Hướng đi mới của Làng nghề đóng xuồng, ghe ở Đồng Tháp

Cập nhật: 12/12/2022

(VOV5) -Hiện nay, sản phẩm xuồng, ghe thu nhỏ được nhiều du khách biết đến, không chỉ người dân ở các tỉnh, thành vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, Thành phố Hồ Chí Minh mà cả khách nước ngoài.

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Làng nghề đóng xuồng, ghe Bà Đài, xã Long Hậu, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp đã hơn 100 năm và được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịchcông nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia vào năm 2015.Đến với làng nghề đóng xuồng, ghe Bà Đài thời điểm này, tuy không còn cảnh nhộn nhịp như xưa nhưng vẫn còn hàng chục hộ tâm huyết tìm hướng đi mới để lưu giữ nghề truyền thống của cha ông.
Hướng đi mới của Làng nghề đóng xuồng, ghe ở Đồng Tháp - ảnh 1Những sản phẩm ghe thu nhỏ, được khách hàng trong và ngoài nước ưa chuộng, có nhiều loại giá khác nhau: có khi vài trăm ngànđồngnhưng cũng có khi vài triệu và có thể cao hơn nữa tùy vào chủng loại, kích cỡ. Ảnh: Phạm Hải/ VOV

Cách đây vài chục năm, giao thông đi lại khó khăn, phương tiện giao thương hàng hóa nông sản của người dân chủ yếu bằng đường thủy thì làng nghề đóng xuồng, ghe Bà Đài xã Long Hậu, huyện Lai Vung tấp nập ngày, đêm. Thời đỉnh điểm nơi đây có tới 220 hộ dân đóng xuồng, ghe cung cấp hàng chục ngàn sản phẩm mỗi năm để đáp ứng nhu cầu của người dân các tỉnh, thành vùng Đồng bằng Sông Cửu Long. Cùng với sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, vùng sông nước ngày nào giờ giao thông đi lại thuận tiện, việc vận chuyển hàng hóa nông sản đã chuyển sang xe ô tô, những xuồng, ghe khi xưa, giờ được thay bằng tàu bằng vỏ sắt hoặc composite nên đơn hàng đóng xuồng gỗ cũng ngày một thưa dần.

Cũng như nhiều thanh niên sinh ra và lớn lên ở rạch Bà Đài, ông Nguyễn Văn Tốt (Bảy Tốt) ở ấp Long Hưng 2, xã Long Hậu, huyện Lai Vung, gắn bó với nghề đóng xuồng, ghe từ năm 15 tuổi. Không chỉ để mưu sinh, nghề đóng ghe xuồng còn là niềm đam mê của ông Bảy Tốt. Ý thức được việc phải gìn giữ giá trị văn hóa của địa phương nhưng ông Tốt không khỏi băn khoăn vì làng nghề đang gặp nhiều khó khăn và dần mai một, nhiều hộ không trụ được, bản thân ông Tốt cũng đã phải dừng làm nghề một thời gian. Đầu tiên, ông đóng thử chiếc xuồng cui rạch (loại xuồng nhỏ dùng để đi giăng câu, giăng lưới trên đồng ruộng, kênh rạch) Bà Đài cho con tham gia cuộc thi sáng tạo trong trường học và đọat giải nhất. Sau đó, sản phẩm được nhiều người yêu thích, tìm mua. Những chiếc xuồng mini đã tạo ra sức hút mạnh ở các khu du lịch. Ngoài ra, chúng còn dùng để trưng bày hàng nông sản vừa bắt mắt vừa chân quê tại các hội nghị, hội chợ xúc tiến thương mại.

Chưa dừng lại, xuồng, ghe mini còn sang cả các nước phương Tây, sang Mỹ gợi nhớ ký ức tuổi thơ của bao Việt kiều xa xứ. Học tập ông, nhiều người ở đây bắt đầu làm theo. Ông Tốt chia sẻ: "Mới đầu đóng cho con đi thi thôi, rồi cơ duyên đẩy đưa với gắn kết với du lịch. Ghe khi phục vụ du lịch, hội chợ, được dùng để trưng bày sản phẩm bông, trái cây, ví dụ như xoài, quýt, thanh long, sầu riêng, dưa lưới, dưa lê này kia để quảng bá, trước là sản phẩm của tỉnh, sau đó là sản phẩm tiểu thủ công mỹ nghệ cả làng nghề, đưa lên để bạn bè nước ngoài người ta vô đặt."

Hướng đi mới của Làng nghề đóng xuồng, ghe ở Đồng Tháp - ảnh 2Tiên phong làm xuồng, ghe thu nhỏ đang giúp ông Bảy Tốt ổn định cuộc sống. Ảnh: Phạm Hải/ VOV

Theo ông Trần Văn Thanh, cán bộ văn hóa xã Long Hậu, huyện Lai Vung, làng nghề đóng xuồng, ghe Bà Đài giờ chỉ còn hơn 20 hộ, chủ yếu đóng phục vụ cho các khu, điểm du lịch để phục vụ nhu cầu giải trí.Trong định hướng phát triển làng nghề, xã Long Hậu đã thành lập một tổ để đóng xuồng, ghe thu nhỏ, đây là sản phẩm mới đang được thị trường đón nhận, du khách trong và ngoài nước đang rất quan tâm. Sở Văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh Đồng Tháp đã lên phương án quảng bá hoạt động và sản phẩm làng nghề đến thị trường trong và ngoài nước. Đồng thời, có chính sách đãi ngộ cho các nghệ nhân có công đóng góp xây dựng và phát triển làng nghề.

Ông Trần Văn Thanh cho biết thêm: "Xây dựng kế hoạch để phát triển và duy trì làng nghề, hiện nay chuyển qua đóng thủ công mỹ nghệ là chính, còn lại số cơ sở thì có đầu mối để mình đặt mình giao cho các tỉnh Bến Tre và một số nơi người ta có đặt hàng sẵn, mấy cơ sở có duy trì nhưng mà làm rất ít. Còn trước đây hầu như tới mùa nước, nhà nào cũng đều đóng hết, nói chung đóng cả ban ngày, ban đêm luôn mới kịp để giao."

Hiện nay, sản phẩm xuồng, ghe thu nhỏ được nhiều du khách biết đến, không chỉ người dân ở các tỉnh, thành vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, Thành phố Hồ Chí Minh mà khách nước ngoài cũng đã đặt mua để làm quà tặng. Sản phẩm cũng được bán với nhiều loại giá khác nhau, có khi vài trăm ngàn đồng nhưng cũng có khi vài triệu và có thể cao hơn nữa tùy vào chủng loại, kích cỡ và chất lượng gỗ. Tiên phong làm xuồng, ghe thu nhỏ đang giúp ông Bảy Tốt ổn định cuộc sống, theo đuổi đam mê với nghề đã gắn bó vài chục năm qua. Có lẽ, những sản phẩm thu nhỏ sẽ là hướng đi mới cho làng nghề Bà Đài hơn 100 năm, góp phần lưu giữ, phát triển làng nghề truyền thống và cũng như bảo tồn Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Từ khóa:

Thể loại: Đời sống

Tác giả:

Nguồn tin: VOV5

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập