“Kết nối” - Vấn đề trọng tâm trong Báo cáo phát triển Việt Nam 2019
Cập nhật: 15/01/2020
Nhận định chứng khoán 17/1: VN-Index sẽ thử thách mức kháng cự 1.250 điểm
Ngân hàng thế giới dự báo GDP của Nga tăng 1,6% vào năm 2025
VOV.VN - Với chủ đề "Kết nối Việt Nam vì thịnh vượng và phát triển chung”, Báo cáo phát triển Việt Nam 2019 vừa được công bố sáng 15/1, tại Hà Nội.
Báo cáo được thực hiện dựa trên nền tảng “Báo cáo Việt Nam 2035: hướng tới thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ” và “Báo cáo phát triển thế giới 2020 - Thương mại để phát triển trong kỷ nguyên của chuỗi giá trị toàn cầu”. Không chỉ phân tích toàn diện các vấn đề kết nối của Việt Nam, báo cáo cung cấp cho các nhà hoạch định chính sách và các bên liên quan những lựa chọn chính sách phát triển và chiến lược đầu tư nhằm thúc đẩy hội nhập của Việt Nam với thị trường toàn cầu, đặc biệt là tăng cường kết nối-thúc đẩy phát triển bao trùm và nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu.
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Báo cáo được hoàn thành và công bố vào thời điểm hết sức quan trọng khi Việt Nam đang trong quá trình xây dựng chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2021-2030 cũng như kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm (2021-2025). Đây là giai đoạn có thể tạo nên những đột phá cho phát triển song cũng đặt ra nhiều thách thức cho kinh tế Việt Nam, đặc biệt là trong bối cảnh quốc tế có nhiều biến động và đang diễn biến nhanh chóng với xu hướng tăng trưởng chậm lại của nhiều nền kinh tế lớn và khuynh hướng gia tăng chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch cùng tác động khó lường của biến đổi khí hậu.
“Kết nối” - Vấn đề trọng tâm trong Báo cáo phát triển Việt Nam 2019 (Ảnh minh họa: KT) |
“Các kết quả nghiên cứu sẽ góp thêm nguồn dữ liệu để Việt Nam tham khảo, hoàn thiện chiến lược phát triển 10 năm và kế hoạch 5 năm, đồng thời gợi mở tư duy kết nối và xây dựng không gian phát triển cho việc xây dựng 1 quy hoạch tổng thể của quốc gia giai đoạn 2021-2030”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhận định.
Cụ thể hơn, cho rằng “kết nối là một khái niệm đa diện, đa chiều và không chỉ bó hẹp ở kết cấu hạ tầng mà còn cả về không gian của các hoạt động kinh tế cũng như các thủ tục hành chính và pháp lý”, ông Ousmane Dione – Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, đại diện các bên nghiên cứu - công bố bản báo cáo khẳng định: “Mây đen tiếp tục phủ lên nền kinh tế toàn cầu nhưng mặt trời vẫn đang tỏa nắng tại Việt Nam, tuy nhiên, bạn cũng vẫn nên sửa mái nhà khi thời tiết còn đẹp. Cần sửa mái nhà Việt Nam cho đẹp hơn cho dù mây đen vẫn phủ”.
Giám đốc WB tại Việt Nam khuyến nghị, Việt Nam cần thực hiện 3 đột phá chiến lược, đó là khai thác hợp lý kết cấu hạ tầng giao thông, cải thiện công tác phối hợp thay vì cạnh tranh giữa các địa phương; hoàn thiện quy hoạch giao thông và quy hoạch không gian để các chuỗi giá trị quan trọng hỗ trợ nhau tốt hơn nhằm tăng cường kết nối trong nước và quốc tế. Bên cạnh đó, cải thiện khả năng tiếp cận thị trường cho các khu vực kém phát triển hơn thông qua kết nối với các trung tâm kinh tế.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cũng chỉ rõ nhiều vấn đề đáng lưu tâm, cần được các chuyên gia nghiên cứu sâu hơn. Cụ thể, cần làm cho chính sách kết nối đầu tư vào hạ tầng giao thông hướng mạnh vào phục vụ thương mại, tích hợp với chiến lược xuất nhấp khẩu Việt Nam.
“Theo truyền thống Việt Nam, giao thông vận tải bao giờ cũng là đi trước - mở đường thì tích hợp 2 yếu tố này như thế nào, cái nào là cái đi trước? Thứ 2, giao thông là hạ tầng cứng trong khi chuỗi giá trị có tính chất linh hoạt, thay đổi khó lường thì tích hợp và kết nối 2 chiến lược này thế nào? Phần lớn mới chỉ nói kết nối Bắc-Nam, chúng tôi vẫn muốn báo cáo hướng tới kết nối hành lang Đông-Tây khi mà các quốc gia khác cũng chỉ chú trọng kết nối theo hướng Đông-Tây. Vấn đề nữa là khi cơ cấu hàng hóa thay đổi, vận chuyển đa phương thức cần tính toán thế nào? Phải tính toán thế nào khi nguồn lực có hạn? Chính sách ưu tiên trong kết cấu hạ tầng như thế nào?”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nêu câu hỏi.
Phó Thủ tướng đề nghị các chuyên gia nghiên cứu sâu hơn giúp việc hoạch định chính sách kinh tế xã hội Việt Nam thời gian tới có giá trị thực tiễn, mang tính khả thi và đạt hiệu quả tốt hơn.
Trên tinh thần đó, các chuyên gia trong nước và quốc tế đang và sẽ tiếp tục thảo luận về những giải pháp giúp nâng cao tính kết nối. Bộ Kế hoạch và Đầu tư có nhiệm vụ đồng hành cùng quá trình nghiên cứu-phân tích này, đưa ra những khuyến nghị chính sách phù hợp, trình Chính phủ xem xét - vì Việt Nam thịnh vượng và phát triển./.
Khu vực tư nhân vươn lên thành động lực chính của tăng trưởng kinh tế
Việt Nam thuộc nhóm tăng trưởng kinh tế cao hàng đầu khu vực, thế giới
Từ khóa: Báo cáo phát triển Việt Nam, Báo cáo phát triển Việt Nam 2035, tăng trưởng kinh tế, tăng trưởng toàn cầu, biến đổi khí hậu
Thể loại: Kinh tế
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN