Khai mạc Hội nghị Quốc tế Lần thứ 8 mạng lưới Công viên địa chất Toàn cầu khu vực Châu Á Thái Bình Dương (12/9/2024)

Cập nhật: 16/09/2024

Sáng nay (12/9) tại tỉnh Cao Bằng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã dự và phát biểu khai mạc Hội nghị quốc tế lần thứ 8 Mạng lưới CVĐC Toàn cầu khu vực Châu Á – Thái Bình Dương (gọi tắt là hội nghị APGN) lần thứ 8 với chủ đề: “Cộng đồng địa phương và phát triển bền vững trong vùng Công viên địa chất” . Hội nghị có sự tham dự của hơn 800 đại biểu trong nước, quốc tế.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn chia sẻ những khó khăn, mất mát về người và tài sản mà nhân dân Cao Bằng và các địa phương miền núi và trung du Bắc Bộ đang phải đối mặt khi cơn bão số 3 đổ bộ vào nước ta.

Phó Thủ tướng đánh giá cao nỗ lực của tỉnh Cao Bằng cũng như các địa phương trong khắc phục thiên tai, sớm ổn định sản xuất, cuộc sống của người dân và tổ chức thành công Hội nghị quan trọng này.

Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh cần thúc đẩy tầm nhìn dài hạn cho phát triển Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu, không chỉ vì lợi ích của chúng ta mà còn vì các thế hệ tương lai

Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh, hơn 50 năm qua UNESCO đã phát huy vai trò tiên phong đẩy mạnh hợp tác quốc tế nhằm nâng cao nhận thức và hành động xử lý hài hòa, bền vững mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên. Trong bối cảnh tiến độ thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững đang ngày càng chậm lại; nỗ lực xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường và hướng đến tương lai thịnh vượng đang gặp nhiều khó khăn, khủng hoảng về biến đổi khí hậu và đa dạng sinh học trở thành thách thức lớn nhất của thời đại, Công viên địa chất toàn cầu chính là một “lời giải” cho vấn đề toàn cầu này.

Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn cắt băngkhai trương Không gian văn hóa các dân tộc, gian hàng các Công viên địa chất toàn cầu

Hiện thực hóa Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, Phó Thủ tướng đề nghị Hội nghị cần thảo luận, làm rõ một số hướng hợp tác mới về xác định cách tiếp cận tổng thể để thống nhất trong nhận thức và hành động về bảo tồn và phát huy giá trị công viên địa chất vì phát triển bền vững; tăng cường trao đổi kinh nghiệm hay, điển hình tốt, đưa ra các khuyến nghị chính sách phù hợp về quản lý, bảo tồn và phát triển bền vững công viên địa chất toàn cầu; thúc đẩy quan hệ đối tác nhiều bên và hợp tác quốc tế phát triển công viên địa chất toàn cầu gắn với phát triển bền vững. Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh: “Cần thúc đẩy tầm nhìn dài hạn 5 năm, 10 năm cho phát triển Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu - một mạng lưới hợp tác quốc tế mạnh mẽ nhằm bảo tồn và phát huy giá trị các di sản địa chất không chỉ vì lợi ích của chúng ta mà còn vì các thế hệ tương lai. Tôi trông đợi Tuyên bố Cao Bằng sẽ là văn kiện quan trọng đánh giá hoạt động của Mạng lưới hai thập kỷ qua, đề xuất định hướng hợp tác trong thập kỷ tới, nhất là năm sau sẽ kỷ niệm 10 năm “Chương trình Công viên địa chất toàn cầu” của UNESCO (2015 - 2025)”.

Hội nghị quốc tế lần thứ 8 Mạng lưới CVĐC Toàn cầu khu vực Châu Á – Thái Bình Dương lần thứ 8 cóchủ đề: “Cộng đồng địa phương và phát triển bền vững trong vùng Công viên địa chất”

Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng - Hoàng Xuân Ánh cho biết, tỉnh Cao Bằng là địa phương thứ hai trong cả nước đón nhận danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu UNESCO. Đến nay đã khai thác bốn “tuyến đường trải nghiệm” với những giá trị đặc trưng, riêng biệt. Trong những năm qua, Cao Bằng luôn kiên định mục tiêu phát triển CVĐC Non nước Cao Bằng gắn với bảo tồn các giá trị di sản, tài nguyên môi trường, bảo tồn nghề truyền thống, phát triển du lịch bền vững và giáo dục thế hệ tương lai, phát triển mạng lưới đối tác, chung tay vì cộng đồng phát triển vững mạnh.

Đại biểu tham quan gian hàng của tỉnh Cao Bằng

Bà Lidia Brito, Trợ lý Tổng Giám đốc UNESCO về Khoa học tự nhiên và các đại biểu trong nước, quốc tế đánh giá cao về sự phát triển của mạng lưới CVĐC toàn cầu qua 20 năm thành lập, thể hiện sự quyết tâm của cộng đồng trong thực hiện nhiệm vụ giữ gìn, bảo tồn và phát huy các loại hình di sản địa chất, đa dạng sinh học, cảnh quan thiên nhiên, văn hóa vật thể và phi vật thể, giúp người dân trong vùng CVĐC được hưởng lợi, nâng cao chất lượng cuộc sống, xóa đói giảm nghèo gắn với bảo vệ môi trường và phát triển du lịch bền vững; nâng cao năng lực ứng phó trước thách thức toàn cầu như biên đổi khí hậu, phòng chống rủi ro, thiên tai, giúp định hình 1 thế giới bền vững hơn. Bà Lidia Brito nói: “Chúng ta hãy đoàn kết từ những quyết tâm để cùng nhau bảo tồn di sản của hành tinh này và hãy cùng nhau thúc đẩy sự phát triển bền vững thông qua các CVĐC toàn cầu UNESCO. Hai năm đã trôi qua kể từ hội nghị Mạng lưới CVĐC TC Khu vực Châu Á – Thái Bình dương lần trước. Tôi rất xúc động khi được chứng kiến sự phát triển lớn mạnh của mạng lưới của chúng ta như hôm nay!Tôi muốn gửi lời cảm ơn chân thành tới tất cả các quý vị, xin cảm ơn sự tận tụy và quyết tâm của các bạn”.

Bà Lidia Brito, Trợ lý Tổng Giám đốc UNESCO về Khoa học tự nhiênđánh giá cao sự phát triển của mạng lưới CVĐC toàn cầu qua 20 năm thành lập

Trước đó, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và các đại biểu đã cắt băng khai trương Không gian văn hóa các dân tộc, gian hàng các Công viên địa chất toàn cầu. Trong khuôn khổ hội nghị lần này sẽ diễn ra các hội nghị, hội thảo giữa các thành viên mạng lưới CVĐC Toàn cầu khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.

Hội nghị có dự tham dự của hơn 800 đại biểu trong nước, quốc tế

Hội nghị sẽ bế mạc ngày 15/9/2024./.

Công Luận - La Ngà - Kim Dung/VOV Đông Bắc

Từ khóa: #thị trường #sau bão

Thể loại: Thời sự

Tác giả:

Nguồn tin: VOV1

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập