Khai báo y tế điện tử toàn dân: Khó với người “kém công nghệ”
Cập nhật: 19/03/2020
VOV.VN - Khai báo y tế điện tử toàn dân là khâu quan trọng trong công tác phòng chống dịch Covid-19, nhưng thực tế vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Từ ngày 10/3/2020, việc khai báo y tế điện tử toàn dân được tiến hành theo đề xuất của Ban Chỉ đạo quốc gia chống dịch Covid-19. Theo đó, ứng dụng (app) NCOVI do Bộ Thông tin Truyền thông, Bộ Y tế phối hợp cùng các công ty công nghệ trong nước xây dựng, đã được cập nhật trên hệ thống Google Play (điện thoại Android) và App Store (điện thoại Iphone). Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống Covid-19 khuyến nghị mọi công dân Việt Nam khai báo sức khỏe thông qua ứng dụng này.
Việc khai báo y tế điện tử toàn dân được xem là khâu quan trọng trong công tác phòng chống dịch Covid-19, nhưng thực tế vẫn còn gặp nhiều khó khăn, khi mà việc nắm bắt thông tin, phương tiện thực hiện còn nhiều hạn chế.
Việc khai báo y tế điện tử toàn dân được xem là khâu quan trọng trong công tác phòng chống dịch Covid-19. |
Ông Phạm Đình Thản, 75 tuổi, ở quận Long Biên chia sẻ, việc khai báo y tế điện tử toàn dân là việc nên làm, điều này sẽ giúp cơ quan y tế nắm bắt được quá trình di chuyển của từng người, từ đó chủ động phòng tránh. Tuy nhiên, theo ông Thản, việc không biết sử dụng các thiết bị điện thoại thông minh, máy tính gây khó khăn cho ông khi muốn khai báo.
“Tôi cũng có nghe trên các phương tiện thông tin đại chúng về việc khai báo y tế điện tử, nhưng việc tư vấn, hướng dẫn cho người dân sử dụng để khai báo thì chưa thấy có. Tôi cũng đã cao tuổi, dù có dùng điện thoại thông minh nhưng cũng chỉ biết nghe, gọi chứ không biết thêm các chức năng gì nên cũng không biết khai báo trên các ứng dụng”- ông Thản nói.
Hiện nay, số lượng người dân dùng điện thoại thông minh chiếm tỷ lệ thấp, cùng với đó là kỹ năng sử dụng điện thoại, mạng wifi, 3G, 4G còn hạn chế nên nếu công tác khai báo y tế điện tử được triển khai cũng gặp không ít khó khăn.
Bà Cao Thị Đức, 63 tuổi ở Cầu Diễn cũng chia sẻ, từ khi có ca đầu tiên mắc Covid-19 tại Hà Nội, bản thân bà và những người thân trong gia đình đều có ý thức phòng chống dịch bệnh bằng việc thường xuyên đeo khẩu trang khi ra ngoài hoặc đến những nơi công cộng, sát khuẩn tay bằng các dung dịch sát khuẩn. Bà Đức cũng cho hay, khi biết có chủ trương khai báo y tế điện tử, bà cũng muốn khai báo nhưng vì tuổi cao, trình độ hiểu biết về công nghệ thông tin hạn chế, vì vậy để thực hiện khai báo, bà đành phải nhờ đến các con.
Việc khai thông tin trên điện thoại thông minh rất khó, những người biết sử dụng còn ít, những người không biết thì nhiều, việc đăng nhập vào chỉ có những người dùng lâu mới biết”- bà Đức nói.
Với người cao tuổi, kỹ năng sử dụng điện thoại thông minh còn hạn chế nên nếu công tác khai báo y tế điện tử gặp nhiều khó khăn. |
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, việc khai báo y tế là một hình thức người dân tham gia vào việc chống dịch. Khi khai, người dân sẽ cung cấp những thông tin cần thiết liên quan thủ tục hành chính để khi cần họ có thể được liên hệ như tên, tuổi, địa chỉ, số thẻ bảo hiểm. Sau đó, họ cần khai báo tình trạng sức khỏe, những triệu chứng có xảy ra cũng như lịch trình đi nước nào trong 14 ngày qua, nhất là có đi qua vùng dịch bệnh hay không, kể cả khai những bệnh hàng ngày...
“Sau khi đã khai như vậy, khi có biểu hiện bệnh, người dân không cần đi tới cơ sở y tế mà sẽ có cán bộ y tế qua lời khai đó, sẽ tới thăm khám tại nhà, giúp đỡ trong các việc theo dõi, giám sát, phòng chống bệnh”- PGS Trần Đắc Phu cho biết.
Tuy nhiên, PGS Phu cũng cho rằng, trong quá trình thực hiện khai báo y tế toàn dân có thể xảy ra tình huống khai báo không trung thực. Chẳng hạn, một người có các biểu hiện sốt, ho, khó thở... nhưng không khai, giấu bệnh. Ngược lại, khi không có triệu chứng đó, họ lại khai. “Với nghiệp vụ riêng, cơ quan chức năng sẽ phát hiện được các tình huống liên quan yếu tố nguy cơ. Mỗi cá nhân khai báo y tế cho bản thân hoặc khai báo hộ cho thành viên trong gia đình (với trẻ nhỏ, người không đủ điều kiện sức khỏe trực tiếp khai báo) sẽ chịu trách nhiệm về tính trung thực khi khai báo. Nếu khai báo không trung thực ảnh hưởng đến phòng chống dịch sẽ bị xử phạt”- PGS.TS Trần Đắc Phu nêu rõ.
Khai báo thêm mã số BHXH
Hiện nay, nhiều người dân đang thực hiện khai báo y tế điện tử trên ứng dụng điện thoại NCOVI. Thực hiện công việc này, người dân có thể cung cấp thêm mã số BHXH của mình để ngành Y tế và các cơ quan chức năng có thêm thông tin về quá trình khám chữa bệnh được lưu trữ trên Hệ thống Thông tin Giám định BHYT của BHXH Việt Nam, từ đó góp phần vào công tác phòng chống dịch bệnh.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, khi khai báo y tế qua ứng dụng NCOVI, người dân, người lao động có thể lấy thông tin mã số BHXH của mình qua 3 cách sau. Thứ nhất, mã số BHXH là 10 kí tự cuối của mã thẻ BHYT. Thứ hai, mã số BHXH trên sổ BHXH là 10 ký tự được in trên tờ bìa sổ và thứ ba là tra cứu mã số BHXH trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam. Theo đó, người dân có thể truy cập trang web https://baohiemxahoi.gov.vn. Tại danh mục “Tra cứu trực tuyến”, chọn “Tra cứu mã số BHXH” và nhập thông tin để tra cứu mã số BHXH. Khi nhập thông tin cần lưu ý nhập tỉnh/thành phố của người cần tra cứu mã số BHXH; Phải nhập ít nhất 1 trong các thông tin (Số CMND, Ngày sinh, Mã số BHXH) để tra cứu thông tin; Họ và tên của người cần tra cứu mã số BHXH.
Sẽ có phần mềm (app) riêng để người dân cài đặt trên điện thoại và vào cung cấp thông tin y tế cá nhân.Việc khai báo y tế này thực hiện với tất cả trăm triệu người dân trong nước, tương tự như áp dụng tờ khai y tế điện tử với các khách nhập cảnh đến/về từ tất cả các quốc gia./.
Ứng dụng khai báo y tế điện tử NCOVI chính thức có mặt trên iOS
Từ khóa: khai báo y tế điện tử, covid-19, Covid 19, ứng dụng, NCOVI
Thể loại: Xã hội
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN