Khả năng tận dụng các FTA thế hệ mới ở địa phương, doanh nghiệp còn thấp
Cập nhật: 06/10/2024
Phụ nữ khởi nghiệp vì sức khỏe cộng đồng và phát triển bền vững (24/11/2024)
Mua sắm mùa Giáng sinh, khách hàng muốn trực tiếp “mắt thấy, tay cầm”
VOV.VN - Cần tăng cường các hoạt động tuyên truyền, phổ biến các nội dung, điều ước của các FTA thế hệ mới mà Việt Nam là thành viên đến các địa phương và DN
Với việc tham gia và thực thi các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA thế hệ mới), các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam nhanh chóng tiếp cận thị trường các nước đối tác, đưa cán cân thương mại Việt Nam duy trì đà xuất siêu. Tận dụng các lợi thế từ EVFTA, CPTPP và UKVFTA, nhất là CPTPP đã mở cửa cho hàng hóa Việt Nam vào các thị trường mới hoàn toàn đó là Canada, Mexico, Peru khiến kim ngạch luôn tăng trưởng ở 2 con số.
Tuy nhiên, theo bà Phạm Quỳnh Mai, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương), bên cạnh những kết quả ấn tượng đã đạt được, việc thực thi các FTA vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Trong đó, khả năng tận dụng lợi thế của các FTA thế hệ mới trong xuất khẩu nhìn chung còn khiêm tốn, sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam vẫn chủ yếu là dạng thô nên chưa xây dựng nhiều thương hiệu tại các thị trường FTA và tỷ trọng xuất khẩu phần lớn vẫn thuộc về các DN FDI.
Trong khi đó, việc phổ biến thông tin, chính sách hỗ trợ DN của các cơ quan chức năng, các địa phương chưa đầy đủ, có nơi chưa tốt. Nội dung phổ biến còn chung chung, chưa tập trung vào những nội dung các DN quan tâm; hoạt động hỗ trợ DN còn chung chung, dàn trải, chương trình kết nối DN và tổ chức tín dụng chưa phát huy hiệu quả; công tác hoàn thiện thể chế, chính sách, nội luật hóa cam kết còn chưa chủ động và có lúc còn chậm.
“Cán bộ phụ trách thực thi FTA còn thiếu về lượng và yếu về chất, nhân lực chuyên trách FTA của DN còn hạn chế nên vấn đề phát triển vền vững chưa được DN quan tâm đúng mức. Khả năng tận dụng các FTA tại các địa phương còn thấp, những hạn chế này do nhận thức của các cán bộ của Bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là DN trong hội nhập kinh tế quốc tế khiến quá trình thực thi các FTA còn chưa được đầy đủ, công tác giám sát thực thi chưa được thường xuyên...”, bà Mai chỉ ra bất cập.
Từ góc độ địa phương, theo nhìn nhận của Phó Chủ tịch thường trực, UBND tỉnh Quảng Trị - ông Hà Sỹ Đồng, hiện nay phần lớn các DN trên địa bàn miền Trung có quy mô nhỏ và vừa, nên chưa có điều kiện quan tâm nhiều đến những tác động của các FTA vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Do đó, cần tăng cường các hoạt động tuyên truyền, phổ biến các nội dung, điều ước của các hiệp định FTA mà Việt Nam là thành viên đến các địa phương và DN.
“Cần xem xét việc phân nhóm đối tượng tiếp cận và phổ biến thông tin, để các nội dung tuyên truyền tiệm cận với nhu cầu và quy mô phát triển của các DN. Đồng thời, cần có chính sách hỗ trợ các nhóm các DN bị tác động bởi FTA trong thời gian qua, như ngành gỗ, dệt may từ đó nâng cao năng lực kết nối với các nước Việt Nam có ký kết FTA”, ông Hà Sỹ Đồng nêu phương hướng.
Đánh giá việc ký kết, gia nhập các điều ước quốc tế và tham gia các FTA đã đóng góp quan trọng vào việc mở rộng, đưa quan hệ của Việt Nam với các đối tác đi vào chiều sâu, tạo thế đan xen lợi ích, góp phần gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội - ông Nguyễn Mạnh Tiến khẳng định, các FTA thế hệ mới đã tạo ra cơ hội mở rộng, đa dạng hóa thị trường với mức ưu đãi cao, đưa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng, mạng lưới sản xuất toàn cầu. Các FTA thế hệ mới góp phần tích cực vào quá trình đổi mới đồng bộ và toàn diện, khơi dậy tiềm năng của đất nước và sức sáng tạo của các tầng lớp nhân dân, cải thiện đời sống nhân dân, nâng cao trình độ phát triển, giảm dần tỷ trọng gia công lắp ráp cho đối tác nước ngoài.
Song Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại cũng chỉ rõ, thực tiễn triển khai các FTA cho thấy còn nhiều DN chưa tận dụng mức độ ưu đãi thuế, thông qua việc áp dụng các quy tắc xuất xứ và giấy chứng nhận xuất xứ. Do các DN Việt Nam chưa nâng cao giá trị gia tăng trên hàng hóa xuất khẩu, bằng việc đảm bảo nguồn nguyên liệu đầu vào, chuyển từ gia công sang sản xuất các mặt hàng có giá trị hàm lượng khoa học và sáng tạo cao.
“Nhiều mặt hàng lợi thế của Việt Nam có tỷ lệ sử dụng C/O đạt từ 92%-100% trong các FTA, như ngô, lúa mì, giấy các loại, phân bón, ô tô tải, một số sản phẩm sắt thép và các sản phẩm giày dép, dệt may… tuy nhiên giá trị xuất khẩu chưa cao là những điểm cần phải xem xét, điều chỉnh trong thời gian tới”, ông Tiến đề xuất.
Theo bà Phạm Quỳnh Mai, trong thời gian tới Bộ Công Thương sẽ tập trung vào nhóm giải pháp tuyên truyền và giám sát thực thi các FTA. Trong nhóm giải pháp tuyên truyền, Bộ Công Thương sẽ đổi mới phương pháp phổ biến thông tin thông qua xây dựng các video tuyên truyền, hỗ trợ thực hiện các cam kết các FTA. Trong giám sát thực thi các FTA, Bộ Công Thương sẽ xây dựng bộ chỉ số giám sát thực thi các FTA (FTA Index).
Ngoài ra, Bộ Công Thương tiếp tục thực hiện các nhóm giải pháp về thể chế, hỗ trợ DN, nhân lực và các giải pháp khác như ban hành văn bản quy phạm pháp luật nhằm tổ chức, triển khai các điều ước quốc tế. Công tác tổ chức bộ máy, cơ chế hoạt động, phối hợp trong tổ chức thực hiện các điều ước quốc tế của Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan và các địa phương.
Đặc biệt, làm rõ vai trò và trách nhiệm của các cơ quan hữu quan trong việc giám sát triển khai các điều ước quốc tế, cũng như đánh giá kết quả thực hiện và thông tin tuyên truyền về các FTA để nắm rõ các vướng mắc, những khó khăn, phân tích nguyên nhân và hướng khắc phục.
Từ khóa: FTA thế hệ mới, FTA thế hệ mới,tận dụng, lợi thế, tiếp cận, phổ cập
Thể loại: Kinh tế
Tác giả: nguyễn quỳnh/vov.vn
Nguồn tin: VOVVN