
IAEA tiến hành thanh sát chương trình hạt nhân Iran như thế nào?
Cập nhật: 5 giờ trước
VOV.VN - Điều gì sẽ xảy ra khi một quốc gia muốn phát triển chương trình năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình? Trước hết, mọi chương trình như vậy đều bắt đầu bằng một cam kết không theo đuổi vũ khí hạt nhân, được thực hiện thông qua việc tham gia Hiệp ước Không phổ biến Vũ khí Hạt nhân (NPT).
Khi một quốc gia ký kết NPT, họ chấp nhận trao quyền cho Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) – cơ quan giám sát hạt nhân của Liên Hợp Quốc thực hiện vai trò thanh sát quá trình triển khai chương trình hạt nhân tại nước sở tại. Cơ quan này sử dụng các thiết bị giám sát công nghệ cao để cung cấp một chuỗi bằng chứng liên tục để chứng minh các hoạt động hạt nhân của quốc gia thành viên nằm trong giới hạn đã cam kết.
Các quy định trong NPT giới hạn việc làm giàu uranium ở mức thấp, đủ cho sản xuất điện nhưng không thể dùng để chế tạo vũ khí, và cấm việc chuyển đổi mục đích sử dụng các lò phản ứng hạt nhân dân sự. IAEA được quyền tiến hành thanh sát trực tiếp tại các cơ sở hạt nhân, bao gồm cả các chuyến kiểm tra đột xuất, không báo trước.
Việc thanh sát không dừng ở việc đối chiếu hồ sơ hay kiểm tra sổ sách. Các thanh tra viên được đào tạo để phát hiện những dấu hiệu bất thường, bao gồm những thứ nên có mà không thấy, hoặc không nên có mà lại xuất hiện. Khi không có mặt trực tiếp, IAEA vẫn giám sát từ xa bằng hệ thống thiết bị hiện đại: camera giám sát 24/7, niêm phong chống giả mạo, cảm biến theo dõi bức xạ và hệ thống thu thập dữ liệu theo thời gian thực, tất cả cùng hoạt động như một mạng lưới phòng tuyến nhằm bảo đảm tính minh bạch và ngăn chặn sự chuyển hướng bí mật sang mục đích quân sự.
Hệ thống thanh sát và giám sát của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) không chỉ là cơ chế kiểm tra hành chính, mà là một bộ công cụ kỹ thuật tinh vi được thiết kế để phát hiện sớm mọi nỗ lực chuyển hướng chương trình hạt nhân dân sự sang mục đích quân sự.
Trung tâm của hệ thống này là một loạt biện pháp kết hợp: giám sát tại chỗ, theo dõi vật liệu hạt nhân, phân tích dữ liệu phức hợp và lấy mẫu môi trường với độ chính xác cực cao. Các thanh tra viên không chỉ là quan chức giám sát, họ là những nhà hóa học, vật lý, kỹ sư hạt nhân – những người được huấn luyện để “đọc vị” những sai lệch nhỏ nhất trong các cơ sở hạt nhân.
Công việc của họ thường đòi hỏi phải di chuyển hàng km qua các hành lang sâu trong lòng cơ sở, mang theo thiết bị chuyên dụng để kiểm tra từng chi tiết: đếm các thanh nhiên liệu đã qua sử dụng trong bể làm mát, xác thực tình trạng của các niêm phong chống phá hoại trên máy ly tâm – nơi uranium được làm giàu.
Chính qua quá trình như vậy, vào tháng 4/2021, IAEA đã đưa ra bằng chứng cho thấy Iran đã đẩy mức làm giàu uranium từ 5% – phù hợp cho sản xuất điện – lên tới 60%, chỉ còn cách mức vũ khí 90% một bước ngắn. Bằng cách phân tích dữ liệu từ các máy ly tâm được giám sát chặt chẽ, các thanh tra viên đã phát hiện việc uranium đang được nạp vào các máy ly tâm thế hệ mới, vi phạm nghiêm trọng các giới hạn đã cam kết.
Tại các cơ sở làm giàu uranium hay xử lý plutonium, hệ thống camera giám sát mạch kín hoạt động liên tục, theo dõi mọi chuyển động và ghi lại dấu hiệu của các vật liệu không được khai báo hoặc các hoạt động "hậu kỳ" không đúng quy trình. Niêm phong chống giả mạo được đặt tại các điểm then chốt, như van khí uranium hay trục máy ly tâm, nhằm bảo đảm không có hành vi can thiệp lén lút.
Một lớp bảo vệ tiên tiến khác là thiết bị giám sát làm giàu trực tuyến, cho phép thanh tra viên truy cập dữ liệu thời gian thực bên trong máy ly tâm, nhằm phát hiện mọi thay đổi trong thông số làm giàu so với mức đã khai báo.
Tuy nhiên, công nghệ vẫn không thay thế được con người. Khi thanh tra viên có mặt tại hiện trường, họ tiến hành thu thập các mẫu bụi, hạt vật liệu hạt nhân trên bề mặt hoặc trong không khí – những mẫu có thể tiết lộ liệu uranium có đang được làm giàu vượt ngưỡng hay không, hoặc dấu vết của plutonium – chất không được sử dụng trong nhà máy điện nhưng có thể được sản xuất bí mật trong lò phản ứng.
Chỉ một hạt nhỏ hơn bụi cũng đủ để cho biết mức độ làm giàu. Các mẫu này được gửi tới phòng thí nghiệm của IAEA, nơi các nhà khoa học sử dụng thiết bị phân tích cực nhạy như máy quang phổ khối để xác định chính xác thành phần và cấp độ làm giàu uranium. Quá trình này tuy mất vài ngày hoặc vài tuần nhưng độ tin cậy gần như tuyệt đối.
Ngày 28/6, Iran tuyên bố chấm dứt hợp tác với Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), đánh dấu một bước ngoặt nghiêm trọng trong giám sát chương trình hạt nhân của nước này. Tất cả các thiết bị giám sát, bao gồm camera an ninh tại các sảnh chứa máy ly tâm, đã bị tháo dỡ. Động thái này diễn ra không lâu sau khi IAEA công bố thông tin cho thấy hoạt động làm giàu uranium của Iran đã vượt xa các mức giới hạn trong thỏa thuận quốc tế.
Hiện nay, Iran đang vận hành các máy ly tâm tiên tiến thế hệ mới, chẳng hạn như IR-6 và IR-9 – những thiết bị có thể tăng tốc độ và hiệu quả làm giàu uranium lên mức gần cấp độ vũ khí. Không còn quyền tiếp cận trực tiếp, IAEA và rộng hơn là các bên giám sát, đã mất khả năng đánh giá mức độ tích lũy uranium ở cấp độ vũ khí, cũng như không thể xác định liệu Iran có đang cải tạo các cơ sở cho mục đích quân sự hay không.
Một trong những cơ sở gây nhiều lo ngại là Khu phức hợp hạt nhân Arak, nơi đặt Lò phản ứng Nghiên cứu Nước Nặng IR-40 – một thiết bị có tiềm năng sản xuất plutonium, một loại vật liệu hạt nhân có thể dùng cho vũ khí.
Theo thỏa thuận Kế hoạch Hành động Toàn diện Chung (JCPOA), lò Arak đã từng được cải tạo để giảm khả năng sản xuất plutonium cấp vũ khí. Tuy nhiên, JCPOA hiện không còn hiệu lực, và mọi đảm bảo đi kèm cũng đã suy yếu. Vào tháng 6 năm 2025, trong một diễn biến quân sự mới, Israel tiến hành tấn công tên lửa vào Arak, với mục tiêu loại bỏ tiềm năng sản xuất plutonium tại đây.
Năm 2009, Triều Tiên trục xuất tất cả thanh sát viên IAEA, và chỉ vài năm sau, nước này đã tái khởi động toàn bộ chương trình vũ khí hạt nhân, bao gồm cả làm giàu uranium và sản xuất plutonium tại tổ hợp Yongbyon. Từ đó đến nay, thông tin quốc tế về chương trình hạt nhân của Triều Tiên chỉ dựa vào các công cụ gián tiếp: ảnh vệ tinh, đo phóng xạ trong khí quyển (như các dấu vết của khí xenon), hoặc dữ liệu địa chấn do các vụ thử hạt nhân tạo ra.
Các công cụ bảo vệ của IAEA, từ camera giám sát, thiết bị đo bức xạ, lấy mẫu môi trường, đến kiểm kê vật liệu, chỉ phát huy hiệu quả khi được sử dụng đồng thời và liên tục. Không có một phương pháp đơn lẻ nào có thể vẽ nên toàn cảnh chương trình hạt nhân của một quốc gia. Mất một yếu tố như quyền thanh sát tại chỗ cũng đủ để làm suy yếu toàn bộ hệ thống giám sát.
Hệ thống bảo vệ hiện hành của IAEA không chỉ nhằm phát hiện vi phạm, mà còn có tác dụng răn đe. Tuy nhiên, sự răn đe chỉ hiệu quả nếu việc giám sát là liên tục và đầy đủ. Một khi thanh sát viên không còn hiện diện, khả năng khôi phục lại chuỗi xác minh về sau sẽ rất hạn chế, bởi việc tiếp cận trở lại không thể làm rõ những gì đã diễn ra trong thời gian quá trình thanh sát bị ngưng trệ.
Từ khóa: hạt nhân, iran, IAEA, vũ khí hạt nhân, lò phản ứng hạt nhân
Thể loại: Thế giới
Tác giả: diệp thảo/vov.vn (tổng hợp)
Nguồn tin: VOVVN