Kết nối sản xuất và tiêu thụ sản phẩm miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo

Cập nhật: 18/11/2023

VOV.VN - Hướng tới mục tiêu tổng thể của Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2021-2025, đưa tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo đạt mức tăng trưởng 9 - 11% hàng năm.

Sáng nay (18/11), tại TP Hải Phòng, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị “Kết nối sản xuất và tiêu thụ sản phẩm miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo”. Hội nghị nhằm chia sẻ kinh nghiệm về các khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn hoạt động sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo; từ đó đề xuất các giải pháp hỗ trợ, chính sách khuyến khích, ưu đãi nhằm đẩy mạnh sản xuất, tiêu thụ những sản phẩm, mặt hàng là lợi thế của khu vực miền núi và hải đảo.

Tiếp nối thành công của giai đoạn 2015-2020, nhằm tiếp tục thúc đẩy hoạt động thương mại tại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định phê duyệt Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2021-2025. Chương trình đã bước đầu hình thành những chuỗi cung ứng, tiêu thụ sản phẩm đặc trưng vùng miền theo hướng hiện đại, bền vững.

Tuy nhiên, tại nhiều địa phương trên cả nước, nhất là khu vực vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo, việc tiêu thụ sản phẩm hàng hóa của bà con vẫn còn hạn chế do địa bàn chia cắt, đi lại khó khăn. Quy mô sản xuất nhỏ lẻ, sản lượng thấp và chất lượng mẫu mã là những yếu tố bất lợi ảnh hưởng đến việc kết nối, tiêu thụ sản phẩm cho bà con nông dân vùng này.

Theo bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), thời gian tới, cần đẩy mạnh kết nối cung cầu, thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm đặc trưng, có thế mạnh của địa phương phân phối tại các siêu thị lớn trong nước và xuất khẩu. Đồng thời, hình thành những chuỗi cung ứng, tiêu thụ sản phẩm đặc trưng vùng miền theo hướng hiện đại, bền vững.

“Hoạt động đẩy mạnh các Chương trình, Đề án có tác động tích cực hỗ trợ cho tiêu thụ sản phẩm đồng bào dân tộc thiểu số cần phải được tăng cường trong thời gian tới. Đặc biệt là những nhóm giải pháp như tuyên truyền, quảng bá cho sản phẩm đồng bào dân tộc thiểu số tới cộng đồng người tiêu dùng trong nước; quảng bá qua kênh thương vụ Việt Nam tại nước ngoài, các hoạt động xúc tiến thương mại của Việt Nam tại nước ngoài là hết sức quan trọng. Bộ Công Thương tiếp tục kiểm tra, giám sát hoạt động liên quan đến hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số, bằng việc rà soát lại những văn bản của Bộ Công Thương đang triển khai, những nhóm nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước, Chính phủ giao để cập nhật và thúc đẩy việc tiêu thụ sản phẩm hàng hóa cho bà con dân tộc thiểu số”, bà Nga nói.

Hướng tới mục tiêu tổng thể của Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2021-2025, đưa tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo đạt mức tăng trưởng 9 - 11% hàng năm; phát triển các sản phẩm, hàng hóa có thương hiệu là đặc trưng, đặc sản, tiềm năng, lợi thế của khu vực, Bộ Công Thương sẽ triển khai nhiều giải pháp, trong đó có lồng ghép triển khai các Chương trình và Đề án quốc gia như Chương trình khuyến công quốc gia, Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.

Từ khóa: tiêu thụ sản phẩm miền núi, tiêu thụ sản phẩm miền núi,Kết nối sản xuất và tiêu thụ sản phẩm,sản phẩm đặc trưng, sản phẩm truyền thống, sản phẩm vùng sâu, sản phẩm hàng hóa vùng hải đảo,bộ công thương

Thể loại: Kinh tế

Tác giả: bá toàn/vov1

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập