“Kết thúc 20 năm làm đại biểu Quốc hội, tôi vui như sắp cày xong thửa ruộng”
Cập nhật: 26/03/2021
Triển lãm “Hoàng Sa, Trường Sa – Biển, đảo thiêng liêng” tại Kiên Giang
Quân đội Việt Nam - Ấn Độ trao đổi, củng cố kiến thức, kỹ năng tại VINBAX-2024
VOV.VN - Sau 4 nhiệm kỳ, 20 năm lãnh trách nhiệm đại biểu dân cử, thời điểm này tôi thấy “vui như sắp cày xong thửa ruộng”.
“Nếu đủ duyên, có lẽ, tôi đã có thể tham gia Quốc hội từ khóa X”, đại biểu Quốc hội Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội, người đã có 4 nhiệm kỳ làm đại biểu dân cử, chia sẻ. Tuy được đề xuất lựa chọn là 1 trong 2 trường hợp đặc biệt để tái cử ở khóa XV nhưng ông có vẻ như không hào hứng lắm bởi ông cho rằng “đã già rồi nên lui để lớp trẻ tiến lên”.
Nói về cơ duyên được “lọt” vào mắt của cử tri, ông Bùi Sỹ Lợi thành thật “không phải vì thích hoạt động Quốc hội mà trúng, là do phân bổ ngành LĐ-TB-XH có chỉ tiêu tham gia ứng cử ĐBQH”. Nhưng rồi trúng ĐBQH ở khóa XI và tiếp tục miệt mài hoạt động cả 3 khóa sau đó, ông nhận ra rằng “làm đại biểu Quốc hội là một vinh hạnh lớn với bản thân”. “Hoạt động đại biểu dân cử có cái hay là gần gũi, gắn bó với người dân, cử tri và quan trọng chính nó là động lực để mình phấn đấu, giúp mình hiểu biết xã hội hơn, gắn bó với nhân dân hơn, nắm chuyên môn vững hơn và có kỹ năng để giải quyết công việc tốt hơn”, ông thừa nhận.
Ông chia sẻ, sau khi trúng ĐBQH, ông được điều động ra Bộ LĐ-TB-XH làm Chánh thanh tra hơn 4 năm. Công việc kiểm soát, đánh giá việc thực hiện chính sách cũng như xử lý các vấn đề khiếu nại tố cáo của công dân cũng gần với công việc của đại biểu dân cử. Sau đó, ông lại tiếp tục được điều động sang làm đại biểu chuyên trách giữ trọng trách Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội. Công việc mới cũng gần với lĩnh vực chuyên môn như chính sách người có công, chính sách xóa đói giảm nghèo, bảo hiểm xã hội, chính sách tiền lương…, nên ông vui vẻ tiếp nhận công việc mới. Sau 4 nhiệm kỳ, 20 năm lãnh trách nhiệm đại biểu dân cử, thời điểm này ông thấy “vui như sắp cày xong thửa ruộng”.
“Tôi chưa biết sợ bộ trưởng nào cả”
PV: 20 năm làm đại biểu Quốc hội, ông được gì và mất gì?
Ông Bùi Sỹ Lợi: 20 năm làm đại biểu Quốc hội đã cho tôi rất nhiều. Đầu tiên là hiểu được tất cả các lĩnh vực xã hội của đất nước, đặc biệt là vấn đề xóa đói giảm nghèo, sau đó đến giảm nghèo bền vững, vấn đề về chính sách an sinh xã hội bao gồm BHXH, BHYT, chính sách tiền lương, vấn đề năng suất lao động của mối quan hệ giữa năng suất lao động và tiền lương.
Phải nói rằng, khoảng thời gian hoạt động ở Quốc hội, cho phép tôi nghiên cứu được tổng thể nhiều vấn đề. Nhưng vấn đề đọng lại lớn nhất, đeo bám nhất vẫn là hệ thống an sinh xã hội vì con người.
Cái được nữa, là người dân quý mến, khi đi địa phương, người ta biết tên, chào hỏi, khích lệ, động viên nên càng cố gắng phấn đấu hoạt động để làm sao đem được lợi ích cho người dân, bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp cho người dân, trên cơ sở công bằng giữa lợi ích nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Với tôi đó là cái được lớn nhất.
Tất nhiên, cũng có người không ưa. Có thể trong quá trình hoạt động trên nghị trường, những phát biểu của tôi có thể đụng đến người này người kia, tỉnh này tỉnh khác, người ta cũng có bình luận, đánh giá, có nhận xét không tích cực. Nhưng tôi coi đó là đương nhiên bởi công bằng xã hội và sự phát triển xã hội phải cho đại đa số người dân chứ không chỉ một bộ phận nhỏ. Trong quá trình đấu tranh bảo vệ chân lý đó, có thể đại đa số đồng tình nhưng một bộ phận bị chạm đến lợi ích nhóm thì người ta phản ứng, điều đó là dễ hiểu.
Những cảm xúc yêu, ghét đó với tôi là hạnh phúc, nó mang tới cho tôi một sinh khí cuộc sống mà trong cuộc đời làm đại biểu của dân chưa lúc nào cảm thấy buồn hay thất vọng. Đó cũng là động lực giúp tôi làm được nhiều việc cho những đối tượng yếu thế: xây dựng "Ngân hàng bò" giúp người nghèo, chương trình “Ngày Chủ nhật yêu thương”, đi thăm động viên gia đình chính sách, người có công, vui vẻ hoạt động, còn tham gia Ban Chấp hành Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, Thường vụ Hội Chữ thập Đỏ Việt Nam để đóng góp sức mình cho công cuộc hỗ trợ người yếu thế trong xã hội. Trong bất kỳ thảo luận một chính sách nào liên quan người nghèo, đối tượng yếu thế, người có công, tôi xác định đeo bám cho đến khi xử lý việc đó đến công bằng mới thôi. Tôi chưa biết sợ bộ trưởng nào cả mà chỉ luôn hợp tác.
PV: Dành nhiều tâm huyết như thế cho vấn đề an sinh xã hội, thực sự ông đã hoàn toàn yên tâm về nó chưa trước khi về nghỉ ngơi?
Ông Bùi Sỹ Lợi: Thực tâm tôi vẫn luôn đau đáu về chính sách an sinh xã hội vì con người. Nếu chúng ta tăng trưởng phát triển mà không đảm bảo được vấn đề xã hội đời sống của người dân, như lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã nói, sự tăng trưởng đó không có ý nghĩa. Quan trọng là tăng trưởng phát triển giải quyết kinh tế xã hội nhưng phải đảm bảo sự công bằng xã hội, điều đó mới quan trọng và mới thể hiện được tư tưởng của Hiến pháp, quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân.
PV: Ngoài vấn đề còn đau đáu như kể trên, ông còn “nợ” cử tri điều gì không?
Ông Bùi Sỹ Lợi: Rất nhiều và tôi tin rằng đến khóa XV, XVI và các khóa tiếp nữa, nhiều vấn đề của người dân chúng ta chưa thể xử lý trong một sớm một chiều, đó là vấn đề an sinh xã hội, công bằng, đảm bảo đời sống tối thiểu cho người dân. Điều đó chắc chúng ta còn phải đi một chặng đường dài nữa, vì công bằng xã hội phải hiểu không có nghĩa là cào bằng, nhưng nhiều người muốn hưởng lợi ích nhưng không muốn trách nhiệm. Muốn làm được, phải có sự chuyển biến nhận thức của người dân, họ chấp nhận điều đó như nguyên lý. Những vấn đề xã hội đó sẽ còn phải giải quyết trong một thời gian dài nữa, hay nói cách khác cần có sự bền bỉ và quyết tâm chính trị rất cao, từ người cán bộ bình thường đến người lãnh đạo cao cấp phải thực sự có tâm.
PV: Góp mặt trên nghị trường gần 20 năm, chắc hẳn ông cũng hiểu vì sao có những đại biểu cả kỳ không phát biểu lần nào?
Ông Bùi Sỹ Lợi: Theo tôi có 2 vấn đề. Một, đại biểu vào khóa đầu tiên và chỉ làm một khóa, kinh nghiệm có hạn, sự tự tin chưa có, nên người ta không muốn “trình diện”, phát biểu; hoặc có thể họ nắm không chắc vấn đề, nhưng trường hợp này hãn hữu, vì đã là đại biểu Quốc hội, cơ bản được lựa chọn tốt, cơ bản có năng lực, cơ bản có tinh thần trách nhiệm nhưng vì họ mới vào, kỹ năng trình bày, cách thức truyền đạt… tất cả mọi thứ khiến họ cảm thấy có gì đó chưa tự tin khi đứng lên phát biểu. Vì vậy, nếu đại biểu làm đến khóa thứ 2, các kỹ năng của họ sẽ được nâng cao hơn bởi rèn luyện là một quá trình, vì vậy tăng đại biểu tái cử là cần thiết. Cũng có thể số ít người không phát biểu gì cơ bản là không chuyên trách, họ bận công việc khác, nhiệm vụ chính trị để đánh giá họ là công việc chuyên môn chứ không phải công việc Quốc hội (chỉ có 30% tham gia công việc QH)… cho nên cũng không nên quá trách họ.
Vì thế nên mới có chuyện tại sao phải tăng số đại biểu tái cử và tăng số chuyên trách. Đại biểu chuyên trách dành toàn bộ thời gian cho hoạt động Quốc hội.
Ấn tượng nhất với khóa XIV, nhiều vấn đề đã được xử lý
PV: Trong 4 nhiệm kỳ Quốc hội, nhiệm kỳ nào để lại dấu ấn đậm nét nhất với ông?
Ông Bùi Sỹ Lợi: Mỗi nhiệm kỳ để lại trong tôi một ấn tượng. Quốc hội khóa XII, khi bàn vấn đề sáp nhập Hà Tây về thủ đô Hà Nội cũng rất đau đáu, suy nghĩ, nông thôn, miền núi trong lòng thành phố, có nhiều người nghèo, nhưng cuối cùng tôi cho rằng, quyết định sáp nhập là đúng vì nông thôn, miền núi khi được nằm trong lòng đô thị sẽ được thúc đẩy phát triển nhanh hơn, tỷ lệ hộ nghèo sẽ giảm đi, điện khí hóa, công nghiệp hóa cũng sẽ tốt hơn và điều đó đã trở thành hiện thực.
Cũng trong nhiệm kỳ khóa XII, khi bàn thảo vấn đề đường sắt cao tốc rất nhiều ý kiến tranh luận, trăn trở. Trong suy nghĩ, tôi vừa ủng hộ vừa không. Nếu ủng hộ thì ta chưa có tiền, nhưng nếu không ủng hộ, không làm đường sắt cao tốc thì đất nước chậm phát triển và có lẽ đến khóa XV, XVI sẽ phải nghĩ đến. Đất nước hình chữ S chạy dài, giao thông đường sắt và đường thủy (vì gắn với bờ biển) sẽ cho hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với giao thông đường bộ nhưng đầu tư sẽ lớn hơn gấp nhiều lần, nay nghĩ đến đường sắt cao tốc tôi cảm thấy đó là mơ ước.
Quốc hội khóa XIV có vấn đề đặc khu, đây là mô hình kinh tế đầu tàu có thể dẫn dắt nền kinh tế đất nước phát triển, nhưng lại có rất nhiều ý kiến trái ngược nhau, trong đó có luồng ý kiến lo ngại xây dựng 3 đặc khu kinh tế Bắc, Trung, Nam có thể dẫn tới việc chuyển nhượng đất cho các nhà đầu tư nước ngoài... Tuy nhiên, cá nhân tôi nghĩ có lẽ đặc khu vẫn là mô hình tốt nhưng cách thức vận hành để phát triển cần phải suy nghĩ kỹ thêm. Tôi chưa biết vấn đề này sẽ đi đến đâu, nhưng tôi tin chắc sớm muộn sẽ vẫn là đặc khu, hoặc là khu công nghiệp phát triển cao, công nghệ cao là đầu tàu của đất nước.
Có thể nói rằng khóa XIV là nhiệm kỳ ấn tượng nhất, không chỉ bởi đây là khóa cuối cùng mình làm đại biểu mà bởi có nhiều vấn đề được xử lý.
Tuy nhiên, tôi cảm thấy có 2 điểm lớn rất đáng tiếc lẽ ra Quốc hội khóa XIV phải làm được nhưng chưa được: Thứ nhất là cải cách chính sách tiền lương. Đến nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV và hết nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng là đã 3 lần chúng ta lỡ hẹn nâng lương, nhưng chúng ta đã không cải cách được tiền lương mà phải điều chỉnh tiền lương cơ sở vì chưa cân đối được ngân sách. Thứ hai là vấn đề chính sách bảo hiểm xã hội một lần khi Quốc hội phải ra Nghị quyết số 93/2015/QH13 dừng Điều 60 giải quyết chính sách BHXH một lần (Quốc hội khóa XIII). Quyết định này cũng có tác động từ người lao động và báo chí, sợ rằng người lao động không thể rút quỹ BHXH ra để tiêu dùng, sẽ gặp khó khăn. Nhưng thử hỏi nếu người lao động không có BHXH khi về già liệu họ có khó khăn hơn không. Tôi là người đã bảo vệ đến cùng Điều 60 bởi điều đó là rất nhân văn nhưng sau đó rất nhiều người “động viên” nên phải cho nó dừng lại để đảm bảo ổn định trật tự xã hội. Khi có Nghị quyết dừng Điều 60, Luật BHXH 2014, thì số người rút BHXH một lần tăng lên rất nhanh, bình quân mỗi năm hơn 1 triệu lao động tham gia BHXH thì có tới gần 600.000 người xin hưởng BHXH một lần, tác động đến mục tiêu BHXH toàn dân theo Nghị quyết 28 của Trung ương.
Ông Bùi Sỹ Lợi: Đó là sự đổi mới liên tục. Từ khóa XI đã bắt đầu có sự đổi mới trong hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn, văn hóa tranh luận bắt đầu được hình thành. Ở khóa XII bắt đầu đổi mới về cách thức, phương pháp giám sát, xây dựng pháp luật, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước trên tinh thần dân chủ đổi mới. Khóa XIII tập trung xây dựng thể chế, bắt đầu nghiên cứu, tháo gỡ thể chế. Đến khóa XIV tiếp tục đổi mới ở 3 lĩnh vực lớn: Thứ nhất là tăng cường thể chế pháp luật điển hình là phê chuẩn EVFTA, CPTPP, các công ước quốc tế để hội nhập kinh tế quốc tế; có thể nói đến nay Việt Nam đã đáp ứng cơ bản các tiêu chuẩn lao động quốc tế cơ bản.
Thứ hai là quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước như phân bổ ngân sách, bố trí vốn đầu tư công và các vấn đề lớn được bàn thảo chặt chẽ, thấu đáo, đảm bảo nguyên tắc. Đặc biệt, trong nhiệm kỳ khóa XIV, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 88 phê duyệt đề án tổng thể phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 theo tinh thần khoản 5, Điều 70 của Hiến pháp 2013, Quốc hội quyết định chính sách dân tộc của Nhà nước.
Thứ ba là đổi mới hoạt động trên Nghị trường, từng bước thay thế phương thức thảo luận sang tranh luận. Từng bước chuyển hình thức thuyết trình báo cao bằng video clip góp phần có thêm thời gian cho phần thảo luận, tranh luận. Ta nói “trong nguy có cơ”, đại dịch Covid-19 bùng phát lại là cơ hội để chuyển đổi mạnh mẽ sang công nghệ số. Nhiều cuộc họp được tổ chức theo hình thức trực tuyến, đại biểu Quốc hội đã tinh thông công nghệ thông tin hơn rất nhiều.
PV: Cá nhân tôi có cảm nhận tính độc lập của Quốc hội ngày càng cao. Ông có thấy thế không?
Ông Bùi Sỹ Lợi: Đúng là khi mới tham gia Quốc hội, tôi cũng có cảm nhận dường như Quốc hội “né” Chính phủ nhiều hơn. Nhiều vấn đề, Chính phủ trình thế nào, Quốc hội nghe thế. Nhưng trạng thái đó đã thay đổi rất nhiều rồi. Là do cơ chế hoạt động của Quốc hội đã thay đổi, chất vấn tăng lên, kiểm soát cũng tăng lên, giám sát mạnh lên, Quốc hội đã dần dần cách ly khỏi sự phụ thuộc của Chính phủ. Anh cứ trình, còn tôi cứ nghiên cứu theo tư cách, suy nghĩ của chúng tôi và tranh luận với nhau. Điều đó mới đúng với yêu cầu của các cơ quan hoạt động quyền lực nhà nước, kiểm soát lẫn nhau. Anh có thể chấp nhận hoặc không nhưng phải nói vì sao chấp nhận hoặc không. Càng về sau, Quốc hội càng thể hiện được bản lĩnh của mình độc lập với Chính phủ và phản biện với Chính phủ để dẫn tới sự thống nhất cao nhất.
Cho nên có những vấn đề hiện nay, sự điều hành của chính phủ có thể chưa đúng, có cả trách nhiệm của Quốc hội, vì anh đồng tình. Cho nên không thể đổ toàn bộ lỗi lên Chính phủ hoặc lên Quốc hội, vì luật, các vấn đề quan trọng đều do Chính phủ trình Quốc hội, mối quan hệ này không chặt chẽ dẫn đến khuyết điểm thì hai bên cùng phải cộng đồng trách nhiệm. Mối quan hệ kiểm soát lẫn nhau đó chính là cơ chế kiểm soát quyền lực lẫn nhau để công việc của Chính phủ và Quốc hội ngày càng tốt hơn. Nội dung này theo tôi được thể hiện ở hầu hết các kỳ họp của Quốc hội khóa XIV.
Tranh cử đại biểu sẽ ngày càng khó
PV: Sắp trở thành cựu đại biểu Quốc hội 4 khóa, ông có kinh nghiệm gì để chia sẻ với những ứng cử viên sắp tranh cử đại biểu Quốc hội khóa XV?
Ông Bùi Sỹ Lợi: Qua thực tiễn 4 khóa và theo như cách thức hiện nay của việc phân bổ đại biểu Quốc hội, tăng chuyên trách, tăng trung ương, giữ nguyên thậm chí giảm địa phương, sẽ tăng áp lực cho các đại biểu ở trung ương về ứng cử ở địa phương. Nếu đại biểu không vững vàng, không nắm chắc tình hình, thuyết trình không đầy đủ, đại biểu trung ương sẽ rất dễ gặp khó khăn ở địa phương. Một số địa phương cũng nhận thức được rằng, người ta muốn chọn đại biểu của trung ương về phải có đóng góp cho địa phương nên cũng áp lực với các đại biểu ở trung ương về ứng cử.
Như vậy, các cuộc vận động tranh cử cũng sẽ càng ngày càng khó khăn, khóa XV bắt đầu và các khóa sau sẽ còn khó hơn. Theo tôi đó là điều đáng mừng vì cử tri và nhân dân mong muốn chất lượng đại biểu Quốc hội ngày càng phải tốt hơn, đó là mong mỏi chính đáng. Những người ứng cử khóa này và các khóa sau, sẽ phải cố gắng rất nhiều, không chỉ rèn luyện về kỹ năng, chuyên môn, nghiệp vụ mà phương pháp, cách thức vận động bầu cử và hoạt động ở địa phương để cử tri nhận ra anh sẽ là một ứng cử viên tiềm năng, sẽ có nhiều đóng góp hiệu quả nếu trở thành đại biểu Quốc hội, người ta sẽ bầu anh.
Và muốn người dân tin tưởng, nội dung tranh cử phải hết sức thực tiễn, cử tri rất tinh ý để phân biệt những lời sáo rỗng với những lời nói phải xuất phát từ đáy lòng, chân thành, tình cảm, trách nhiệm và có sự quyết đoán, có tầm, đừng nghĩ cứ hứa hẹn là được.
PV: Xin cảm ơn ông./.
Từ khóa: Bùi Sỹ Lợi, đại biểu Quốc hội, an sinh xã hội, đại biểu Quốc hội 4 khóa
Thể loại: An ninh - Quốc phòng
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN