Kết quả giảm nghèo ở vùng dân tộc miền núi chưa bền vững
Cập nhật: 25/09/2019
Chủ tịch nước Lương Cường dự Chương trình “Xuân Biên phòng ấm lòng dân bản” năm 2025
Tổng Bí thư Tô Lâm tri ân các đồng chí lãnh đạo Nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước
VOV.VN -Một số chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất cho DTTS còn manh mún, dàn trải, một số chính sách trùng lặp về nội dung và đối tượng thụ hưởng.
Chiều 10/9, tiếp tục Chương trình phiên họp thứ 37, UBTVQH tiến hành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2012-2018”.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến.(Ảnh: Quốc hội) |
Người dân còn trông chờ vào các chính sách trợ giúp của Nhà nước
Báo cáo kết quả giám sát về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2012 – 2018”, ông Hà Ngọc Chiến, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Trưởng Đoàn giám sát của UBTVQH cho biết, qua giám sát cho thấy kết quả giảm nghèo vùng dân tộc thiểu số, miền núi chưa thực sự bền vững, chất lượng giảm nghèo chưa cao: Hộ nghèo dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ cao so với tổng số hộ nghèo cả nước (52,66%) và chiếm tỷ lệ 27,55% so với tổng số hộ dân tộc thiểu số; tỷ lệ hộ dân tộc thiểu số tái nghèo, phát sinh nghèo, cận nghèo đều cao hơn tỷ lệ chung cả nước. Thu nhập bình quân đầu người thấp; các chỉ số thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản của hộ nghèo dân tộc thiểu số còn ở mức cao, nhất là các chỉ số thiếu hụt về chất lượng nhà ở, diện tích nhà ở, nhà tiêu hợp vệ sinh, nước sinh hoạt. Một số vấn đề bức xúc của đồng bào dân tộc thiểu số chậm được giải quyết, như: Chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo chưa được giải quyết cơ bản, chưa đạt kế hoạch đề ra.
Về nguyên nhân của vấn đề này, ông Chiến cho rằng, do một số ít người dân còn tư tưởng trông chờ ỷ lại vào các chính sách trợ giúp của Nhà nước và cộng đồng; thiếu đất ở, đất sản xuất, thiếu phương tiện sản xuất, ảnh hưởng lớn đến công tác giảm nghèo bền vững. Một số chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất còn manh mún, dàn trải, một số chính sách trùng lặp về nội dung và địa bàn, đối tượng thụ hưởng. Cùng với đó, một số chính sách xây dựng và ban hành có định mức thấp, hiệu quả không cao, chậm sửa đổi, bổ sung. Sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương trong hoạch định, ban hành chính sách chưa thực sự chặt chẽ, đồng bộ, kịp thời; việc lấy ý kiến tham gia của Hội đồng dân tộc vào việc xây dựng chính sách giảm nghèo cho vùng DTTS, MN chưa được quan tâm đúng mức, sự tham gia của người dân vào quá trình xây dựng và thực hiện chính sách còn hạn chế.
Cần thu hút nguồn lực, xã hội hóa cho khu vực miền núi
Đồng tình với báo cáo ông Hà Ngọc Chiến, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho rằng, vùng dân tộc thiểu số, miền núi chưa thực sự bền vững do chương trình giảm nghèo được lồng ghép trong nhiều chính sách nhưng việc ban hành văn bản rất chậm, chất lượng ban hành văn bản có vấn đề, sự phối hợp liên ngành chưa đảm bảo; nhiều chính sách manh mún dàn trải, chưa khả thi, có chính sách hợp với vùng này nhưng không hợp với vùng khác nhưng vẫn áp dụng chung, định mức thấp và quy trình ban hành chính sách không khả thi, nhất là việc chưa lấy ý kiến của địa phương -nơi hưởng thụ chính sách.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga.(Ảnh: Quốc hội) |
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cũng đề nghị báo cáo cần quan tâm hơn trong công tác kiểm tra, giám sát và xác định trách nhiệm của các bộ, ngành. Bởi lẽ, trong quá trình thực hiện vẫn có những sai phạm, đáng chú ý giai đoạn sau sai phạm nhiều hơn giai đoạn trước.
Ghi nhận nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ban, ngành, đoàn thể trong công tác xóa đói giảm nghèo song bà Nguyễn Thanh Hải, Trưởng Ban Dân nguyện trăn trở về 5 khó khăn mà đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi đang đối mặt về: điều kiện tự nhiên; chất lượng nguồn nhân lực; kinh tế xã hội phát triển chậm; tỷ lệ hộ nghèo cao nhất; và khó khăn trong tiếp cận các dịch vụ phúc lợi cơ bản. Bà đặt câu hỏi: “Chúng ta có nhiều chính sách hỗ trợ nhưng do chính sách của chúng ta chưa đúng, chưa trúng, hay chưa thực sự quyết tâm thực hiện mà đồng bào miền núi phải “gánh 5 cái nhất”?.
Về giải pháp, bà nhấn mạnh tới việc cần thu hút nguồn lực, xã hội hóa cho khu vực miền núi trong lĩnh vực giáo dục và y tế.
Bà Nguyễn Thanh Hải, Trưởng Ban Dân nguyện. (Ảnh: Quốc hội) |
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhận xét, báo cáo đã cho thấy thực trạng, bức tranh tổng thể về kết quả thực hiện giảm nghèo bền vững. Tuy nhiên, theo ông Hiển, vẫn còn có những chính sách chồng chéo, phân tán, chưa tập trung; vẫn còn tình trạng nợ chính sách...
Về tổ chức thực hiện, ông cho rằng, nguồn lực thời gian qua khá tập trung, cơ bản đều đạt dự toán nhưng so với yêu cầu còn chưa đáp ứng. Đặc biệt, theo ông dù nguồn lực khó khăn nhưng kỷ luật tài chính vẫn lỏng lẻo. Chẳng hạn, qua kết quả của Kiểm toán nhà nước thì sai phạm giai đoạn sau lại cao hơn giai đoạn trước. Cụ thể, giai đoạn 2012 – 2015, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính 102,879 tỷ đồng nhưng giai đoạn 2016 – 2018, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính 141,478 tỷ đồng.
Ở khía cạnh khác, Phó Chủ tịch Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh trong xóa đói giảm nghèo thì cần phân tích kĩ vấn đề xây dựng nông thôn mới. Ông thẳng thắn nhận xét nhiều nơi đạt chuẩn nông thôn mới nhưng chỉ đạt ở phần vỏ còn lõi bên trong là tổ chức sản xuất, quan hệ sản xuất, thu nhập của người dân có phát triển không thì lại không đạt./. UBTVQH xem xét, quyết định thành lập đơn vị hành chính mới
“Nói dự báo thiên tai “chính xác” là... không chính xác”
Thứ trưởng Bộ Công an: Cố gắng mới tra ra được hối lộ trong vụ AVG
Từ khóa: Quốc hội, Ủy ban Thường vụ quốc hội, phiên họp thứ 37
Thể loại: Nội chính
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN