Indonesia cân nhắc chính sách phong tỏa để ngăn dịch Covid-19

Cập nhật: 16/03/2020

VOV.VN - Chính phủ Indonesia đã cân nhắc về mặt thuận và không thuận khi tiến hành phong tỏa để ngăn ngừa dịch Covid-19 đang hoành hành trên thế giới.

Dịch Covid-19 bùng phát trên toàn thế giới. Tổ chức Y tế Thế giới đã công bố Covid-19 là đại dịch toàn cầu. Để ngăn ngừa sự lây lan và kiểm soát dịch bệnh, một số quốc gia như Italy, Đan Mạch đã tiến hành phong toả diện rộng. Tại Indonesia, số lượng các ca mắc Covid-19 tăng nhanh kể từ đầu tháng 3, khiến đất nước này đứng trước lựa chọn có phong toả đất nước hay không.

indonesia can nhac chinh sach phong toa de ngan dich covid-19 hinh 1
Số ca mắc Covid-19 tăng nhanh tại Indonesia (Nguồn : RRI)

Mặc dù phải sau 3 tháng kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát tại Vũ Hán (Trung Quốc), Indonesia mới ghi nhận ca dương tính đầu tiên, song số ca mắc Covid-19 tại Indonesia không ngừng tăng lên trong những ngày gần đây. Tính đến ngày 15/3, số ca mắc bệnh đã lên tới 117 trường hợp, trong đó có 5 người chết và 8 người hồi phục. Bộ trưởng Giao thông Vận tải Indonesia, ông Budi Karya Sumadi là quan chức cao cấp đầu tiên trong Chính phủ dương tính với Covid-19 và là bệnh nhân thứ 76 nhiễm virus này ở Indonesia. Ngay lập tức sau đó, Tổng thống Indonesia cùng các Bộ trưởng trong Nội các của ông cũng phải đi xét nghiệm Covid-19.

Dịch bệnh đã lây lan ra khắp các tỉnh thành trên toàn Indonesia. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến nghị Indonesia ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia để ứng phó với đại dịch toàn cầu. Chính phủ Indonesia mới đây cũng đưa ra nhiều biện pháp để ngăn chặn dịch bệnh, trong đó có việc yêu cầu người dân học tập, làm việc và cầu nguyện tại nhà. Một lực lượng phản ứng nhanh với Covid-19 có sự tham gia của các bộ, ban, ngành, cùng quân đội và cảnh sát do Cơ quan quản lý thảm hoạ quốc gia dẫn đầu với sự chỉ huy trực tiếp của Tổng thống Indonesia đã được thành lập.

Chính quyền nước này cũng đã chuẩn bị hơn 100 bệnh viện xử lí dịch Covid-19 và yêu cầu Bộ y tế phối hợp với các bệnh viện để cải thiện cơ sở chăm sóc sức khỏe, dịch vụ xét nghiệm Covid-19 cũng như tăng cường nỗ lực điều trị cho các bệnh nhân. Tuy nhiên, những biện pháp này dường như vẫn chưa làm yên lòng dân chúng.

Nhu cầu phong tỏa là có thật

Chỉ trong vòng hơn một tháng nữa, đất nước Hồi giáo với số dân đông nhất thế giới này sẽ bước vào tháng ăn chay Ramadan và kỉ niệm ngày lễ lớn Eid-al Fitri. Các buổi cầu nguyện tập trung diễn ra từ trong tháng này và các chuyến trở về quê của người dân để ăn mừng ngày lễ lớn Eid-al Fitri của người Hồi giáo sẽ gây ra nguy cơ lây lan virus trên khắp Indonesia. Chưa kể, bất chấp việc Covid-19 đang lây lan nhanh chóng, nhưng người dân Indonesia vẫn tổ chức các cuộc biểu tình chống Luật lao động tại nhiều tỉnh thành trên cả nước. Do vậy việc phong toả sớm là rất cần thiết. Hiện nay, Indonesia mới chỉ ở giai đoạn lây nhiễm đầu tiên, nếu không có các bước di chuyển nhanh nhất thì sẽ khó có thể kiểm soát tình hình.

indonesia can nhac chinh sach phong toa de ngan dich covid-19 hinh 2
Tổng thống Indonesia yêu cầu người dân học tập, làm việc, cầu nguyện tại nhà (Ảnh chụp màn hình)

Bên cạnh đó, dịch Covid-19 đã lên lan ra 117 quốc gia, nhưng Indonesia mới chỉra lệnh cấm nhập cảnh và quá cảnh đối với công dân có lịch sử di chuyển trong vòng 14 ngày từ các nước Iran, Italy và Hàn Quốc. Như vậy, các quốc gia khác vẫn có nguy cơ mang mầm bệnh tới đất nước này.

Cựu Phó Tổng thống Indonesia, Jusuf Kalla nhận định: Mỗi ngày mức tăng số ca nhiễm Covid-19 tại Indonesia là 30%, mức khỏi chỉ là 10%. Nếu như Indonesia không thực hiện việc phong toả, thì chắc chắn sự lây lan Covid-19 sẽ tiếp tục tăng nhanh và có thể sẽ rơi vào tình trạng giống như Iran, Hàn Quốc hay Italy hiện nay.

Tại Jakarta, thành phố với hơn 9 triệu dân đang có số ca mắc Covid-19 nhiều nhất, Thống đốc Anies Baswedan đã tạm ngừng tất cả các hoạt động học tập, làm việc, vui chơi giải trí và tụ tập đông người. Ông kêu gọi người dân không trở về quê cho tới khi dịch bệnh được kiểm soát để tránh sự vô tình mang virus phát tán ra những nơi khác, không thực hiện các tiếp xúc gần và chú ý trong việc giữ gìn vệ sinh. Thống đốcAnies Baswedan cũng yêu cầu tất cả cư dân Jakarta không rời khỏi nhà trừ khi có trường hợp cấp bách. Không nhắc đến từ “phong toả” song theo Thống đốc Jakarta, thành phố này cần phải được “đóng cửa.”

Nếu phong tỏa thì phải ở mức nào?

Chuyên gia về bệnh cận nhiệt đới Indonesia, ông Erni Nelwan cho rằng khóa cửa thành phố thực sự có hiệu quả trong việc ngăn chặn sự lây lan của Covid-19 vì số lượng cư dân được kiểm tra và điều trị có xu hướng không đổi. Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo rằng việc phong toả sẽ ảnh hưởng đến đất nước và cuộc sống người dân, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế. Ông đề xuất chỉ phong toả khi số lượng người mắc dịch đủ lớn.

indonesia can nhac chinh sach phong toa de ngan dich covid-19 hinh 3
Bản đồ lây lan Covid-19 tại Jakarta ngày 12/3/2020 (Nguồn : IDN Times)

Trong khi đó, thành viên các đảng PAN, Đảng công lý thính vượng, Đảng dân chủ, Phòng thương mại công nghiệp Indonesia, và cộng đồng người dân đãlên tiếng yêu cầu chính phủ phong toả đất nước ngay lập tức để hạn chế số người ra vào đất nước, chí ít là tại các điểm nóng của Covid-19 như Jakarta hoặc Bali. Theo Trưởng phòng Thương mại và Công nghiệp Indonesia, ông Kadin Rosan Roeslani, mặc dù chính phủ đã yêu cầu cán bộ nhân viên làm việc tại nhà, tuy nhiên, không phải tất cả các ngành nghề đều có thể tận dụng cách làm việc online này. Do vậy phong toả đất nước là biện pháp hữu hiệu nhất để giảm thiểu sự lây lan Covid-19 và bảo vệ người lao động.

Câu trả lời từ chính phủ Indonesia

Trước những ý kiến đề xuất việc phong toả đất nước, Tổng thống Indonesia cho rằng, đây không phải là lựa chọn của quốc gia này. Theo Tổng thống Joko Widodo, một số quốc gia đã sớm xuất hiện dịch bệnh và thực hiện chính sách phong toả song đã có những hậu quả đáng tiếc xảy ra. Trong khi đó một số quốc gia khác không phong toả nhưng đã đưa ra những chính sách rất nghiêm ngặt để ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19.

Nhà lãnh đạo quốc đảo nhấn mạnh, không cần thiết phải đưa ra biện pháp phong toả Indonesia chỉ vì các quốc gia khác cũng làm như vậy. Tuy nhiên, Tổng thống Indonesia cũng thừa nhận virus không phân biệt biên giới hay quốc gia, sự lây lan của virus này là rất nhanh chóng. Chỉ trong 1 tuần đã có hơn 117 quốc gia bị mắc dịch Covid-19. Người đứng đầu quốc đảo khẳng định sẽ tiếp tục phối hợp với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và tham khảo ý kiến chuyên gia để đưa ra các biện pháp hợp lý nhất.

Phát ngôn viên chính phủ đặc trách về Covid-19, ông Achmad Yurianto cũng cho biết, dù số bệnh nhân bị mắc Covid-19 tại Indonesia gia tăng, tuy nhiên thay vì phong toả đất nước, Indonesia sẽ tăng cường phát hiện sớm các nguồn lây bệnh và cách ly kịp thời. Việc quyết định phong toả đất nước hay không cần được xem xét một cách cẩn thận trên tất cả các lĩnh vực, nó không chỉ đơn thuần là vấn đề sức khoẻ.

Ông cũng dẫn chứng trường hợp của du thuyền Diamon Princess ở Nhật Bản để chứng minh rằng phong toả không phải là là một biện pháp tốt nhất. Hay như Hàn Quốc, việc phong toả sẽ khiến cho việc kiểm soát dịch bệnh trở nên khó khăn hơn. Thêm nữa, phát ngôn viên chính phủ Indonesia đặc trách về Covid-19 cũng cho rằng Indonesia là một quốc gia độc lập, do vậy chính phủ nước này sẽ chỉ giới hạn các hoạt động cộng đồng và để cho người dân tự lựa chọn hành động phù hợp chứ không phải tìm cách “xiềng xích” người dân. Mọi chính sách đưa ra sẽ được tính toán hết sức thận trọng và thay đổi linh hoạt phù hợp với tình hình./.

Từ khóa: Covid-19, Indonesia, phong tỏa hay không, cân nhắc biện pháp đối phó, khống chế dịch

Thể loại: Văn hóa - Giải trí

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập