Kế thừa di sản Abe sẽ là bước đi khôn ngoan của Tân Thủ tướng Nhật Bản?
Cập nhật: 14/09/2020
Trung Quốc, Myanmar, Thái Lan bàn về hợp tác xóa bỏ lừa đảo viễn thông
Trung Quốc, Myanmar, Thái Lan bàn về hợp tác xóa bỏ lừa đảo viễn thông (22/1/2025)
VOV.VN - Hiện có nhiều ứng cử viên sáng giá cho vị trí Chủ tịch đảng LDP, như Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Shigeru Ishiba.
Hôm nay (14/9), Đảng Dân chủ Tự do cầm quyền Nhật Bản (LDP) dự kiến sẽ bầu chọn Chủ tịch Đảng thay thế Thủ tướng Abe Shinzo vừa từ nhiệm. Điều đáng chú ý là, bất cứ ai giành thắng lợi trong cuộc bầu cử này gần như chắc chắn sẽ trở thành Thủ tướng mới của Nhật Bản trong phiên họp bất thường của Quốc hội vào ngày 16/9 tới bởi đảng LDP đang chiếm đa số ghế tại cả Hạ viện lẫn Thượng viện.
Hiện có 3 ứng đang chạy đua vị trí Chủ tịch đảng Dân chủ Tự do LDP Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Shigeru Ishiba và Trưởng Ban nghiên cứu chính sách Fumio Kishida. Mỗi ứng cử viên đều đưa ra những chính sách mới về đối nội và đối ngoại nhằm thuyết phục sự ủng hộ của dư luận, nhưng câu hỏi lớn nhất hiện nay là: ai sẽ đủ năng lực để kế thừa di sản của Thủ tướng Abe Shinzo đưa Nhật Bản tiếp tục duy trì vị thế chính trị và kinh tế siêu cường trên toàn cầu?
Ông Suga gần như nắm chắc thắng lợi
Theo qui định, sẽ có 535 phiếu bầu, trong đó phiếu bầu ở địa phương là 141 phiếu chia đều cho 47 tỉnh thành mỗi nơi 3 phiếu. Còn lại 394 phiếu sẽ bầu tập trung trong các nghị sĩ thuộc Đảng tại một cuộc bầu tập trung.
Theo thăm dò ban đầu, tại một số địa phương đã điễn ra bầu trù bị từ ngày 13/4. Tại đây, ứng cử viên Suga đạt được cả 3 phiếu bầu ở nhiều địa phương. Tại Fukushima, số phiếu được chia đều cho mỗi ứng cử viên. Tại tỉnh Niigata, tuy chưa có kết quả chính thức, nhưng có tới 58% sự ủng hộ thuộc về ông Suga, 22,3% thuộc về ông Ishiba. Ông Kishida đạt 3.1% ủng hộ. Tại tỉnh Yamaguchi, ông Suga có được cả 3 phiếu ủng hộ. Đến cuối giờ chiều ngày hôm qua (13/4) đã có khoảng 32 tỉnh thành bỏ phiếu trù bị. Tỷ lệ ủng hộ Ông Suga là khoảng 60%, ông Ishiba là 20% và ông Kishida là 10%.
Trong các phái của Đảng, có tới 5 phái đang ủng hộ ông Suga làm Thủ tướng, trong đó có phái của Phó Thủ tướng Aso Taro, đương kim Tổng thư ký Đảng Nikai Toshihiro, và phái Hosoda-phái có 98 ghế nghị sĩ, nhiều nhất trong các phái. Tuy nhiên, có thể vẫn có những thành viên trong phái không ủng hộ ông Suga, và 2 ứng cử viên khác vẫn tích cực tìm kiếm sự ủng hộ từ các phe phái.
Các ứng cử viên cũng đã tung ra những luận điểm tranh cử, trong đó đề cập tới chính sách phát triển kinh tế trong đại dịch Covid-19, cải cách cơ chế nhằm đảm bảo an sinh xã hội… Dư luận cho rằng những chính sách của ông Suga cụ thể hơn và rõ ràng hơn.
Như vậy, có thể thấy rằng ông Suga chiếm lợi thế hơn so với hai ứng cử viên còn lại. Sự hẫu thuận từ các phái trong Đảng đối với ông Suga rất lớn, tuy nhiên, cũng không thể bỏ qua yếu tố bất ngờ đến từ hai ứng cử viên được cho là yếu thế hơn.
Quan điểm khác biệt
Trong những tranh luận về chính sách, các ứng cử viên có những quan điểm khá khác biệt.
Hai ứng cử viên Ishiba và Kishida cho rằng chính sách kinh tế cũng như chính sách đối ngoại của ông Thủ tướng Abe Shinzo có nhiều điểm hạn chế cần khắc phục, nhưng là những điểm nào thì chưa đưa ra được. Trong khi đó, ông Suga nhấn mạnh sẽ kế thừa di sản cả về mặt đối nội lẫn đối ngoại mà Thủ tướng Abe đã thực hiện trong thời gian tại nhiệm. Ông Suga không đề cập nhiều tới chính sách Abenomics, mà ông tập trung vào duy trì, tạo công ăn việc làm, tái khởi động hoạt động bình thường của các doanh nghiệp vì dịch covid-19 vẫn có xu hướng lây lan và chưa biết khi nào dừng lại.
Ông Suga lại cho rằng quan điểm ngoại giao của hai ứng cử viên trên là thiếu kinh nghiệm ngoại giao và tầm nhìn lâu dài. Ông khẳng định bản thân ông trong 7 năm 8 tháng qua, với tư cách là Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản ông đã tham gia vào nhiều sự kiện ngoại giao quan trọng, ví dụ như thăm Mỹ năm 2019, dự Hội đàm cấp cao Nhật-Mỹ…, vì vậy ông biết cần phải làm gì trong bối cảnh hiện tại nhằm thúc đẩy quan hệ ngoại giao giữa Nhật Bản với các nước vì lợi ích quốc gia.
Cũng có dư luận cho rằng có thể ông Suga sẽ đưa ra một chính sách mới để thúc đẩy kinh tế phát triển có tên gọi Suganomics thay thế cho Abenomics nhưng có dựa trên những căn bản của Abenomics hay không thì chưa rõ.
Có thể ông Suga chưa có nhiều thực tế trong việc thực thi các chính sách, nhưng trong các đợt cải cách Nội các trước đó, không đơn giản ông Abe Shinzo luôn tin tưởng và giữ ông Suga lại liên tiếp với chức Chánh văn phòng Nội các. Điều này chứng tỏ, ông Suga có tác động nhiều đến việc thực thi chính sách của ông Abe trong nhiều lĩnh vực.
Tuy nhiên, việc đối mặt với đại dịch Covid-19, và nền kinh tế suy thoái trầm trọng do dịch bệnh là vấn đề lớn cần có thời gian cùng với chính sách hiệu quả. Từ góc độ đó, có lẽ nếu ông Suga trở thành Thủ tướng sẽ là người kế thừa mạnh mẽ những chính sách của ông Abe đã thực hiện trước đó. Còn 2 ứng cử viên còn lại sẽ cải cách một số điểm chưa được trong chính sách của ông Abe.
Kế thừa di sản Abe là khôn ngoan?
Phải thừa nhận rằng ông Abe là người luôn chủ động và tích cực trong hoạt động ngoại giao. Ông đã thiết lập được mối quan hệ thân thiết mang tính cá nhân với nhiều nhà lãnh đạo trên thế giới, trong đó có Bộ Tứ Kim Cương gồm Mỹ, Australia, Ấn Độ. Đây là điều ít nhà lãnh đạo trên thế giới nào làm được cho đến nay.
Trong chính sách đối ngoại luôn đưa hai chủ đề mang tính chiến lược để giải quyết đó là ngăn chặn phát triển hạt nhân của Triều Tiên và mối đe dọa lâu dài từ Trung Quốc, điều mà Mỹ cùng quan điểm và đang nỗ lực giải quyết. Điều đó đã làm nên một mối quan hệ đặc biệt giữa ông với Tổng thống Mỹ Donald Trump. Thủ tướng Ấn Độ và Thủ tướng Australia cũng thừa nhận có quan hệ thân thiết với Thủ tướng Abe. Do đó, dư luận cho rằng đó là một “ma thuật” của ông Abe trong chính sách ngoại giao.
Trong mối quan hệ thương mại quốc tế, ông Abe đã tránh phê phán Tổng thống Mỹ Donald Trump không tham gia vào Hiệp đính đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), nhưng vẫn tích cực vận động để có thể lập TPP11 (trừ Mỹ), ký kết Hiệp định đối tác kinh tế (EPA) với Liên minh Châu Âu (EU). Bên cạnh đó, duy trì thể chế thương mại tự do với thế giới, nỗ lực xúc tiến xây dựng quy tắc kinh tế khu vực trong đó ưu tiên gắn kết với Mỹ.
Vì vậy, nếu chính quyền mới của Nhật Bản không thừa kế những hiệu quả mà chính quyền Abe đã thực hiện, thì việc gắn kết tiếp tục với chính quyền Mỹ hay nhiều quốc gia khác cũng gặp phải trở ngại lớn. Nhiệm kỳ còn lại của ông Abe chỉ còn 1 năm, nên ứng cử viên nào sau khi trở thành Thủ tướng nếu kế thừa di sản của ông Abe sẽ là bước đi khôn ngoan, còn vội vàng cải cách thì chưa chắc đã có thành công. Thậm chí, kế thừa sẽ là điểm cộng cho chức vụ Thủ tướng tiếp cả ở nhiệm kỳ mới bắt đầu từ tháng 9/2021./.
Từ khóa:
Thể loại: Thế giới
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN