INF bị “xóa sổ”, Mỹ tuyên bố rảnh tay phát triển các loại tên lửa mới
Cập nhật: 25/09/2019
Gaza: cư dân thêm nỗi thống khổ trước mùa đông khắc nghiệt (25/11/2024)
Nhật Bản: nhiều địa phương báo động nguồn nước sinh hoạt ô nhiễm PFAS (25/11/2024)
VOV.VN - Bắt đầu từ ngày 2/8, Nga và Mỹ, hai cường quốc hạt nhân thế giới đã chính thức không còn chịu sự ràng buộc của Hiệp ước soát vũ khí quan trọng này.
Chính phủ Mỹ ngày 2/8 phát đi tín hiệu cho thấy, nước này sẽ đẩy nhanh việc phát triển các loại tên lửa thông thường, vài giờ sau khi chính thức rút khỏi Hiệp ước Các Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) ký với Nga năm 1987. Điều này cũng đồng nghĩa với việc một trong những biểu tượng lớn nhất cho sự kết thúc của Chiến tranh Lạnh đã chính thức bị xóa sổ, làm gia tăng những lo ngại về một cuộc chạy đua vũ trang nguy hiểm.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Tổng thống Nga Putin. Ảnh: Daily Express |
Sau 6 tháng đối thoại “không đi đến đâu” và những chỉ trích lẫn nhau vi phạm Hiệp ước Các Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF), bắt đầu từ ngày 2/8, Nga và Mỹ, hai cường quốc hạt nhân thế giới đã chính thức không còn chịu sự ràng buộc của cơ chế kiểm soát vũ khí quan trọng này.
Cũng giống như mọi lần trước đó, hai nước lại tiếp tục cáo buộc lẫn nhau phải chịu trách nhiệm về sự đổ vỡ của văn kiện.
Chính quyền Mỹ cho rằng, Nga trong những năm vừa qua đã tăng cường năng lực quân sự của mình theo một cách không phù hợp với INF, liên quan tới các loại tên lửa có tầm bắn từ 500-5.500 km và trong những năm 1980 từng cho phép loại bỏ hoàn toàn các tên lửa SS20 của Nga và Pershing của Mỹ. Theo Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper, với việc chính thức rút khỏi Hiệp ước, Bộ Quốc phòng sẽ có thể tự do theo đuổi việc phát triển các loại tên lửa thông thường phóng từ mặt đất và xem đây là sự đáp trả khôn ngoan trước những hành động của Nga.
Nga ngay lập tức có phản ứng khi cáo buộc Mỹ đã “phạm phải một sai lầm nghiêm trọng” và gây ra “cuộc khủng hoảng khó lòng có thể vượt qua”. Nước này cũng một lần nữa đề xuất một lệnh đình chỉ việc triển khai các loại vũ khí tầm trung, một yêu cầu mà Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã bác bỏ.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg khẳng định, các nước phương Tây không muốn một cuộc chạy đua vũ trang mới. Song những tín hiệu mà cả Nga và Mỹ phát đi đã làm gia tăng những lo ngại, đặc biệt là tại châu Âu.
“Các nước đồng minh vẫn kiên quyết bảo vệ hệ thống kiểm soát vũ khí quốc tế, giải trừ vũ khí và không phổ biến vũ khí một cách hiệu quả. Chúng tôi không muốn một cuộc chay đua vũ trang mới và cũng không có ý định triển khai các tên lửa trên mặt đất mới tại châu Âu”, ông Stoltenberg nói.
Vốn được biết đến là một trong những quốc gia trung lập đi đầu trong Chiến tranh Lạnh, Chính phủ Áo ngày 2/8 bày tỏ lo ngại về mối đe dọa “lơ lửng” đối với châu Âu và kêu gọi Nga, Mỹ cam kết “ tự nguyện” không triển các tên lửa hạt nhân tầm trung tại châu lục.
Chính phủ Pháp thì cho rằng, sự kết thúc của INF làm gia tăng nguy cơ bất ổn tại châu Âu và làm xói mòn hệ thống quốc tế về kiểm soát vũ khí.
Rất nhiều cuộc thảo luận giữa Nga và Mỹ đều không mang lại kết quả. Cả hai đều có những lý do mà họ cho là chính đáng để rút khỏi văn kiện. Bộ Quốc phòng Mỹ muốn “rảnh tay” để hiện đại hóa kho vũ khí của mình nhằm đối phó với Trung Quốc, mà nước này luôn coi là một mối đe dọa an ninh.
Theo Tổng thống Mỹ Donald Trump, cả Trung Quốc và Nga cần phải tham gia vào một thỏa thuận kiểm soát vũ khí “thế hệ kế tiếp” toàn diện hơn. Tuy nhiên, Trung Quốc vào giai đoạn hiện nay không mấy quan tâm tới một đề xuất như thế. Trong một phản ứng ngày hôm qua, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã bày tỏ lấy làm tiếc về quyết định của Mỹ.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh nhấn mạnh: “Trung Quốc vô cùng lấy làm tiếc và kiên quyết phản đối quyết định của Mỹ rút khỏi INF bất chấp sự phản đối của cộng đồng quốc tế. Đây là một bước đi tiêu cực khác của Mỹ nhằm theo đuổi chủ nghĩa đơn phương bất chấp các cam kết quốc tế nhằm rũ bỏ các ràng buộc quốc tế.”
Hiện nay thỏa thuận hạt nhân song phương duy nhất còn hiệu lực giữa Nga và Mỹ là Hiệp ước cắt giảm và hạn chế vũ khí tấn công chiến lược (START).
Theo chuyên gia phân tích Nga Alexandre Saveliev, những cơ hội nhằm gia hạn văn kiện này là rất thấp. Trong những diều kiện như hiện nay, không còn gì để hạn chế cuộc chay đua vũ khí hạt nhân mới giữa Mỹ và Nga. Nếu chính quyền Tổng thống Donald Trump tới nay vẫn cam kết không triển khai các tên lửa hạt nhân mới tại châu Âu, thì nước này lại không có bất kỳ hứa hẹn nào về việc triển khai các loại vũ khí thông thường./.
Từ khóa: INF, Hiệp ước hạt nhân, cường quốc hạt nhân, kiểm soát vũ khí,
Thể loại: Thế giới
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN