"Huấn Hoa Hồng" và "sách" lậu, phát ngôn bừa bãi có bị xử lý hình sự?

Cập nhật: 29/04/2020

VOV.VN - Cá nhân được quyền phổ biến tác phẩm, bảo quyền tác giả, quyền liên quan, tuy nhiên việc xuất bản cần thực hiện theo đúng quy định về Luật xuất bản.

“Huấn Hoa Hồng" tên thật là Bùi Xuân Huấn, sinh năm 1985 tại Yên Bái. Từ năm 2015, Huấn nổi lên như một hiện tượng 'giang hồ mạng' với rất nhiều lượt theo dõi trên mạng xã hội cho các livestreamxoay quanh cuộc sống ăn chơi hằng ngày, thách thức chửi bới, gây gổ qua lại lẫn nhau giữa các đối tượng được gọi là giang hồ, hoặc bán hàng với thứ ngôn ngữ "ngổ ngáo". Tài khoản Facebook“Huấn Hoa Hồng”mới đây đã đăng tải thông báo về việc rao bán hai cuốn sách làĐệ nhất kiếm tiềnvàBí kíp kinh doanh online.

Trong bài viết “Sách của “Huấn Hoa Hồng” là tài liệu phát tán trái phép”, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, thuộc Bộ TT&TT,ông Nguyễn Nguyên đã khẳng định “Đệ nhất kiếm tiềnvàBí kíp kinh doanh online không phải là sách mà là một tài liệu phát tán trái phép. Cục Xuất bản, In và Phát hành cũng đã cho rà soát lại hệ thống các nhà xuất bản của Việt Nam và khẳng định không có nhà xuất bản nào có tên NXB SG. Hai là không có hai cuốn sách nào có tên "Bí kíp kinh doanh onlinevàĐệ nhất kiếm tiền" trong danh mục sách lưu chiểu cũng như danh mục kế hoạch đăng ký xuất bản được xác nhận.

Về vấn đề này, phóng viên VOV.VN đã có cuộc trao đổi với Luật sư Hà Huy Từ, Công ty Luật Hà Huy, Đoàn Luật sư TP Hà Nội về những vi phạm của tài liệu Đệ nhất kiếm tiềnvàBí kíp kinh doanh online do Bùi Xuân Huấn in và phát tán trái phép.

"huan hoa hong" va "sach" lau, phat ngon bua bai co bi xu ly hinh su? hinh 1
Luật sư Hà Huy Từ, Công ty Luật Hà Huy, Đoàn Luật sư TP Hà Nội.

PV: Thưa Luật sư, Đệ nhất kiếm tiền và Bí kíp kinh doanh online của "Huấn Hoa Hồng" được xác định là tài liệu in và phát tán trái phép chứ không phải là sách, vậy với vấn đề này sẽ bị xử phạt như thế nào?

Luật sư Hà Huy Từ: Một trong những điều quan trọng là phải xác định có đúng “Huấn Hoa Hồng” là người đã xuất bản các xuất bản phẩm đó hay không để xác định chính xác chủ thể vi phạm pháp luật. Theo quy định pháp luật, căn cứ tính chất, mức độ, cá nhân có hành vi vi phạm trong lĩnh vực xuất bản sẽ bị cơ quan chức năng xử lý về hành chính hoặc hình sự.

Về xử lý hành chính, tại Khoản 4, Khoản 5 Điều 19 Nghị định 159/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản quy định:“4. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: a) Xuất bản xuất bản phẩm không có xác nhận đăng ký xuất bản hoặc giấy phép xuất bản tài liệu không kinh doanh;b) Xuất bản xuất bản phẩm không có quyết định xuất bản;c) Không biên tập bản thảo; không ký duyệt bản thảo trước khi đưa in hoặc phát hành trên phương tiện điện tử; d) Xuất bản xuất bản phẩm trước khi có văn bản chấp thuận của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả theo quy định của pháp luật.” và bị “Tịch thu tang vật vi phạm hành chính”. Ngoài ra, người vi phạm còn có thể bị xử lý theo quy định tại Khoản 5, Khoản 6, Khoản 7 Điều 27 Nghị định số 159/2013/NĐ-CP: “5. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: a) Tàng trữ, phát hành xuất bản phẩm in, nhân bản lậu, in giả, in nối bản trái phép hoặc xuất bản phẩm không có hóa đơn, chứng từ thể hiện nguồn gốc hợp pháp từ 300 bản trở lên”; bị tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính và bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả “Buộc thu hồi hoặc tiêu hủy xuất bản phẩm, sản phẩm in không phải là xuất bản phẩm”, “buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được”.

Trong trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì người vi phạm có thể bị cơ quan chức năng xử lý theo quy định tại Bộ luật Hình sự.

Trường hợp tài liệu in của “Huấn Hoa hồng” như nói ở trên đã được phát hiện kịp thời và cơ quan chức năng đã có động thái vào cuộc tích cực nên những tác hại của việc này được phát hiện, ngăn chặn. Đây là “tiền lệ” rất quan trọng để giới trẻ cẩn trọng hơn, có ý thức hơn trong việc phát tán các tài liệu in, phát tán các tài liệu trên mạng xã hội. Cá nhân được quyền phổ biến tác phẩm và được bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan, tuy nhiên, việc xuất bản xuất bản phẩm cần thực hiện theo đúng quy định về luật xuất bản và các quy định pháp luật có liên quan. Người đọc nói chung cũng như người sử dụng mạng xã hội nói riêng, đặc biệt là giới trẻ cần tìm hiểu những xuất bản phẩm chính thống, có chiều sâu, được xuất bản đúng trình tự, quy định pháp luật, không nên đọc những tài liệu hời hợt, dễ dãi, không có nhiều kiến thức.

"huan hoa hong" va "sach" lau, phat ngon bua bai co bi xu ly hinh su? hinh 2
Đệ nhất kiếm tiềnvàBí kíp kinh doanh online không phải là sách mà là một tài liệu phát tán trái phép.

PV: Nội dung của tài liệu đang được kiểm định, nếu vi phạm vào nội dung cấm của Luật hình sự, vậy mức hình phạt dành cho “Huấn Hoa Hồng” cụ thể sẽ như thế nào?

Luật sư Hà Huy Từ: Trong trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng, buộc phải xử lý về hình sự thì người vi phạm có thể bị xử lý theo quy định tại điều 344 Bộ luật Hình sự về “Tội vi phạm quy định về hoạt động xuất bản”. Theo đó, người vi phạm bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm: a) Có tổ chức; b) Thay đổi, làm sai lệch nội dung bản thảo đã được ký duyệt hoặc bản thảo tài liệu không kinh doanh đã có dấu của cơ quan cấp giấy phép xuất bản để xuất bản bản thảo có nội dung bị cấm theo quy định của Luật xuất bản; c) Phát hành xuất bản phẩm có nội dung bị cấm theo quy định của Luật xuất bản”.

PV: Trang cá nhân của Huấn Hoa Hồng có 615k người thích, 849K người theo dõi, những buổi livestream trực tiếp thu hút lượng người theo dõi và comment rất đông. Nội dung mà Huấn Hoa Hồng nói trong livestream có những lời lẽ dung tục, không đúng với thuần phong mỹ tục của người Việt, điều này có bị truy cứu trách nhiệm hình sự về việc phát ngôn bừa bãi trên mạng xã hội, thưa Luật sư?

Luật sư Hà Huy Từ: Căn cứ tính chất, mức độ, đối với những livestream có những lời lẽ dung tục, không đúng với thuần phong mỹ tục của người Việt sẽ bị xử lý về mặt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Về xử lý hành chính, ngày 03/02/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định 15/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử. Đối với những livestream có những lời lẽ dung tục, không đúng với thuần phong mỹ tục của người Việt là vi phạm trách nhiệm sử dụng mạng xã hội, cần bị xử lý theo quy định pháp luật. Điểm a, điểm b Khoản 1 Điều 101 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP quy định: “1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện một trong các hành vi sau: a) Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; b) Cung cấp, chia sẻ thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc”. Trường hợp hành vi gây hậu quả nghiêm trọng, nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, đối tượng thực hiện có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm nhục người khác (Điều 155) hoặc Tội vu khống (Điều 156) theo quy định tại Bộ luật Hình sự.

"huan hoa hong" va "sach" lau, phat ngon bua bai co bi xu ly hinh su? hinh 3
Đối với những livestream có những lời lẽ dung tục, không đúng với thuần phong mỹ tục của người Việt là vi phạm trách nhiệm sử dụng mạng xã hội, cần bị xử lý theo quy định pháp luật.

PV: Giống như trường hợp Khá Bảnh, thì Huấn Hoa Hồng cũng đang có một lượng fan trẻ theo dõi rất đông. Những câu nói bậy bạ được nhiều người sử dụng như một thói quen trong cuộc sống, đây thật sự là một hiện tượng đáng báo động cho tầm văn hóa và ứng xử của giới trẻ.Vậy pháp luật có điều luật gì để ngăn chặn và xử lý hiện tượng này?

Luật sư Hà Huy Từ: Có thể nói vấn đề ứng xử văn hóa trên môi trường mạng xã hội hết sức quan trọng và cần thiết, có tính chất cấp bách trong xã hội thông tin hiện nay. Để quản lý, kiểm soát, ngăn chặn vấn đề này, các cơ quan chức năng của nước ta đã ban hành những văn bản quy phạm pháp luật như Bộ luật Hình sự, Luật an ninh mạng, Nghị định số 15/2020/NĐ-CP và một số văn bản quy phạm pháp luật khác. Lực lượng thực thi pháp luật cũng đã vào cuộc quyết liệt để xử lý những người đưa các thông tin xấu, độc hại, sai sự thật trên mạng xã hội. Tuy nhiên, xét về tổng thể, chỉ với sự tham gia vào cuộc của các cơ quan chức năng thì chưa đủ để “dẹp” thông tin xấu, độc trên mạng xã hội. Điều quan trọng, nền tảng mang tính căn cơ là người sử dụng mạng xã hội cần nâng cao ý thức, kiến thức pháp luật để chủ động tham gia mạng xã hội và phát huy tốt nhất những lợi ích mà mạng xã hội mang lại cho bản thân; đừng mù quáng chạy theo số lượng like, chia sẻ, đừng cố “câu like” bằng mọi cách mà thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.

PV: Xin cảm ơn Luật sư Hà Huy Từ./.

Từ khóa: Huấn Hoa Hồng, giang hồ mạng, Đệ nhất kiếm tiền, sách lậu

Thể loại: Văn hóa - Giải trí

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập