Kết nối để tạo dấu ấn riêng cho du lịch
Cập nhật: 25/09/2019
VOV.VN -TPHCM mong muốn và đang có những kế hoạch dài hơi kết nối chặt hơn với Tây Nam bộ, thúc đẩy du lịch khu vực này vươn lên đúng tiềm năng
Lâu nay, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) luôn rộng cửa chào đón du khách trong nước và quốc tế. Du lịch của vùng này có nhiều tiềm năng, Nơi điều kiện thuận lợi để phát triển nhưng thực tế chưa được quan tâm đầu tư, khai thác đúng mức, chưa để lại nhiều ấn tượng để thu hút du khách. Trước thực trạng đó, TPHCM mong muốn và đang có những kế hoạch dài hơi để kết nối chặt hơn với Tây Nam bộ, thúc đẩy du lịch khu vực này vươn lên đúng với tiềm năng của mình.
Chợ nổi Cái Bè- điểm du lịch độc đáo miền Tây Nam bộ |
Trước hết, có thể khẳng định nhân tố chính góp phần thúc đẩy, quảng bá du lịch vùng ĐBSCL là các doanh nghiệp. Khu vực ĐBSCL là vùng đất rộng lớn, có vị trí thuận tiện trong giao thương với các nước ASEAN và tiểu vùng sông Mê Kông. Vùng có thế mạnh du lịch sông nước, sinh thái với hệ thống sông ngòi chằng chịt, vườn cây ăn trái, sân chim tại Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long; hệ thống biển đảo…
Phó Tổng giám đốc một công ty du lịch cho rằng, sản phẩm du lịch của vùng này vẫn bị trùng lắp, na ná nhau nên doanh nghiệp lữ hành phải chọn lọc, chỉ khai thác được một số sản phẩm. Từ đó gây lãng phí tiềm năng của cả vùng. Ngoài ra, đường giao thông chưa thuận tiện cũng chính là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến lượng khách đến khu vực ĐBSCL.
Như vậy, điểm mấu chốt để thúc đẩy du lịch vùng ĐBSCL khởi sắc chính là giải quyết được “căn bệnh” na ná nhau trong sản phẩm du lịch của khu vực này. Ở góc độ địa phương, ông Trịnh Công Lý, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Sóc Trăng cho rằng hiện nay khách du lịch đang có tư duy đi một tỉnh miền Tây là coi như biết hết miền Tây rồi. Như vậy cũng chưa hoàn toàn đúng vì mỗi tỉnh đều có màu sắc riêng, thế mạnh riêng. Ngoài sự hỗ trợ từ phía các công ty du lịch, lữ hành góp phần đi sâu khai thác, nêu bật được từng điểm đặc sắc riêng của mỗi địa phương, thì chính mỗi địa phương cũng cần tự lực để thu hút, hấp dẫn du khách.
Ông Lý phân tích:“Một vấn đề là điểm đến đã đủ tư thế để đón khách chưa? Ví dụ tư thế về nguồn nhân lực, về cơ sở vật chất, các điểm vui chơi giải trí, rồi vấn đề môi trường, an ninh trật tự. Địa phương phải tạo cơ chế chính sách thông thoáng để doanh nghiệp sẵn sàng đầu tư vào”.
Để phát triển du lịch vùng ĐBSCL, rõ ràng khu vực này không thể tách riêng đứng một mình, mà phải có sự liên kết chặt chẽ với TPHCM. Bởi không thể phủ nhận lợi thế rất lớn của thành phố là có 1.200 đơn vị kinh doanh dịch vụ lữ hành, đem lại nguồn du khách lớn tới các tỉnh miền Tây. Ngoài ra, thành phố còn có cơ sở vật chất thuận lợi như Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, ga xe lửa Sài Gòn – điểm cuối của hành trình Bắc – Nam, là đầu mối đón một lượng lớn du khách trong và ngoài nước.
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Du lịch TPHCM cho rằng liên kết và phát triển là quy luật tất yếu trong kinh tế thị trường. Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp và không ranh giới địa lý, do vậy, tính liên kết trong phát triển có ý nghĩa hết sức quan trọng. Lợi thế liên kết giữa TPHCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL chính là có sự khác biệt, có tính bổ trợ cho nhau. Nếu khai thác đúng lợi thế của mỗi điểm đến thì phát huy được lợi thế của nhau, giúp nhau mở rộng thị trường, thị phần khách một cách dễ dàng hơn.
“Sự liên kết giữa TPHCM và 13 tỉnh thành ĐBSCL đã có phối hợp để xây dựng sản phẩm, chất lượng điểm đến được cải thiện, những sự khác biệt từng điểm đến được chú trọng. Theo thống kê, hiện có hơn 100 sản phẩm du lịch giữa TPHCM và các tỉnh ĐBSCL”- ông Vũ nói.
Món ngon miền Tây Nam bộ |
Về phía TPHCM, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND thành phố khẳng định sự cần thiết phải xây dựng hạ tầng cơ sở du lịch. Thành phố sẽ cùng doanh nghiệp đầu tư nhiều hơn các cơ sở lưu trú, tạo điều điều kiện phục vụ tốt ở các địa phương, hỗ trợ xây dựng sản phẩm du lịch. Đồng thời, TP sẽ tăng cường liên kết với các địa phương vùng ĐBSCL để xây dựng hạ tầng giao thông tốt hơn.
Trong những năm qua, nhận thức về vai trò, sự kết nối giữa TPHCM và vùng ĐBSCL chưa đầy đủ nên trên thực tế chưa phát huy đúng tiềm năng hợp tác giữa hai bên. Việc quy hoạch phát triển chưa có tính kết nối đồng bộ, thiếu phối hợp, chưa tập trung vào các dự án trọng điểm cho cả vùng và TPHCM. Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, liên ngành nên rất cần sự đồng bộ và phối hợp trong đầu tư về kết nối giao thông, hạ tầng, kinh tế, nguồn nhân lực... để phát triển.Chìa khoá cho sự phát triển du lịch vùng ĐBSCL là liên kết chặt chẽ với nhau và với TPHCM, từ đó phát huy những nét hấp dẫn riêng biệt, mang lại trải nghiệm tốt đẹp cho du khách.
Theo thống kê, du khách đến ĐBSCL năm 2018 đạt khoảng 40 triệu lượt khách, tăng 17%, trong đó du khách quốc tế có khoảng 3,4 triệu lượt, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước. Tổng doanh thu du lịch của vùng đạt 24.000 tỷ đồng, tăng 38% so với cùng kỳ năm 2017, được coi là tăng trưởng vượt bật trong hai năm qua. Tuy nhiên, con số này vẫn còn khiêm tốn so với tiềm năng của một vùng đất giàu tiềm năng du lịch, văn hoá đặc trưng, khác biệt và lại càng chưa tương quan với nguồn nhân lực trên 20 triệu dân./.
Từ khóa: kết nối, dấu ấn du lịch, du lịch thành phố hồ chí minh, tây nam bộ, đồng bằng sông cửu long
Thể loại: Văn hóa - Giải trí
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN