Khắc phục bồi lắng, sạt lở suối Bảy Mẫu: Cán bộ đùn đẩy, dự án “đứng bánh”
Cập nhật: 8 giờ trước
VOV.VN - Như VOV đã phản ánh, tình trạng bồi lắng, sạt lở suối Bảy Mẫu, đoạn chảy qua các xã Hòa Phú, Hòa Phong, Hòa Khương, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng ngày càng nghiêm trọng. Trong khi đó, phương án nạo vét, xử lý bồi lắng nhằm khơi thông dòng chảy, hạn chế sạt lở đôi bờ cứ chạy lòng vòng; một số cán bộ có trách nhiệm tiếp tục đùn đẩy, sợ trách nhiệm.
Gần 2 năm trôi qua, chính quyền đồng ý rồi lại thay đổi. Các sở ngành quay vòng lấy ý kiến từ dưới lên trên rồi từ trên trả lại xuống dưới. Và đến nay, dự án giẫm chân tại chỗ. Ảnh hưởng đới gió đông trên cao, mấy ngày qua, tại miền Trung liên tục mưa to. Cứ mưa là đất đai 2 bên bờ con suối Bảy Mẫu, đoạn chảy qua các xã Hòa Phú, Hòa Khương, Hòa Phong, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng lại sạt lở. Trời mưa, dân lại lo mất đất.
Trước tình trạng bồi lắng gây sạt lở của dòng suối này, đầu năm 2023, Công ty Cổ phần HBC Sài Gòn Đà Nẵng mong muốn được tham gia nạo vét khơi thông dòng chảy, tận thu lượng cát, sạn để phục vụ các công trình trọng điểm của thành phố. Vị trí dự kiến khơi thông có điểm đầu tại Cầu Máng, xã Hòa Khương đến Cầu Trắng, xã Hòa Phú. Toàn bộ chi phí thực hiện do Công ty này chịu trách nhiệm và việc tận thu sẽ thực hiện theo đúng các quy định hiện hành. Sau khi nhận được văn bản đề nghị của doanh nghiệp này, Văn phòng UBND thành phố Đà Nẵng chuyển đến Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với UBND huyện Hòa Vang và các sở ngành liên quan kiểm tra, xử lý.
Trên cơ sở lấy ý kiến của các sở ngành liên quan, UBND huyện Hòa Vang gửi UBND thành phố báo cáo về sự cần thiết của việc nạo vét khơi thông dòng chảy đoạn suối vừa nêu; Đồng thời đề xuất giải pháp là “Nạo vét, khơi thông các điểm bị bồi lấp kết hợp chỉnh trị một số đoạn suối đã bị co hẹp do bị bồi lấp”; Xin chủ trương cho sử dụng kinh phí thông qua việc cấp quyền khai thác khoáng sản, thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường để đầu tư xây kè, giai cố một số đoạn sạt lở.
Sau khi nhận được báo cáo của UBND huyện Hòa Vang, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng có văn bản số 4888 (8/9/2023) do một Phó Chủ tịch ký, đồng ý chủ trương nạo vét, khơi thông dòng suối chảy từ Cầu Máng đến Cầu Trắng. UBND thành phố Đà Nẵng giao UBND huyện Hòa Vang chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan lập cụ thể phương án nạo vét khơi thông và khái toán kinh phí thực hiện theo chủ trương này.
Ngay sau đó, các sở ngành, địa phương liên quan đã triển khai thực hiện theo công văn số 4888 của UBND thành phố. Thế nhưng gần 1 năm sau, ngày 12/7/2024, UBND thành phố Đà Nẵng lại có văn bản số 3773 giao UBND huyện Hòa Vang chủ trì phối hợp với các sở ngành liên quan kiểm tra đánh giá cụ thể sự cần thiết của việc thực hiện nạo vét, khơi thông dòng chảy, đánh giá kỹ hiệu quả về mặt thoát nước tưới tiêu… Nội dung văn bản này thay thế cho nội dung công văn số 4888 đã ký ngày 8/9/2023.
Qua kiểm tra thực tế, UBND huyện Hòa Vang tiếp tục khẳng định, việc nạo vét khơi thông dòng chảy từ Cầu Máng đến Cầu Trắng tại các xã Hòa Phú, Hòa Phong và Hòa Khương là cần thiết. Cơ sở để UBND huyện Hòa Vang đưa ra ý kiến này chính là tổng hợp ý kiến của các địa phương qua nhiều năm bị ảnh hưởng của lũ lụt, đặc biệt là mùa mưa lũ năm 2022 với lượng mưa lớn, nước từ hồ Đồng Nghệ chảy về nhiều, dòng suối hẹp nên đã chảy tràn vào một số khu vực đất sản xuất làm thiệt hại hoa màu, cây cối của nhân dân tại thôn 5 xã Hòa Khương. Mặt khác, hiện nay, đường vành đai phía Tây đã hoàn thành chạy cắt ngang qua dòng suối sẽ làm ảnh hưởng không nhỏ đến việc tiêu, thoát nước vào các đợt mưa lớn.
Bên cạnh đó, tại văn bản số 3269 ngày 10/8/2023 và văn bản số 3219 ngày 14/8/2024, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Đà Nẵng cũng đã khẳng định: Việc nạo vét các đoạn bị bồi lấp, khơi thông dòng suối chảy từ Cầu Máng đến Cầu Trắng qua các xã Hòa Phú, Hòa Phong, Hòa Khương là cần thiết để nâng cao khả năng tiêu thoát lũ trong mùa mưa, giảm tình trạng ngập lụt cho các khu vực xung quanh và giảm tình trạng sạt lở 2 bên bờ suối.
Câu chuyện về sự cần thiết phải nạo vét, khơi thông dòng chảy đã rõ. Thế nhưng, thực hiện văn bản số 3773 ngày 12/7/2024 của UBND thành phố Đà Nẵng gửi UBND huyện Hòa Vang đánh giá lại sự cần thiết của dự án thì ngày 23/9/2024, UBND huyện Hòa Vang có văn bản “đá quả bóng” lên trên. Cụ thể, tại văn bản số 485 ngày 23/9/2024, UBND huyện Hòa Vang đề xuất UBND thành phố giao cho cơ quan chức năng của thành phố thực hiện việc đánh giá tổng thể dự án và thẩm định phương án.
Hiện, Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Đà Nẵng quay lại lấy ý kiến các sở ngành, địa phương theo như trình tự ban đầu. Cụ thể, ngày 6/11/2024, Sở này có văn bản số 3341 gửi các sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Xây dựng, UBND huyện Hòa Vang tham gia ý kiến liên quan đến dự án này, gửi về sở trước ngày 17/11/2024. Trong khi đó, trước đây, Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng đã kiểm tra, tổng hợp và có văn bản số 1416 (ngày 24/5/2024) thống nhất với ý kiến đề xuất của UBND huyện Hòa Vang. Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Đà Nẵng cũng đã đề nghị UBND thành phố giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn “chủ trì, hướng dẫn UBND huyện Hòa Vang, Công ty HBC Sài Gòn Đà Nẵng thực hiện đầy đủ các thủ tục liên quan thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư, thẩm định thiết kế xây dựng sau thiết kế cơ sở; thủ tục bàn giao công trình sau khi xây dựng hoàn thành và các trình tự, thủ tục bàn giao công trình”…
Như vậy, dự án này lại quay vòng làm lại từ đầu. Tính từ ngày đó đến nay đã gần 2 năm trôi qua, mọi thứ vẫn còn nằm trên giấy mà chưa biết đến lúc nào mới xong?
Trao đổi với phóng viên VOV, Lãnh đạo UBND huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng cho biết, đây là dự án cần thiết, các hồ sơ, trình tự thủ tục pháp lý cũng không vướng gì, luật pháp cho phép thực hiện. Tuy nhiên, vì có một số hộ dân ở thôn An Châu, xã Hòa Phú chưa đồng thuận với việc nạo vét, khơi thông dòng chảy đoạn chảy qua địa phương nên huyện chưa xem xét thực hiện.
Vì sao một số hộ dân chưa đồng thuận?. Qua tìm hiểu được biết, ngày 17/1/2024, có 16 hộ dân ở thôn An Châu, xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang cùng ký Đơn báo cáo gửi HĐND Thành phố, UBND thành phố Đà Nẵng kiến nghị xem xét chủ trương nạo vét, khơi thông dòng chảy tại suối Bảy Mẫu, đoạn chảy qua thôn An Châu, huyện Hòa Vang. Ông Lê Trị, Bí thư Chi bộ thôn An Châu, xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang giải thích, trong số 16 hộ dân ký tên trong đơn thì 6 hộ có đất canh tác 2 bên dòng suối này. Theo ông Trị, có lẽ những hộ này lo sợ sạt lở ăn sâu vào trong nữa nên đã ký đơn. Trao đổi với những người dân địa phương được biết, trước đây, UBND thành phố Đà Nẵng cho phép Công ty Hiệp Đại Hưng khai thác đất sét trên diện tích 10 héc ta tại Bào Tong. Sau khi hết hạn giấy phép, doanh nghiệp này rời đi bỏ lại cánh đồng hoang, đất chết, nhiều chỗ như những “hố bom’, gây ra bức xúc trong nhân dân. Vì vậy, hồi tháng 1 năm 2024, khi nghe tin một doanh nghiệp khác xin lập hồ sơ khơi thông dòng chảy, tận thu cát sạn là người dân nơi đây lo lắng. Ông Lê Văn Trị, Bí thư Chi bộ thôn An Châu, xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng cho biết: “Chủ trương này cũng có số đồng tình, một số không đồng tình. Cá nhân tôi thì đồng tình với chủ trương nhưng mà với điều kiện là khai thác đến đâu thì chúng ta phải kè lại đến đó để chống sạt lở hai bên. Nếu Công ty nào, ai làm thì cũng tốt thôi nhưng mong ước của người dân là phải chống sạt lở”.đ
Ông Lê Đình Minh Hải, Bí thư Đảng ủy xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang cho biết, đơn của 16 hộ dân ở thôn An Châu được ký từ tháng 1/2024 khi UBND thành phố vừa mới đồng ý về chủ trương nạo vét, khơi thông dòng suối chảy từ Cầu Máng đến Cầu Trắng. Lúc đó, người dân nơi đây chưa hình dung được quy mô, thiết kế bản vẽ cũng như cách thức thực hiện dự án như thế nào. Nói cách khác, bà con chưa có đầy đủ thông tin về dự án này.
Ngay sau khi có đơn của người dân, Bí thư Đảng ủy xã đã trực tiếp xuống họp dân giải thích rõ với hộ dân là doanh nghiệp chỉ tham gia nạo vét và tận thu những nơi được phép theo phương án được duyệt; Đồng thời xây kè chống sạt lở những nơi cần thiết. Sau khi được giải thích rõ ràng, những hộ dân này đều bày tỏ đồng tình. Tại buổi tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND huyện Hòa Vang ở Hội trường xã Hòa Phú vào ngày 16/8/2024, chỉ có 1 ý kiến của cử tri ở thôn Đông Lâm, xã Hòa Phú bày tỏ lo ngại dự án sẽ ảnh hưởng đến đất sản xuất và đất ở của nhân dân. Còn tại buổi tiếp xúc cử tri của Đại biểu HĐND thành phố và HĐND huyện Hòa Vang với cử tri xã Hòa Phúc vừa diễn ra vào chiều 21/11/2024 mới đây, không có cử tri nào có ý kiến liên quan dự án nêu trên. Ông Lê Đình Minh Hải, Bí thư Đảng ủy xã Hòa Phú khẳng định: “Dân thông rồi chứ không phải là dân phản đối. Nhưng mà phải có phương án cụ thể. Vì trước đây có mấy trường hợp khai thác khoáng sản rồi nên dân sợ chứ không phải dân không ủng hộ dự án này. Xã đã xuống mời một số cô, chú đứng tên trong đơn, họp dân tại thôn. Xã trả lời bà con là đừng nóng vội vì mới đi khảo sát địa chất để về xin chủ trương của thành phố, chứ không phải đi như vậy là làm. Tới đó là dừng rồi chứ bà con đâu có ý kiến gì nữa đâu. Bà con cũng thông hết rồi mà”.
Ông Tô Văn Hùng, Bí thư Huyện ủy Hòa Vang cho biết, huyện thấy dự án này cần thiết nên xin chủ trương thành phố. Thế nhưng, các bên lại “nói qua, nói về”. Bây giờ, UBND thành phố lại có văn bản xem lại sự cần thiết của dự án. Trong khi đó, huyện chỉ đạo UBMTTQVN lấy ý kiến của dân một cách bài bản, theo đúng luật. Nhưng sau khi UBND thành phố có văn bản xem lại sự cần thiết thì UBND huyện lại có văn bản trả lời “nước đôi”. Ông Tô Văn Hùng cho biết: “Huyện đã yêu cầu UBMTTQVN đứng ra lấy ý kiến toàn dân, rất bài bản. Huyện vận dụng Luật dân chủ cơ sở để tổ chức hội nghị phản biện và UBMTTQVN đã báo cáo. Thế nhưng, khi đã xong thì Uỷ ban Nhân dân lại “xà quầng”. Bây giờ ai là người đứng ra đề xuất chủ trương đầu tư thì lại “xà quầng”. Mà cái này thì chắc chắn là Sở Nông nghiệp phải là đơn vị đề xuất chủ trương đầu tư chứ không thể UBND huyện hoặc Sở Kế hoạch và Đầu tư được”.
Thành ủy Đà Nẵng đang chỉ đạo thực hiện quyết liệt Chỉ thị số 34, ngày 27/10/2023 của Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng về “Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương và đẩy lùi tình trạng đùn đẩy, né tránh, không làm đúng chức trách, nhiệm vụ được giao”. Vậy mà gần 2 năm qua, một dự án quy mô nhỏ rất cần thiết trong việc nạo vét, khơi thông dòng suối chảy mà Nhà nước không cần phải đầu tư kinh phí lại cứ “giẫm chân tại chỗ” chỉ vì một vài thắc mắc trước đây của người dân.
Qua vụ việc này rất dễ nhận thấy, tình trạng cán bộ thiếu trách nhiệm, đùn đẩy lẫn nhau vẫn đang diễn ra phức tạp tại thành phố Đà Nẵng. Một vài cán bộ có trách nhiệm khi được giao kiểm tra và đề xuất lại né tránh, không đi sâu tìm hiểu về lo ngại của từng người dân. Và cứ thế, văn bản “dưới đá lên, trên đẩy xuống” kéo dài gần 2 năm nay.
Từ khóa: Bảy Mẫu, Bảy Mẫu,Đà Nẵng,đùn đẩy,né tránh,cán bộ,đứng bánh,dự án,sạt lở,Hòa Vang,trì trệ,đơn thư khiếu nại,chính quyền
Thể loại: Xã hội
Tác giả: pv/vov- miền trung
Nguồn tin: VOVVN