Khả năng Nga tấn công hạt nhân trả đũa Ukraine bắn tên lửa tầm xa vào lãnh thổ

Cập nhật: 4 ngày trước

VOV.VN - Nga đã gửi tín hiệu trực tiếp tới phương Tây rằng nước này sẵn sàng cho một cuộc đối đầu hạt nhân sau khi Mỹ cho phép Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa tấn công lãnh thổ Nga. Nhiều chuyên gia đã đánh giá khả năng Nga dùng vũ khí hạt nhân để đáp trả Ukraine sau vụ Kiev bắn tên lửa ATACMS vào lãnh thổ nước này.

Tổng thống Vladimir Putin đã cập nhật học thuyết hạt nhân của Nga, hai ngày sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden cho phép Ukraine tấn công các mục tiêu sâu bên trong nước Nga bằng vũ khí tầm xa do Mỹ sản xuất.

Theo học thuyết hạt nhân sửa đổi, Nga sẽ coi hành động tấn công từ bất kỳ quốc gia phi hạt nhân nào, nhưng có sự tham gia của một quốc gia hạt nhân, là một cuộc tấn công chung vào Nga. Ngoài ra, Nga có thể đáp trả bằng vũ khí hạt nhân khi có mối đe dọa nghiêm trọng đến chủ quyền của nước này. Phát biểu với báo chí, Điện Kremlin cho biết: “Các thế lực thù địch phải hiểu rằng việc trả đũa là điều không thể tránh khỏi đối với hành động tấn công Liên bang Nga”.

Sự thay đổi này diễn ra sau khi Ukraine sử dụng hệ thống tên lửa chiến thuật lục quân (ATACMS) do Mỹ sản xuất tấn công khu vực Bryansk của Nga. Cuộc tấn công này đánh dấu lần đầu tiên Kiev sử dụng tên lửa tầm xa nhắm vào Nga ngay khi được Mỹ bật đèn xanh. Chính phủ Nga trước đó cho rằng, quyết định của chính quyền Biden sẽ gây leo thang xung đột tại Ukraine, hiện đã vượt mốc 1.000 ngày.

Truyền thông Nga đưa tin, Ukraine đã bắn 6 tên lửa đạn đạo vào một cơ sở ở khu vực Bryansk trong đêm 19/11. RIA Novosti cho biết, hệ thống phòng không của Nga bắn hạ 5 tên lửa và vô hiệu hóa tên lửa thứ sáu, tên lửa này rơi xuống lãnh thổ của cơ sở, gây ra một đám cháy lớn nhưng đám cháy đã được dập tắt. Trong khi đó, truyền thông Ukraine cho biết, các tên lửa đã bắn trúng một kho vũ khí nằm sâu trong lãnh thổ Nga, cách biên giới 110 km.

Nga sẵn sàng đáp trả bằng vũ khí hạt nhân?

Khi được hỏi liệu cuộc tấn công của Ukraine có thể khiến Nga đáp trả bằng vũ khí hạt nhân hay không, người phát ngôn Điện Kremlin Peskov trả lời là có. Ông nêu rõ điều khoản của học thuyết sửa đổi gợi mở khả năng như vậy nếu một cuộc tấn công thông thường gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Nga.

Bà Tatiana Stanovaya - nhà phân tích chính trị người Nga và là người sáng lập công ty phân tích R. Politik lưu ý, tuyên bố của ông Peskov đánh dấu lần đầu tiên Điện Kremlin thừa nhận "khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân như một phản ứng đối với các cuộc tấn công vào lãnh thổ Nga bằng tên lửa tầm xa".

“Nói cách khác, ông Peskov công khai thừa nhận Điện Kremlin hiện cân nhắc khả năng tấn công hạt nhân”, bà Stanovaya nhấn mạnh, đồng thời lưu ý học thuyết sửa đổi này sẽ giúp cho Tổng thống Putin có nhiều lựa chọn.

Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev, thậm chí còn bày tỏ lập trường rõ ràng hơn. Ông cho biết, việc Ukraine sử dụng tên lửa NATO để tấn công lãnh thổ Nga "có thể được coi là hành động tấn công của khối này vào Nga"."Trong trường hợp như vậy, Nga có quyền trả đũa bằng vũ khí hạt nhân nhằm vào Kiev và các cơ sở quan trọng của NATO, bất kể chúng ở đâu”.

Theo một quan chức Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, Washington không thấy có sự thay đổi nào đối với lập trường hạt nhân của Nga. Do đó, chính quyền Biden “không có lý do gì để điều chỉnh lập trường hoặc học thuyết hạt nhân của Mỹ để đáp trả các tuyên bố của Nga”, quan chức này nói thêm.

Tiến sĩ JackWatling, nhà phân tích thuộc Viện nghiên cứu quốc phòng và an ninh (RUSI) ở Anh, cho biết việc Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa của phương Tây “có thể sẽ không khiến Moscow phải đưa ra phản ứng hạt nhân như một số nhân vật ở phương Tây lo ngại". Nhưng ông nói thêm rằng, Nga có nhiều cách để gây tổn hại cho Ukraine cũng như các nước phương Tây.

“Xé rào” cho Ukraine sử dụng ATACMS, Mỹ thách thức Nga?

VOV.VN - Quyết định của Tổng thống Joe Biden cho phép Ukraine sử dụng Hệ thống tên lửa chiến thuật lục quân (ATACMS) để tấn công các mục tiêu trong lãnh thổ Nga đánh dấu sự thay đổi sâu sắc trong chính sách của Mỹ, đồng thời tác động lớn tới địa chính trị và quân sự. Theo giới phân tích, với bước đi này, Mỹ được cho là đang thách thức lằn ranh đỏ của Nga.

Cảnh báo sắc lạnh đến phương Tây

Bà Tatiana Stanovaya cho rằng, quyết định sửa đổi học thuyết hạt nhân của Nga dường như đã được tính toán một cách có chủ đích để đáp trả quyết định của chính quyền Biden về việc gỡ rào cản vũ khí tầm xa cho Ukraine.

"Đây là một bước ngoặt cực kỳ nguy hiểm. Tình hình hiện tại có thể khiến xung đột leo thang đáng kể. Tuy nhiên, trong bối cảnh Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump vẫn chưa nhậm chức, động thái như vậy sẽ không gây ảnh hưởng tới bất kỳ sáng kiến ​​hòa bình nào, mà thay vào đó có thể củng cố lập luận của ông Trump về việc cần phải đối thoại trực tiếp với ông Putin". Ông Donald Trump đã nhiều lần tuyên bố sẽ nhanh chóng chấm dứt cuộc chiến ở Ukraine nhưng không công bố bất kỳ thông tin nào về kế hoạch của ông.

Bà Stanovaya cho rằng Nga đã tính toán phản ứng của họ trong một nỗ lực cố gắng ngăn chặn Ukraine tiếp tục sử dụng tên lửa tầm xa tấn công lãnh thổ Nga, đồng thời đổ lỗi cho chính quyền Biden "là nhân tố gây ra sự leo thang".

Răn đe hạt nhân là một trụ cột trong học thuyết quân sự của Nga, nhưng bản sửa đổi này dường như mở rộng định nghĩa về những gì được coi là “hành động tấn công, xâm nhập” chống lại Nga.

Theo giới phân tích, học thuyết hạt nhân sửa đổi của Nga là thông điệp mạnh mẽ gửi tới những nước phương Tây ủng hộ Ukraine, nhắc nhở họ về nguy cơ rủi ro, khiến các nhà hoạch định chính sách của họ phải suy nghĩ kỹ về hậu quả có thể xảy ra khi cung cấp vũ khí tinh vi và có tầm bắn xa hơn cho Ukraine.

Trước đó, Nga đã nhiều lần nhắc đến mối đe dọa hạt nhân để cảnh báo những nước hỗ trợ Ukraine. Sau khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố vào đầu năm nay về việc ông không loại trừ khả năng đưa quân đội đến Ukraine, Tổng thống Putin đã ra lệnh tiến hành một cuộc tập trận vũ khí hạt nhân chiến thuật để đáp trả những gì ông gọi là "mối đe dọa" từ phương Tây. Điện Kremlin cũng cảnh báo "những rủi ro to lớn" xung quanh việc Mỹ và châu Âu cung cấp máy bay chiến đấu F-16 cho Ukraine hoặc "hậu quả nghiêm trọng" khi họ chuyển giao hệ thống phòng không Patriot cho Kiev.

Nhưng việc sửa đổi học thuyết hạt nhân lần này dường như được thực hiện để tăng thêm mức độ răn đe của Nga, đặc biệt là khi chính quyền mới chuẩn bị nhậm chức tại Washington.

Từ khóa: Nga, Nga, Ukraine, tấn công hạt nhân, Nga sửa đổi học thuyết hạt nhân, Ukraine bắn tên lửa tầm xa vào Nga, tên lửa ATACMS, Mỹ cho phép Ukraine dùng tên lửa tầm xa tấn công Nga, vũ khí hạt nhân, Nga cảnh báo phương tây, Ukraine tấn công Bryansk

Thể loại: Tin tức sự kiện

Tác giả: hồng anh/vov.vn (tổng hợp)

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập