Kèn Pí Lè - nhạc cụ văn hóa truyền thống của đồng bào Giáy Lào Cai
Cập nhật: 31/01/2020
Tùng Dương hát không cát xê, mong Giáng Son lấy chồng để bớt khó tính
Ngoại hình "không góc chết" của bạn trai Hoa hậu Hương Giang
VOV.VN - Đồng bào Giáy có nền văn hóa giàu bản sắc, trong đó nhạc cụ truyền thống nổi bật là cây kèn Pí lè đã làm phong phú thêm đời sống văn hóa tin thần.
Ở huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai có đông đồng bào dân tộc Giáy sinh sống. Đồng bào Giáy có nền văn hóa giàu bản sắc, trong đó nhạc cụ truyền thống nổi bật là cây kèn Pí Lè đã làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần của bà con.Thế hệ trước truyền dạy cho thế hệ sau. Cứ như vậy tiếng kèn Pí Lè được gìn giữ qua bao đời nay.
Trong những ngày trọng đại của đồng bào Giáy ở xã Bản Qua, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai không thể thiếu tiếng kèn Pí Lè. Người Giáy ở đây quan niệm những giai điệu đó là phương tiện giao tiếp của con người với thế giới tâm linh hay lời tâm tình của lòng người với trời đất, núi rừng, lời của con cái với cha mẹ, lời của nam nữ lứa đôi.
Những ai muốn học thổi Pí Lè thì sau ngày mùng 3 Tết sẽ tìm đến nhà thầy thợ kèn xin thầy truyền bài cho. |
Ông Hoàng A Hủ ở thôn Bản Vền cho biết: Thường mỗi thôn người Giáy sẽ có một đội Pí Lè để phục vụ các hoạt động văn hóa tinh thần cho người dân. Đội Pí lè gồm có 4 người phụ trách các nhạc cụ là: Kèn pí lè, trống, sáo trúc và sập sèng. Không phải ai muốn tham gia đội Pí Lè đều được mà có sự lựa chọn khá kỹ càng và phải là người có sức khỏe tốt, được người trong làng bản quý mến và quan trọng phải yêu mến tiếng kèn pí lè.
Kèn Pí Lè là nhạc cụ thuộc họ hơi gồm 3 phần: Đầu thổi, thân kèn và loa kèn. Đầu thổi là một ống đồng nhỏ bọc gỗ thông với thân kèn. Thân kèn là một ống gỗ tròn đục rỗng, có chiều dài từ 30 - 40 cm, chia làm 7 đốt bố trí khoảng cách đều nhau, mỗi đốt được dùi lỗ nhỏ hình tròn, ngoài ra có 1 lỗ ở mặt sau để khi thổi có thể phát ra âm thanh độc đáo hơn. Loa kèn được làm bằng đồng dạng phễu.
Người thổi kèn bằng cách lấy hơi đằng mũi, đẩy hơi ra miệng thông qua đầu thổi tác động vào những lỗ nhỏ trên thân kèn. Khi biểu diễn, trong mỗi nghi lễ khác nhau, người thổi kèn áp dụng các kỹ thuật rung, vuốt hơi phối hợp với các ngón tay bấm, vuốt trên thân kèn để tạo ra những âm thanh sao cho phù hợp. Kèn trông đơn giản nhưng lại là một nhạc cụ khá khó để chinh phục đòi hỏi người học phải say mê và kiên trì.
Kèn Pí Lè có thể thổi được nhiều giai điệu khác nhau. Mỗi giai điệu thể hiện tâm trạng, ý nghĩa khác nhau như trong lễ cưới thì giai điệu vui tươi, rộn rã; đám tang thì nỉ non, buồn tẻ hay âm nhạc trong lễ Hội thì sôi động, vui nhộn...
Thường mỗi thôn người Giáy sẽ có một đội Pí Lè. |
Người Giáy quan niệm những giai điệu đó là phương tiện giao tiếp của con người với thế giới tâm linh hay lời tâm tình của lòng người với trời đất, với núi rừng, lời của con cái với cha mẹ, lời tâm tình của nam nữ, lứa đôi... Điều đặc biệt không phải lúc nào thích có thể mang kèn ra thổi, mà phải đúng dịp, đúng ngày điều này làm cho nhạc cụ này càng trở nên quý trọng. Những ai muốn học thổi Pí Lè thì sau ngày mùng 3 Tết sẽ tìm đến nhà thầy thợ kèn xin thầy truyền bài cho.
Ông Nguyễn Văn Tâm, Phó chủ tịch UBND xã Bản Qua, cho biết: Với đồng bào dân tộc Giáy nói chung và người Giáy ở Bản Qua nói riêng có một kho tàng văn hóa dân gian rất đa dạng, phong phú, trong đó có những giai điệu của cây kèn Pí lè. Kho tàng văn hóa này có vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần của họ, là nét văn hóa tinh thần đã có từ lâu đời, được cha ông để lại cho con cháu.
"Ngày nay cuộc sống đã có nhiều đổi thay, có nhiều loại nhạc cụ hiện đại, song bao đời này với đồng bào Giáy ở Bát Xát, Lào Cai luôn coi kèn Pí Lè là nhạc cụ văn hóa truyền thống không thể thiếu trong đời sống văn hóa tinh thần của dân tộc mình mà mỗi người cần lưu giữ và kế thừa", ông Tâm chia sẻ./.
Từ khóa: Kèn Pí Lè, đồng bào Giáy, Lào Cai, nhạc cụ văn hóa truyền thống
Thể loại: Âm nhạc - Điện ảnh
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN