Khả năng hiện thực ý tưởng sáng tạo: Việt Nam thuộc top cuối

Cập nhật: 30/01/2020

VOV.VN - Việt Nam nằm trong nhóm nước có tinh thần khởi nghiệp cao nhất thế giới, nhưng khả năng hiện thực các ý tưởng sáng tạo thì thuộc 20 nhóm cuối cùng.

Theo một khảo sát của mạng lưới kết quả toàn cầu, trong số 60 quốc gia tham gia khảo sát, Việt Nam nằm trong nhóm nước có tinh thần khởi nghiệp cao nhất thế giới. Tuy nhiên, khả năng hiện thực các ý tưởng sáng tạo thì thuộc 20 nhóm cuối cùng.

Điều này cho thấy, có khoảng cách quá lớn giữa ý chí và hành động cụ thể, vì vậy điều mà chúng ta cần phải làm trong thời gian tới là cần nhiều hơn sự hỗ trợ của thể chế, chính sách để tiến gần hơn tới việc hiện thực hóa ước mơ của những người khởi nghiệp trẻ.

kha nang hien thuc y tuong sang tao: viet nam thuoc top cuoi hinh 1
Khả năng hiện thực các ý tưởng sáng tạo của DN Việt thuộc 20 nhóm cuối cùng.

Trong những năm gần đây, Chính phủ đã ban hành rất nhiều chính sách hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp, nhất là khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Điều này thể hiện quyết tâm của Đảng, Nhà nước và Chính phủ trong việc tạo dựng môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển và vươn ra quốc tế.

Tuy nhiên do những doanh nghiệp khởi nghiệp thường là những sinh viên mới ra trường, mặc dù có nhiều đam mê và hoài bão, song lại thiếu nhiều kinh nghiệm trong điều hành quản trị, quản lý nguồn vốn, tài chính cũng như là nguồn lực của mình nên đây là những vấn đề khó khăn đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp.

Cùng với đó, hiện hành lang pháp lý về quy định gọi vốn đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp chưa thực sự rõ ràng; Các tiêu chí về định giá về doanh nghiệp khởi nghiệp chưa sắc nét; việc tiếp cận các Quỹ đầu tư mạo hiểm còn gặp nhiều khó khăn…

Do đó, yêu cầu đặt ra nhằm tạo sức bật cho các doanh nghiệp khởi nghiệp đó là phải có hành lang pháp lý rõ ràng, cũng như về các tiêu chí, cách thức để định giá được các ý tưởng khởi nghiệp. Thêm vào đó nên tập trung cho việc nghiên cứu phát triển sản phẩm để tăng tỷ lệ thành công cho các doanh nghiệp khởi nghiệp thay cho việc hỗ trợ các doanh nghiệp.

Theo ông Trần Xuân Đích, Phó Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học - công nghệ (Bộ KH&CN), khởi nghiệp mà đặc biệt là khởi nghiệp sáng tạo đang đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế.

Vì vậy, để các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo có thể phát triển và trở thành các doanh nghiệp trưởng thành với đóng góp thiết thực cho nền kinh tế thì cần thiết phải phát triển và hình thành hệ sinh thái cho khởi nghiệp sáng tạo, tạo ra sự liên kết, kết nối và nâng cao năng lực của các chủ thể khác, hướng tới hỗ trợ, thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.

Ông Trần Xuân Đích cũng cho biết, về chính sách hỗ trợ của nhà nước, để hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ KH&CN đã phối hợp và tham mưu xây dựng Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa cùng các văn bản hướng dẫn, miễn giảm thuế, phí, lệ phí đất, quy hoạch hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, quy hoạch chi tiết về việc thành lập quỹ đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo…

Trong thời gian tới, Bộ KH&CN sẽ tập trung xây dựng phát triển Mạng lưới kết nối khởi nghiệp ở quy mô quốc gia và quốc tế; thúc đẩy hình thành các trung tâm đổi mới sáng tạo trên toàn quốc, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo phát triển; liên kết với viện nghiên cứu, trường đại học để thương mại hóa kết quả nghiên cứu, hình thành tài sản trí tuệ để tự tin bước ra thị trường toàn cầu.

“Chúng ta cùng hợp tác để xây dựng và phát triển những startup hàng đầu hướng tới giải quyết các vấn đề xã hội, tạo ra những tác động tích cực cho xã hội ở tầm quốc gia, khu vực, trên thế giới mà đồng thời vẫn phát huy văn hóa bản địa”, ông Đích khẳng định./.

Từ khóa: startup, doanh nghiệp khởi nghiệp, ý tưởng sáng tạo, đổi mới sáng tạo

Thể loại: Đời sống

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập