Kế sách bảo vệ hòa bình, giữ cho "trong ấm, ngoài êm"

Cập nhật: 12/01/2024

VOV.VN - Chiến lược Bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới xác định, trong quan hệ đối ngoại cần phải nỗ lực thúc đẩy hợp tác, giảm bất đồng, xung đột để đạt lợi ích cao nhất trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đây được coi là ưu tiên hàng đầu để chúng ta có thể huy động được sức mạnh thời đại cho nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.

Tại Hội nghị Trung ương 8 khoá XIII, Đảng ta đã ban hành Nghị quyết số 44 về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Theo đó, Đảng ta khẳng định: Thực hiện phương châm "dĩ bất biến, ứng vạn biến"; Nắm chắc tình hình, phát hiện sớm và xử lý kịp thời, hiệu quả những yếu tố bất lợi, những nguy cơ gây đột biến. Đồng thời, sẵn sàng các phương án bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ. Đây cũng chính là những tư tưởng, định hướng lớn trong việc hoạch định những chủ trương, kế sách bảo vệ hoà bình, giữ vững chủ quyền lãnh thổ trong tình hình hiện nay.

Trao đổi với phóng viên VOV, Thiếu tướng, PGS-TS Vũ Cương Quyết, Viện trưởng Viện Chiến lược Quốc phòng (Bộ Quốc phòng) nhấn mạnh, bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ bao gồm: Vùng đất, vùng trời, vùng biển, thềm lục địa, trên không gian mạng. Đặc biệt phải bảo vệ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, lợi ích quốc gia dân tộc, bảo vệ khối đại đoàn kết toàn dân. Nghĩa là chúng ta không chỉ bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc mà còn phải giữ vững ổn định chính trị và môi trường hòa bình để xây dựng và phát triển đất nước.

PV: Cùng với việc xác định cần phải bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, Đảng ta cũng xác định phải giữ vững ổn định chính trị và môi trường hòa bình để xây dựng và phát triển đất nước. Vì sao Đảng ta lại đưa nhiệm vụ "giữ vững môi trường hoà bình" trở thành phương châm, mục tiêu trong Chiến lược Bảo vệ Tổ quốc?

Thiếu tướng Vũ Cương Quyết: Đảng ta đưa nhiệm vụ giữ vững môi trường hoà bình trở thành phương châm, mục tiêu trong Chiến lược Bảo vệ Tổ quốc là bởi trải qua các cuộc chiến tranh giải phóng và bảo vệ Tổ quốc, chịu rất nhiều đau thương, mất mát, chúng ta thấu hiểu giá trị của hòa bình, mong muốn duy trì và quyết tâm giữ vững hòa bình. Đối với dân tộc Việt Nam, hòa bình là giá trị thiêng liêng, là nền tảng cho sự phát triển ổn định.

Việc giữ vững môi trường hòa bình là điều kiện tiên quyết để nước ta phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân, xây dựng đất nước phát triển phồn vinh và hạnh phúc, tạo nền tảng để bảo vệ vững chắc Tổ quốc.

PV: Như vậy, một nền hoà bình chỉ có thể được bảo đảm bền vững khi các nguy cơ gây chiến tranh, xung đột được triệt tiêu từ sớm, ngay từ khi nó có ý định nhen nhóm hình thành?

Thiếu tướng Vũ Cương Quyết: Đúng vậy, giữ vững môi trường hòa bình phải được tiến hành bằng mọi biện pháp phù hợp, không để đất nước xảy ra xung đột vũ trang hoặc là chiến tranh. Cần phải sử dụng các phương thức, biện pháp, giải pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế. Chủ động, tích cực tham gia các cơ chế đa phương để bảo vệ trực tiếp môi trường hòa bình, bảo vệ vị thế của đất nước, tạo thế chủ động về mặt chiến lược để ngăn chặn, đẩy lùi mọi nguy cơ, không để xảy ra xung đột vũ trang hoặc chiến tranh. Nhưng đồng thời phải chuẩn bị sẵn sàng giành thắng lợi, nếu xảy ra chiến tranh.

PV: Chiến lược Bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới xác định, trong quan hệ đối ngoại cần phải nỗ lực thúc đẩy hợp tác, giảm bất đồng, xung đột để đạt lợi ích cao nhất trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đây được coi là ưu tiên hàng đầu để chúng ta có thể huy động được sức mạnh thời đại cho nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc?

Thiếu tướng Vũ Cương Quyết: Có thể khẳng định, đây là một chủ trương hoàn toàn đúng đắn và được coi là ưu tiên hàng đầu, nhằm tranh thủ sức mạnh thời đại trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đó là, thông qua con đường ngoại giao, chúng ta tiếp tục xây dựng lòng tin chiến lược đối với các đối tác, hóa giải các mâu thuẫn, giảm thiểu các bất đồng trong các vấn đề liên quan đến chủ quyền lãnh thổ, đến lợi ích quốc gia, dân tộc. Thông qua quan hệ đối ngoại, chúng ta còn quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, của văn hóa Việt Nam với các nước, rồi mở rộng quan hệ hợp tác trên tất cả các lĩnh vực, nhất là về kinh tế văn hóa, khoa học kỹ thuật quốc phòng, an ninh. Đây chính là nguồn lực vật chất và tinh thần rất quan trọng, để đất nước ta phát triển nhanh, bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc.

PV: Nếu đối nội giữ cho "trong ấm" thì đối ngoại giữ cho "ngoài êm". Đây là hai công việc hệ trọng của một quốc gia. Điểm mới được xác định trong Nghị quyết số 44 về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới đó là cần phải có biện pháp chủ động thiết lập tuyến phòng thủ, tạo vành đai an ninh từ xa để bảo vệ vững chắc Tổ quốc. Theo Thiếu tướng, tuyến phòng thủ, vành đai an ninh từ xa ở đây được hiểu như thế nào?

Thiếu tướng Vũ Cương Quyết: Vành đai an ninh từ xa để bảo vệ vững chắc Tổ quốc là phải tạo được lòng tin, sự ủng hộ của các nước, các tổ chức quốc tế, nhân dân thế giới, nhất là các nước láng giềng, các nước trong khu vực, các nước lớn đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, để ngăn ngừa, đẩy lùi các nguy cơ thách thức từ xa; chủ động xây dựng về tiềm lực đối ngoại, tích cực trong việc hội nhập quốc tế sâu rộng. Thúc đẩy các mối quan hệ song phương đi vào chiều sâu ổn định, bền vững và lâu dài. Tích cực tham gia củng cố, xây dựng để định hình các cơ chế đa phương, luật pháp quốc tế, xây dựng và củng cố đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.

Giải quyết các vấn đề còn tồn tại liên quan đến biên giới, vấn đề trên biển bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế. Tích cực tham gia vào các cơ chế đa phương về quốc phòng, an ninh, các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc, rồi các vấn đề về hỗ trợ nhân đạo, tìm kiếm cứu nạn, cứu trợ thảm họa, hợp tác ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống, an ninh truyền thống, tạo dựng được niềm tin chiến lược. Tạo ra phên dậu vững chắc vành đai an ninh an toàn, để bảo vệ Tổ quốc.

PV: Đảng ta cũng luôn nhấn mạnh, phải luôn kiên định, kiên quyết và kiên trì trong đấu tranh bảo vệ lợi ích quốc gia dân tộc. Thiếu tướng Vũ Cương Quyết có thể phân tích rõ hơn về chủ trương này?

Thiếu tướng Vũ Cương Quyết: Kiên định, kiên quyết, kiên trì ở đây là kiên định với mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, kiên định với nền tảng tư tưởng Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định với đường lối quốc phòng toàn dân, đường lối chiến tranh nhân dân, kiên định vững vàng không hoang mang trước những khó khăn phức tạp.

Kiên quyết là kiên quyết đấu tranh không khoan nhượng, để bảo vệ lợi ích quốc gia dân tộc, bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ vùng trời, vùng biển đảo của Tổ quốc, kiên quyết giữ vững môi trường hòa bình và các thành quả cách mạng, kiên quyết giữ vững sự ổn định để xây dựng và phát triển đất nước, kiên quyết đấu tranh phòng, chống diễn biến hòa bình, bạo loạn lật đổ, đấu tranh với các vi phạm pháp luật tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và cơ hội chính trị, cục bộ, lợi ích nhóm hay sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa.

Chúng ta kiên trì vừa hợp tác vừa đấu tranh, giải quyết các vấn đề tranh chấp mâu thuẫn, bất đồng bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế; kiên trì bám sát thực tiễn địa bàn cơ sở để phát hiện ngăn ngừa, đẩy lùi từ sớm, từ xa mọi nguy cơ xung đột chiến tranh; kiên trì trong việc giáo dục, thuyết phục, cảm hóa người lầm đường lạc lối, kiên trì trong việc phòng ngừa đi đôi với nghiêm trị các hành vi vi phạm pháp luật chống phá đất nước và tuyệt đối không được nóng vội, không được chủ quan trong việc xử lý các vấn đề thuộc về lợi ích quốc gia, dân tộc.

PV: Xin cảm ơn Thiếu tướng.

Từ khóa: bảo vệ, tổ quốc,hòa bình,đối ngoại,chiến lược bảo vệ tổ quốc,quan hệ đối ngoại

Thể loại: Nội chính

Tác giả: trường giang/phát thanh quân đội

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập