Khai báo y tế trực tiếp từ cơ sở giúp ngăn lây nhiễm dịch bệnh
Cập nhật: 14/03/2020
Bắc Kạn: Yêu cầu siết chặt công tác PCCC rừng mùa hanh khô (28/11/2024)
Hà Nội: Cần cơ chế cho không gian sáng tạo nghệ thuật phát triển (28/11/2024)
VOV.VN - Có hơn 260 km đường biên giới tiếp giáp với Trung Quốc, nên nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh Covid-19 tại tỉnh Lai Châu rất cao.
Có hơn 260 km đường biên giới tiếp giáp với Trung Quốc, nên nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh Covid-19 tại tỉnh Lai Châu rất cao. Tuy nhiên với sự chủ động tuyên truyền để người dân thực hiện khai báo y tế ngay từ cơ sở; cộng với hoạt động hiệu quả của các tổ tự quản phòng, chống dịch và lực lượng kiểm dịch y tế tại cửa khẩu, nên đến nay, Lai Châu chưa phát hiện ca bệnh nào xâm nhiễm vào địa bàn.
Cũng như nhiều hộ gia đình trên tuyến biên giới Việt - Trung tại Lai Châu, qua nghe đài, xem ti vi, gia đình bà Lò Thị Thim, ở bản Pa Nậm Cúm, xã Ma Ly Pho, huyện Phong Thổ (Lai Châu) đã hiểu rõ hơn về dịch bệnh Covid-19 và sự nguy hiểm của nó.
Công tác kiểm dịch y tế đối với người và phương tiện ra và vào địa bàn Cửa khẩu Ma Lù Thàng luôn được thắt chặt. |
Được Tổ tự quản phòng, chống dịch của bản, xã tới tận nhà tuyên truyền, hướng dẫn, gia đình bà đã chủ động khai báo y tế trực tiếp về tiền sử bệnh, việc đi lại và quá trình tiếp xúc trực tiếp với người ngoài của các thành viên trong gia đình.
Bà Lò Thị Thim cho biết: Dù nhà nằm ngay giáp biên, nhưng từ khi xuất hiện dịch bệnh Covid-19 bên kia biên giới, các thành viên trong gia đình bà đã ngừng, không giao lưu với người lạ, nhất là người bên kia biên giới. Mọi công việc đều được trao đổi qua điện thoại và nếu bắt buộc phải gặp gỡ thì cũng đeo khẩu trang và đứng xa để nói chuyện. Chuối của gia đình đến kỳ thu hoạch cũng được bán trực tiếp tại vườn cho các thương lái trong vùng tới thu mua, chứ không mang xuống chợ như trước.
“Dịch bệnh Covid-19 này đều được mọi người trong gia đình tôi cập nhật. Qua đó, mọi người đều tự có ý thức để tránh, chống dịch, không tiếp xúc với đông người, không tổ chức hội họp, với lại tụ tập ăn uống trong cộng đồng. Và gia đình bảo nhau không sang bên Trung Quốc, đi lại mà gặp người lạ thì phải báo ngay cho cán bộ địa phương” - bà Thim nói.
Các công dân đều được khám sàng lọc, phân loại trước khi được đưa vào khu cách ly tập trung. |
Thực hiện quyết định của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19, đến nay mỗi bản làng, khu dân cư trên địa bàn tỉnh Lai Châu đều thành lập một Tổ tự quản phòng, chống dịch bệnh. Các tổ tự quản hoạt động dưới sự giám sát của Ban chỉ đạo cấp xã, có nhiệm vụ tuyên truyền về dịch bệnh, kiểm soát người dân ra vào bản, tổ chức khai báo y tế trực tiếp và quản lý người cách ly tại nhà. Đến nay, các tổ tự quản, nhất là ở khu vực vùng biên - nơi có nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh cao đều hoạt động hiệu quả, góp phần tích cực vào việc ngăn chặn dịch xâm nhập vào địa bàn.
Ông Đồng Văn Tươi, Tổ trưởng Tổ tự quản phòng, chống dịch bệnh Covid-19 bản Pa Nậm Cúm, xã Ma Ly Pho, huyện Phong Thổ cho biết: Pa Nậm Cúm có hơn 2km đường biên giới tiếp giáp với huyện Kim Bình, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Bản có hơn 130 hộ, gần 500 nhân khẩu đều là đồng bào dân tộc Thái sinh sống.
Do bản nằm ven trục đường quốc lộ vào cửa khẩu, thường xuyên có người và phương tiện qua lại, nên tiềm ẩn nguy cơ lây bệnh cao. Nhờ Tổ tự quản làm tốt công tác tuyên truyền, nhất là việc chủ động khai báo y tế trực tiếp của từng người dân, nên đến nay, chưa có người dân nào ở bản phải cách ly vì dịch bệnh.
“Nói chung là việc tuyên truyền của loa phát thanh nên nhận thức của người dân rất tốt. Về khai báo y tế thì chúng tôi cũng phối hợp với bên y tế của xã, của bản tuyên truyền cho người dân đăng ký giấy không vượt biên trái phép. Ai mà đi làm ăn chỗ nào, lúc về phải khai báo để chúng tôi cho ra xã để nhân viên y tế kiểm tra sức khỏe. Từ trước những cái gì mình làm được thì bây giờ sẽ phải làm được và sẽ cố gắng làm được” - ông Tươi cho biết.
Cùng với công tác tuyên truyền và khai báo y tế từ thôn bản, khu dân cư, thời gian qua, tỉnh Lai Châu cũng siết chặt quản lý xuất nhập cảnh trên tuyến biên giới; kiểm soát chặt chẽ các đường mòn, lối mở, nên việc đi lại thăm thân của cư dân hai bên biên giới cũng hạn chế. Tính từ đầu tháng 2/2020 đến nay, Cửa khẩu Ma Lù Thàng đã làm thủ tục xuất nhập cảnh cho 134 công dân, trong đó có 58 công dân nhập cảnh và 76 công dân xuất cảnh. Tất các các công dân nhập cảnh về nước đều được tổ chức khai báo y tế trực tiếp, khám kiểm soát thân nhiệt trước khi đưa vào khu cách ly tập trung.
Bác sĩ Bùi Ngọc Chuyên, Trưởng khoa Kiểm dịch y tế quốc tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Lai Châu phụ trách công tác kiểm dịch tại Cửa khẩu Ma Lù Thàng cho biết: “Toàn bộ những công dân trước khi được đưa vào khu cách ly tập trung đều được chúng tôi khám sàng lọc, phân loại. Đối với đồng bào không biết chữ thì chúng tôi thực hiện phỏng vấn những thông tin liên quan tới việc khai báo; đặc biệt là những dấu hiệu triệu chứng, những việc tiếp xúc của đồng bào ở tại Trung Quốc. Nếu đồng bào nào không biết tiếng phổ thông thì chúng tôi sẽ nhờ người phiên dịch lại và những trường hợp có những dấu hiệu, triệu chứng nghi ngờ, thì chúng tôi phỏng vấn nhiều lần để xác minh tính chính xác của thông tin”.
Dù chưa thực hiện khai báo y tế điện tử toàn dân, song việc khai báo y tế trực tiếp tại cơ sở đối với người dân và công dân nhập cảnh về nước đã, đang là một trong những giải pháp hữu hiệu, giúp tỉnh biên giới Lai Châu kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh Covid-19, cũng nhưng ngăn chặn không cho dịch này xâm nhập vào địa bàn./.
Những bác sĩ Đà Nẵng căng mình chống dịch Covid-19
Từ khóa: Lai Châu, khai báo y tế trực tiếp, ngăn lây nhiễm dịch bệnh, Covid-19, dịch Covid-19
Thể loại: Xã hội
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN