Iran dỡ bỏ giới hạn phát triển hạt nhân, đáp trả trừng phạt của Mỹ

Cập nhật: 25/09/2019

VOV.VN - Tổng thống Iran Hassan Rouhani hôm qua (4/9) yêu cầu dỡ bỏ tất cả các giới hạn về nghiên cứu và phát triển hạt nhân.

Đây là bước thứ 3 giảm các cam kết hạt nhân của Iran theo thỏa thuận đạt được năm 2015, phản ứng trước các biện pháp trừng phạt mới nhất của Mỹ nhằm vào quốc gia Hồi giáo này. Bất chấp những bước đi đáp trả lẫn nhau giữa hai quốc gia, nhưng dư luận hi vọng cánh cửa đối thoại vẫn chưa khép lại, với tuyên bố của Tổng thống Mỹ Trump "mọi khả năng đều có thể xảy ra".

iran do bo gioi han phat trien hat nhan, dap tra trung phat cua my hinh 1
Iran đang sẵn sàng hành động nếu không được châu Âu hỗ trợ vượt trừng phạt Mỹ. Ảnh: Yahoo News/AFP.

Tổng thống Rouhani cho biết, từ ngày mai (6/9) Iran sẽ bắt đầu phát triển các máy li tâm để tăng cường hoạt động làm giàu urani. Theo Thỏa thuận hạt nhân đạt được với các cường quốc năm 2015, Iran được phép giữ các máy li tâm thế hệ đầu tiên, với số lượng hạn chế tại hai nhà máy điện hạt nhân. Nếu có được các máy li tâm tiên tiến hơn sẽ giúp Iran sản xuất các nguyên liệu cho khả năng chế tạo bom hạt nhân với tốc độc nhanh hơn.

Tổng thống Rouhani khẳng định, Iran sẽ đưa ra tất cả các bước đi cần thiết để bảo vệ quyền và lợi ích của nước này:“Tôi thông báo bước thứ 3 trong việc giảm cam kết hạt nhân của mình. Theo đó Tổ chức năng lượng nguyên tử Iran có nghĩa vụ ngay lập tức thúc đẩy các hoạt động mà vấn đề kĩ thuật yêu cầu trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển hạt nhân, từ bỏ tất cả các cam kết trong điều khoản nghiên cứu và phát triển theo Thỏa thuận hạt nhân. Chúng ta sẽ chứng kiến sự phát triển trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển máy li tâm, với các loại máy tiên tiến mới”.

Thông báo của Tổng thống Iran đưa ra ngay sau khi Mỹ tiếp tục nhằm vào quốc gia Hồi giáo này bằng các biện pháp trừng phạt mới. Chỉ trong vòng chưa đầy 1 tuần qua, Mỹ đã thông báo 3 vòng trừng phạt nhằm vào Iran. Trong thông báo mới nhất, Bộ Tài chính Mỹ đã đưa ra vào danh sách đen các thực thể, cá nhân và tàu liên quan đến hoạt động xuất khẩu dầu của Iran. Đặc phái viên của Bộ Ngoại giao Mỹ về vấn đề Iran ông Brian Hook khẳng định, việc liêp tiếp áp đặt trừng phạt nhằm vào Iran cho thấy lập trường của Mỹ tiếp tục gia tăng sức ép tối đa lên Iran,đồng thời cảnh báo sẽ có thêm các biện pháp trừng phạt mới trong thời gian tới.

Bất chấp việc hai bên đang đưa ra các bước đi đối đầu lẫn nhau nhưng vẫn có nhiều hi vọng về cánh cửa đàm phán không bị khép lại. Tổng thống Rouhani đã nhiều lần bác bỏ khả năng diễn ra cuộc gặp với nhà lãnh đạo Mỹ nếu không có biện pháp nới lỏng trừng phạt. Tuy nhiên, Tổng thống Trump hôm qua (4/9) vẫn để ngỏ khả năng có cuộc gặp Tổng thống Iran bên lề cuộc họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc trong tháng 9/2019.

“Mọi thứ đều có khả năng xảy ra. Iran muốn giải quyết vấn đề của họ và Iran đang phải đối mặt với nhiều khó khăn. Tuy nhiên họ có thể giải quyết vấn đề một cách nhanh chóng. Chúng ta có thể giải quyết trong 24 giờ và chúng ta cần phải chờ đợi xem điều gì sẽ xảy ra”, ông Trump nói.

Chờ đợi sự nhượng bộ và thỏa hiệp lẫn nhau giữa Mỹ và Iran vào thời điểm này là điều khó có thể xảy ra, nhưng dư luận vẫn hi vọng vào nỗ lực của các nước châu Âu, đặc biệt là Pháp trong việc cứu vãn thỏa thuận hạt nhân, cũng như giảm căng thẳng hiện nay. Tổng thống Pháp Emanuel Macron mới đây đưa ra một đề xuất về gói cho vay trị giá 15 tỉ USD cho Iran, đổi lại các cam kết của Iran tuân thủ thỏa thuận hạt nhân. Theo Tổng thống Rouhani, Iran và châu Âu đang tiến gần đến một thỏa thuận về cách thức giải quyết các vấn đề nóng hiện nay. Tuy nhiên, các quan chức Iran cũng cho rằng, thiện chí và thành ý của các nước châu Âu là chưa đủ mà cần phải thuyết phục Mỹ chấp nhận hợp tác để giải quyết cuộc khủng hoảng.

Mỹ hiện đang khá thận trọng với đề xuất của Pháp và Đặc phái viên của Mỹ về Iran Brian Hook hôm qua tuyên bố, Mỹ sẽ không cung cấp bất cứ miễn trừ hay nới lỏng trừng phạt nào để thúc đẩy kế hoạch của Pháp. Tổng thống Mỹ Trump trước đó có phản ứng khá tích cực với đề xuất, cho rằng có thể ủng hộ cơ chế này nếu Mỹ không phải đóng góp.

Thiếu vắng sự hợp tác của Mỹ sẽ đặt ra thách thức cho châu Âu nói chung và Pháp nói riêng, với sứ mệnh cứu vãn thỏa thuận hạt nhân trong thời hạn 2 tháng mà Iran đưa ra hôm qua. Một đoàn đại biểu do Bộ trưởng Tài chính Pháp dẫn đầu vừa kết thúc chuyến thăm Mỹ hôm qua (4/9) thừa nhận, nỗ lực ngoại giao của Pháp đưa ra tại G7 chưa hoàn thành và vẫn còn nhiều việc phải làm, đồng thời kêu gọi sự phản ứng tích cực của tất cả các bên liên quan để giảm căng thẳng./.

Từ khóa: Iran, chương trình hạt nhân, biện pháp trừng phạt, Mỹ, Tổng thống Iran Rouhani

Thể loại: Thế giới

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập