
Ngay trong phát biểu khai mạc kỳ họp, ông Dương Văn Trang, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Kon Tum đề nghị các đại biểu tập trung làm rõ những tồn tại, hạn chế và xác định được giải pháp khắc phục.
“Các vị đại biểu cần tập trung thảo luận, phân tích, chỉ rõ những khó khăn, điểm nghẽn, những hạn chế, khuyết điểm và nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan cần phải tập trung khắc phục, tháo gỡ. Trên cơ sở đó, xác định cho được các giải pháp cụ thể, khả thi, bảo đảm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế- xã hội, ngân sách, đầu tư của năm 2023”- ông Dương Văn Trang cho biết.
Kỳ họp thứ 4, Hội đồng nhân dân tỉnh Kon Tum khóa XII, nhiệm kỳ 2021- 2026 diễn ra trong thời gian 3 ngày, từ 7/12- 9/12. Tại kỳ họp này, các đại biểu sẽ xem xét, quyết định 22 báo cáo và 31 nghị quyết chuyên đề với nhiều nội dung quan trọng có ảnh hưởng lớn đến đời sống kinh tế- xã hội của nhân dân trên địa bàn tỉnh.
Cần Thơ: Trả lời chất vấn cần đi thẳng vào trọng tâm “nói thẳng, nói thật”
Ngày 7/12, HĐND thành phố Cần Thơ khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026 đã khai mạc kỳ họp lần thứ 9 (kỳ họp thường lệ cuối năm 2022). Kỳ họp sẽ đánh giá những chỉ tiêu về kinh tế, xã hội năm nay và đề ra các giải pháp căn cơ, đồng bộ để thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội trong năm 2023.
Năm 2022, tăng trưởng kinh tế của Cần Thơ đạt hơn 12% và tăng cả 3 khu vực gồm nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng gần 2,5%; công nghiệp và xây dựng tăng hơn 18%; dịch vụ tăng hơn 13%. Thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 83 triệu đồng, tăng so với năm 2021. Hoạt động du lịch khởi sắc, phục hồi mạnh mẽ, doanh thu ngành du lịch tăng khá cao so với cùng kỳ; tình hình cung ứng hàng hóa thiết yếu ổn định, đáp ứng đầy đủ nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của doanh nghiệp, người dân.
Phát biểu khai mạc kỳ họp, ông Phạm Văn Hiểu, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố cho biết, việc thích ứng an toàn, kiểm soát nhanh dịch COVID-19 là yếu tố quan trọng để mở cửa nền kinh tế, đưa đời sống người dân trở lại trạng thái bình thường mới.
Kinh tế, xã hội dần được phục hồi, các chính sách hỗ trợ kịp thời được ban hành; triển khai khẩn trương chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội, bước đầu đã phát huy hiệu quả. Cần Thơ đã thực hiện đạt và vượt 17/17 chỉ tiêu về kinh tế, xã hội theo nghị quyết của HĐND thành phố đề ra trong năm.
Ông Phạm Văn Hiểu, Chủ tịch HĐND thành phố Cần Thơ cho rằng, bên cạnh các kết quả tích cực thì vẫn còn một số hạn chế, khó khăn như phục hồi kinh tế ở một số ngành, lĩnh vực chưa đồng đều; giá xăng dầu, giá nguyên vật liệu đầu vào, chi phí vận chuyển, tăng cao đã ảnh hưởng đến các mặt của đời sống kinh tế, xã hội, nhất là hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, tổ chức và người dân.
"Công tác giải ngân vốn đầu tư công vẫn còn chậm so với mục tiêu, tiến độ và yêu cầu đề ra; việc thu hút đầu tư các dự án ngoài ngân sách, các dự án có vốn đầu tư nước ngoài còn hạn chế. Công tác lập quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch chung, kế hoạch sử dụng đất, giải phóng mặt bằng, bồi thường hỗ trợ tái định cư, triển khai chậm so với tiến độ. Tình hình cung ứng thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế tuy được quan tâm nhưng tiến độ thực hiện còn chậm chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu chăm sóc sức khỏe cho người dân" - ông Phạm Văn Hiểu cho biết.
Chủ tịch HĐND thành phố Cần Thơ Phạm Văn Hiểu cũng đề nghị thủ trưởng các cơ quan, ban, ngành chịu trách nhiệm về lĩnh vực, ngành quản lý trong báo cáo giải trình, tiếp thu, trả lời chất vấn, cần đi thẳng vào trọng tâm, “nói thẳng, nói thật” những vấn đề mà đại biểu và cử tri đã đặt ra và có những giải pháp hiệu quả, cụ thể, thỏa đáng để giải quyết những vấn đề bức xúc mà cử tri đang quan tâm.
Kỳ họp thứ 6 HĐND tỉnh Tây Ninh xem xét thông qua 34 Nghị quyết
Cũng trong sáng 7/12, HĐND tỉnh Tây Ninh khoá X, nhiệm kỳ 2021 – 2026 khai mạc kỳ họp thứ 6 nhằm đánh giá tình hình kinh tế - xã hội năm 2022 và xem xét, thông qua nhiều Nghị quyết quan trọng về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.
Dự kiến diễn ra trong 3 ngày, tại kỳ họp này, HĐND tỉnh Tây Ninh sẽ xem xét thông qua 34 Nghị quyết quan trọng, như: Nghị quyết kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; Nghị quyết kế hoạch đầu tư công năm 2023 – nguồn ngân sách nhà nước; Nghị quyết dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn, thu chi ngân sách địa phương năm 2023; các nghị quyết phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư các dự án: dự án xây dựng Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh; dự án đầu tư trang thiết bị 6 trung tâm y tế huyện và 42 trạm y tế; dự án hệ thống thu gom xử lý nước thải Hòa Thành, giai đoạn I; dự án nâng cấp mở rộng tỉnh lộ ĐT.782 - ĐT.784 (từ ngã 3 tuyến tránh quốc lộ 22 đến ngã tư Tân Bình).
Ngoài ra, kỳ họp cũng sẽ xem xét, quyết nghị đối với các nghị quyết về việc hủy bỏ danh mục dự án có thu hồi đất và dự án có chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng quá 3 năm không triển khai; quy định mức thu, thu, nộp, quản lý và sử dụng phí tham quan khu di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh núi Bà Đen…..
Phát biểu khai mạc kỳ họp, ông Nguyễn Thành Tâm, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Tây Ninh cho biết, năm 2022, tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh được cơ bản kiểm soát, hoạt động kinh tế cơ bản phục hồi mạnh mẽ. Đến nay, Tây Ninh đã hoàn thành vượt kế hoạch 19/19 chỉ tiêu, trong đó, có những chỉ tiêu vượt cao so với kế hoạch đề ra.
Cụ thể, GRDP tăng trưởng 9,56% (so với kế hoạch năm 2022 của tỉnh là 6,5%); tổng thu ngân sách nhà nước vượt ngưỡng 11.000 tỷ đồng (tăng 12,9% so với cùng kỳ). Giá trị sản xuất các ngành kinh tế chủ yếu đều tăng, kim ngạch xuất khẩu tăng 25,9% so với cùng kỳ. Nổi bật là ngành du lịch Tây Ninh tăng trưởng ấn tượng với doanh thu tăng 130% so với cùng kỳ. Các hoạt động văn hóa - xã hội có nhiều khởi sắc; công tác an sinh xã hội được quan tâm. Trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; quốc phòng - an ninh được giữ vững.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thành Tâm, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn những khó khăn, hạn chế như: hoạt động sản xuất kinh doanh của một bộ phận doanh nghiệp và các thành phần kinh tế còn khó khăn; việc cơ cấu lại ngành kinh tế và của từng ngành chưa đạt kết quả như mong muốn; một số công trình trọng điểm chậm tiến độ đề ra; chưa khai thác nguồn lực từ đất đai, việc xử lý nhà đất, sắp xếp đất các công ty nông nghiệp còn chậm; công tác quản lý nhà nước về tài nguyên, khoáng sản, bảo vệ môi trường có mặt chưa chặt chẽ.
Khó khăn, hạn chế khác còn ở lĩnh vực y tế, giáo dục, tình trạng thiếu thuốc BHYT, thiếu cán bộ y tế, thiếu giáo viên chưa được khắc phục; công tác cải cách hành chính cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh chưa bền vững và toàn diện; một số loại tội phạm ma túy, buôn lậu, cho vay nặng lãi có nơi, có lúc diễn biến phức tạp.
Tại kỳ họp này, HĐND tỉnh Tây Ninh cũng sẽ xem xét kết quả và ban hành Nghị quyết về giám sát chuyên đề của HĐND tỉnh về thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2020 – 2025; thực hiện chất vấn và trả lời chất vấn trực tiếp tại kỳ họp theo từng nhóm vấn đề được cử tri, đại biểu quan tâm; thực hiện công tác nhân sự theo thẩm quyền.
Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thành Tâm đề nghị các đại biểu nghiên cứu kỹ các quy định pháp luật, điều kiện thực tiễn của địa phương, dự báo tình hình trong thời gian tới, để cho ý kiến về sự cần thiết, các quy định về chính sách, nội dung, biện pháp thực hiện để đảm bảo tính khả thi, hiệu lực, hiệu quả của các nghị quyết khi ban hành./.
Từ khóa: họp hội đồng nhân dân, kỳ họp HĐND tỉnh Hải Phòng, cải cách thủ tục hành chính ở Quảng Nam, khai mạc kỳ họp HDND tỉnh Nghệ An
Thể loại: An ninh - Quốc phòng
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN