Hướng nghiệp bắt đầu từ THPT là quá muộn
Cập nhật: 10/10/2022
Cựu Chủ tịch NXB Giáo dục xin giảm nhẹ cho cấp dưới
Chuyển hồ sơ vụ xe lao xe Mercedes xuống biển Nha Trang sang cảnh sát điều tra
[VOV2] - 2.000 sinh viên vào trường nhưng 600 em không tốt nghiệp được. Đây là hệ quả của công tác hướng nghiệp - PGS.TS Nguyễn Quang Liệu, Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Khoa học xã hội & Nhân văn.
Giáo dục hướng nghiệp - khoảng trống mênh mông
Chỉ ra tầm quan trọng của công tác hướng nghiệp phù hợp với từng độ tuổi, PGS.TS Nguyễn Quang Liệu, Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Khoa học xã hội & Nhân văn ví dụ, sinh viên vào trường có 2000 em nhưng chỉ sau 1 năm học chỉ còn 1.700 em. “300 em nghỉ học không phải là những em học kém. Học hết năm 2 thì chỉ còn 1.500, hết 4 năm còn 1.400 em. 600 em không tốt nghiệp được. Đây là hệ quả của công tác hướng nghiệp”.
PGS.TS Trần Quang Liệu đánh giá “chọn đúng ngành nghề thì phát huy tối đa khả năng, chọn sai nguy hại không chỉ cho bản thân người học mà cả xã hội”. Ông lý giải nguyên nhân vì sao sinh viên ra trường thất nghiệp trong khi thị trường cần nhân lực mà không được đáp ứng vì công tác hướng nghiệp vẫn là khoảng trống mênh mông.
“Ai tư vấn cho các em? Có những gia đình biết nhưng có gia đình không biết, hướng nghiệp được phải có được số liệu thực tiễn, không phải áp đặt chủ quan, không phải chọn ngành này theo bố, theo mẹ. Đây là điều mà hiện nay chúng ta chưa làm được”.
Báo cáo của Tổng cục thống kê cho thấy, cơ cấu lao động thất nghiệp trình độ ĐH-CĐ năm 2020 chiếm 30.8%. Nguyên nhân theo PGS.TS Trần Thành Nam - Chủ nhiệm khoa Các Khoa học giáo dục, ĐH Giáo dục là do chọn nhầm nghề, học sai ngành, hướng nghiệp xã hội nhưng xa rời thực tiễn bối cảnh nghề nghiệp, không trang bị kỹ năng thái độ hội nhập được vào nghề nghiệp đó.
Hướng nghiệp từ THPT là quá muộn!
Sau đại dịch, chúng ta sống trong thế giới VUKA (Volatility, Uncertainty, Complexity, Ambiguity) đặc trưng bởi tính biến động, sự không chắc chắn, phức tạp và mơ hồ. Theo PGS.TS Trần Thành Nam, sống trong thế giới VUKA cần có kỹ năng để nhận biết xu hướng hướng nghiệp, ứng phó với sự không chắc chắn, có sự hiểu biết sâu bản chất của vấn đề, bản chất của hướng nghiệp, cần có quy trình rõ ràng, khung tổ chức hoạt động hướng nghiệp phổ thông theo lộ trình, tiến độ phát triển tâm lý.
“Thế giới thay đổi đòi hỏi phải trang bị cho các em sự linh hoạt, cho các em nhìn thấy thời điểm này quyết định nhưng 5-7 năm sau ra trường sẽ ra sao, 10 - 15 năm tới những ngành nghề nào phát triển, không phải triển. Có những ngành nghề nào tỉ lệ robot hóa. Đừng tưởng Công nghệ thông tin là “hot” vì lập trình viên 41% máy móc tự code thì các bạn cần có kỹ năng gì”.
Theo PGS. TS Nam cần có tầm nhìn, chọn 1 ngành ra thì phải làm được nhiều vị trí khác nhau, và để làm được tốt vị trí công việc cần học được kiến thức từ nhiều ngành.
“Hướng nghiệp không phải học cái gì mà học kỹ năng chung của công dân thế kỷ 21. Chúng ta chưa hiểu rõ, đặt mình vào góc nhìn vào nhà tuyển dụng để hướng nghiệp cho các em. Nhà tuyển dụng thấy mất quá nhiều thời gian tuyển nhân sự, tỉ lệ nghỉ việc cao do không hiểu đúng nghề. Thậm chí, tỉ lệ sinh viên ra trường mấy tháng có việc luôn nhưng một năm nhảy việc 4 lần thì chả nhà tuyển dụng nào thích tuyển người như vậy”.
Để công tác tư vấn hướng nghiệp hiệu quả, cần 3 yếu tố giáo dục hướng nghiệp bài bản, trải nghiệm hướng nghiệp thực tế và tư vấn hướng nghiệp hướng nghiệp chuyên nghiệp, giúp cho tất cả các bên liên quan biết được yêu cầu thế giới cần gì? Công dân thế kỷ 21 đáp ứng những trụ cột nào? Hiểu nhà tuyển dụng tương lai cần kiến thức, kỹ năng gì?
PGS.TS Trần Thành Nam cho rằng hiện có nhiều mô hình tư vấn hướng nghiệp nhưng phải dựa trên những mô hình đã được kiểm chứng. Đồng thời, hướng nghiệp bắt đầu từ bậc THPT là quá muộn.
Cùng quan điểm với PGS.TS Trần Thành Nam, PGS.TS Nguyễn Quang Liệu đánh giá công tác hướng nghiệp phải được bồi đắp theo từng giai đoạn từ Tiểu học, Trung học cho tới ĐH.
Khi hướng nghiệp phải cho các em biết mục tiêu của các em là gì, công tác hướng nghiệp phải phối hợp gia đình, nhà trường, xã hội để từ đó đưa ra lựa chọn trường ĐH phù hợp. Sau đó kết hợp hướng nghiệp với khởi nghiệp. Trường ĐH phải là nơi thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp cao.
Học sinh trải nghiệm nghiệm nghề nghiệp ở doanh nghiệp thế nào?
Cô Phan Thị Thu Hà, Phó hiệu trưởng Trường THPT Thái Thuận, Bắc Giang cho biết, hiện nhà trường đã tổ chức được ngày hội hướng nghiệp để mời các trường ĐH ở Hà Nội và các tỉnh lân cận về tư vấn tại chỗ cho HS.
Tại những ngày hội như vậy, phụ huynh cũng có thể hỏi ngành này học gì, ra trường làm gì? Tuy nhiên thông tin đến với HS và phụ huynh còn mù mờ.
“Nói các trường yêu cầu phụ huynh đồng hành nhưng phụ huynh không có kiến thức mà chỉ nghe lý thuyết, thành ra bố làm gì con làm nấy”.
Đánh giá về công tác hướng nghiệp hiện nay, cô Phan Thị Thu Hà, Phó hiệu trưởng Trường THPT Thái Thuận, Bắc Giang cho rằng vẫn chỉ dừng lại ở lý thuyết, “ mới làm được 50%”.
Theo cô Hà, ở nước ngoài có những mô hình trải nghiệm theo hình thức buổi sáng HS đi học, chiều trải nghiệm các ngành nghề, HS lớp 9 được vào sân bay xem hải quan làm việc thế nào, nhân viên ngân hàng làm việc thế nào. Sau 1-2 tháng, HS có trải nghiệm để biết ngành này có thú vị, phù hợp hay không. Cô Hà mong muốn Việt Nam cũng có thể triển khai được những mô hình như vậy”.
“Tôi mong bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp các Bộ ra cơ chế nào đó bắt buộc cơ quan, doanh nghiệp có chỗ đưa HS đến trải nghiệm. Sau 1 – 2 tháng chẳng cần nói nhiều, trẻ tự biết chọn nghề gì. Còn hiện chúng ta đang dừng ở lý thuyết”.
Tuy nhiên, PGS.TS Trần Thanh Nam cho rằng, trải nghiệm nghề nghiệp bối cảnh 4.0 có sự thay đổi vì nếu chỉ đi nhìn, rót nước thì cũng sẽ không thể hình thành kỹ năng nghề. “Không thể lúc nào cũng sáng đi học trên lớp, chiều đi trải nghiệm, cần có giải pháp khác. Chúng ta có thể trải nghiệm ảo, mỗi ngành nghề có video clip phụ huynh HS biết được nghề đó làm gì, môi trường ra sao, liệu có gặp khó khăn gì? Mặc dù đây là trải nghiệm lý thuyết nhưng sâu hơn trải nghiệm thực tế”.
Ông Nam ví dụ, chẳng hạn như dạy kế toán tài chính có ứng dụng lấy số liệu thị trường chứng khoán, đầu tư bằng tiền ảo, có thể đầu tư phân tích thoải mái, thua là thua tiền ảo nhưng bài học thật. Hoặc những trò chơi nhập vai nghề nghiệp để hiểu được cảm xúc, khó khăn của nghề nghiệp.
Nói về hướng nghiệp bằng trải nghiệm thực tế, ông Trần Phương - Phụ trách Phòng Nghiên cứu và Dự báo, Trung tâm Hỗ trợ Đào tạo và Cung ứng nhân lực TSC, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, có những ngành nghề đặc thù như lái tàu ngầm, đào tạo ban đầu qua mô phỏng, doanh nghiệp không phải lúc nào cũng sẵn sàng chia sẻ, thậm chí nhiều sinh viên sắp trở thành cử nhân, kỹ sư còn khó khăn khi liên hệ thực tập.
Tuy nhiên, có những nghề nghiệp hoàn toàn có thể trải nghiệm thực tế. Nếu HS có nhu cầu tư vấn chuyên sâu thì cần tạo điều kiện cho các em trải nghiệm. “Doanh nghiệp cần có những góc “open” (mở) để chào đón các em đến trải nghiệm nghề nghiệp”.
Ông Phương cho rằng, doanh nghiệp cần phải tham gia công tác hướng nghiệp vì SV chính là nhân lực của của các doanh nghiệp sau này. Doanh nghiệp bảo các em thiếu kỹ năng không phù hợp nhưng do không có môi trường hoàn thiện để trải nghiệm. Theo ông Phương, đừng coi đề xuất cho HS trải nghiệm doanh nghiệp là chuyện nhỏ. Các cơ quan quản lý, chuyên môn, các chuyên gia, đơn vị cơ sở, cần có ý kiến đánh động để cơ quan quản lý chia sẻ, giải quyết./.
Từ khóa: sinh viên, thực tập, hướng nghiệp, vov2
Thể loại: Giáo dục
Tác giả:
Nguồn tin: VOV2