Khắc phục hậu quả chiến tranh - một phần quan trọng trong quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ
Cập nhật: 30/04/2021
Tiền Giang: Giá heo thịt tăng cao, người chăn nuôi phấn khởi đón Tết (20/1/2025)
Xuân no ấm trên bản làng đồng bào Mảng ở Lai Châu (20/1/2025)
(VOV5) -Sau 46 năm kể từ mùa xuân ấy, quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ có nhiều biến đổi
Mùa Xuân năm 1975, “cuộc chiến tranh dài ngày nhất trong lịch sử nước Mỹ” do quân đội Mỹ tiến hành ở Việt Nam hoàn toàn kết thúc bằng chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Sau 46 năm kể từ mùa xuân ấy, quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ có nhiều biến đổi, từ đối đầu sang đối thoại, từ quan hệ đối đầu sang quan hệ bạn bè, từ đối tượng sang đối tác, rồi phát triển thành quan hệ đối tác toàn diện. Có được kết quả này là do cả hai phía cùng nỗ lực từng bước hóa giải hận thù, xây dựng lòng tin, bắt tay nhau giải quyết hậu quả chiến tranh trên tinh thần xây dựng.
Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh và cựu Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius cầm trên tay nắm đất đã được tẩy độc hoàn toàn tại Sân bay Đà Nẵng. - Ảnh: Bộ ngoại giao. |
Khắc phục hậu quả chiến tranh luôn là một phần quan trọng trong quan hệ hai nước kể từ khi bình thường hóa quan hệ ngoại giao năm 1995. Cả hai phía đều cam kết hợp tác giải quyết có trách nhiệm nghĩa vụ nhân đạo và di sản chiến tranh để lại, coi đây động lực thúc đẩy quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ.
Những hậu quả tàn khốc của cuộc chiến
Cuộc chiến đã lùi xa 46 năm nhưng hậu quả chiến tranh vẫn còn hiển hiện, từ thương tích trên cơ thể những cựu chiến binh và dân thường, những bệnh tật và dị tật của nạn nhân chất độc hoá học, đến sự ly tán trong nhiều gia đình, từ những thảm thực vật hoàn toàn biến dạng, đến những vùng đất bị nhiễm độc hoặc có bom mìn còn sót lại... Những người còn sống sau chiến tranh tiếp tục phải đối mặt với các vấn đề nghiêm trọng về kinh tế, xã hội và môi trường mà cuộc chiến đã gây ra, trong đó tỷ lệ dị dạng bẩm sinh ở Việt Nam là cao nhất thế giới.
Không chỉ Việt Nam, những tổn thất về con người đối với Hoa Kỳ và các đồng minh cũng không phải nhỏ. Ngoài những tổn thất về sinh mạng, lính Hoa Kỳ còn phải chịu những mất mát nặng nề về tinh thần. Hàng trăm ngàn người khi về nước đã mắc nhiều chứng rối loạn tâm thầndo bị chấn thương tâm lý bởi những nỗi khiếp sợ họ gặp ở Việt Nam (thường được gọi là Hội chứng Việt Nam). Số lượng quân nhân Hoa Kỳ bị mắc bệnh tâm thần trong và sau thời gian chiến đấu ở Việt Nam là nhiều nhất trong tất cả các cuộc chiến mà quân đội nước này tham gia trong lịch sử.
Hợp tác giải quyết có trách nhiệm nghĩa vụ nhân đạo và di sản chiến tranh để lại
Kể từ khi bình thường hóa quan hệ ngoại giao, Việt Nam và Hoa Kỳ đã bắt tay vào việc khắc phục hậu quả chiến tranh. Năm 2006, hai bên đã ký kếtBiên bản ghi nhớ về chương trình sức khỏe và xử lý môi trường trong vấn đề giải quyết chất độc da cam ở Việt Nam, đánh dấu một mốc quan trọng trong việc cùng nhau tìm các giải pháp mới cho một vấn đề phức tạp. Năm 2012, Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) là đối tác cùng Bộ Quốc phòng Việt Nam triển khai dự án "Xử lý môi trường ô nhiễm dioxin tại sân bay Đà Nẵng". Sau khi hoàn thành dự án này, năm 2018, hai bên tiếp tục ký kết thỏa thuận hợp tác để thực hiện dự án Xử lý Dioxin khu vực Sân bay Biên Hòa.
Đại sứ Mỹ Daniel Kritenbrink thắp hương tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn. - Ảnh: Đại sứ quán Mỹ |
Năm 2020, Hoa Kỳ cam kết cung cấp 65 triệu USD cho dự án hỗ trợ người khuyết tật Việt Nam tại 8 tỉnh ưu tiên trong 5 năm, nhằm đảm bảo người khuyết tật có cơ hội hòa nhập xã hội toàn diện và chất lượng cuộc sống được cải thiện. Nguyên Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Daniel Daniel J. Kritenbrink khẳng định: Một trong những ưu tiên hiện nay là hợp tác song phương trong vấn đề xử lý các vấn đề nhân đạo và di sản chiến tranh. Chúng tôi thực sự tin rằng, dù mối quan hệ của chúng ta hiện nay chủ yếu là hướng đến tương lai, chúng tôi có trách nhiệm phải giải quyết những vấn đề tồn đọng từ quá khứ và một vấn đề quan trọng liên quan đến quá khứ giữa chúng ta là nỗ lực chung trong việc tẩy độc dioxin hay còn gọi là chất độc da cam còn lại sau chiến tranh. Thêm một ví dụ nữa về di sản chiến tranh là việc chúng tôi đang điều trị cho những người khuyết tật ở 8 tỉnh bị rải chất độc trong chiến tranh. Và tất nhiên là cả hai nước cũng đang rất nỗ lực để tìm kiếm những người bị mất tích trong chiến tranh ở cả hai phía.
Trong hơn chục năm qua, phía Hoa Kỳ đã hỗ trợ Việt Nam hàng trăm triệu USD để phục vụ công tác khắc phục hậu quả chiến tranh. Ngược lại, phía Việt Nam cũng đã giúp Hoa Kỳ tìm kiếm hàng nghìn hài cốt lính mất tích trong chiến tranh Việt Nam. Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, khẳng định: Hoa Kỳ đánh giá cao sự hợp tác của Việt Nam về tìm kiếm người Mỹ mất tích trong chiến tranh. Có thể nói đây là một lĩnh vực hợp tác mà chúng ta rất là tự hào. Chúng ta làm vì lòng nhân đạo, vì trách nhiệm và cũng vì xây dựng lòng tin để tăng cường hợp tác với Hoa Kỳ.
Hiếm thấy trong quan hệ giữa hai quốc gia nào mà vấn đề khắc phục hậu quả chiến tranh lại có đóng góp quan trọng đối với tiến trình bình thường hóa, cải thiện quan hệ và xây dựng lòng tin như giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Để có những kết quả như hiện nay, cả hai bên đều phải dũng cảm vượt qua chính mình với sự kiên định trong hành động, sự sáng suốt về trí tuệ và có tầm nhìn chiến lược và niềm tin mạnh mẽ vào tương lai tươi sáng của hai nước, hai dân tộc. Đây không chỉ là hình mẫu của quá trình hòa giải giữa hai nước từ cựu thù thành bạn hữu, thành đối tác toàn diện, mà còn là giải pháp cho nhiều cuộc xung đột khu vực và quốc tế hiện nay.
Từ khóa: VOV, VOVworld, VOV5, Hoa Kỳ, chiến tranh, hậu quả, hài cốt mất tích, nhân đạo
Thể loại: Thời sự
Tác giả:
Nguồn tin: VOV5