Hợp tác Nga - Thổ Nhĩ Kỳ giúp xoay chuyển cục diện chiến sự Libya?

Cập nhật: 20/01/2020

VOV.VN - Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã đóng vai trò là “các nhà trung gian hòa giải lớn” trước khi các cuộc đàm phán về Libya diễn ra ở Berlin, Đức.

Hội nghị Thượng đỉnh hòa bình Libya ở Thủ đô Berlin (Đức) ngày 19/1 cho thấy vai trò quan trọng của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ trong việc tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng tại Libya vì hai nước này nằm trong số rất ít quốc gia có ảnh hưởng thực sự đến tình hình Libya, Yusuf Erim, chuyên gia về chính sách đối ngoại Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời là tổng biên tập tờ TRT World nhận xét.

hop tac nga - tho nhi ky giup xoay chuyen cuc dien chien su libya? hinh 1
Quân đội Quốc gia Libya (LNA) tiến hành vụ tấn công vào cứ điểm của Chính phủ Đoàn kết dân tộc (GNA) tại Tripoli. Ảnh: Reuters.

Vai trò của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ

Hội nghị đã thành công trong việc tập hợp các nhà lãnh đạo trên thế giới để xem xét và tìm giải pháp cho cuộc nội chiến tàn phá Libya suốt nhiều năm qua. Tuy nhiên nó cũng cho thấy, có rất ít quốc gia có thể thực sự thúc đẩy một tiến trình hòa bình bởi hầu hết đang thiếu một chiến lược và ý chí để biến lời nói thành hành động, ông Yusuf Erim cho biết.

“Chúng ta nhận thấy có rất nhiều ý kiến hay nhưng đều thiếu khả năng triển khai trên thực tế, do đó vẫn có một vai trò lớn dành cho Thổ Nhĩ Kỳ và Nga”, ông Yusuf Erim nói. Hội nghị cho thấy các nhà lãnh đạo châu Âu như Thủ tướng Đức Angela Merkel hay Tổng thống Pháp Emmanuel Macron không có“lộ trình rõ ràng” màhọ có thể sử dụng để phá vỡ bế tắc, ông lập luận. Trong khi đó, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã đóng vai trò là “các nhà trung gian hòa giải lớn” ngay cả trước khi các cuộc đàm phán tại Berlin diễn ra.

“Ý chí của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ nhằm mang lại một giải pháp chính trị cho Libya sẽ là chìa khóa cho hội nghị ngày hôm nay và mang lại ý nghĩa cho tương lai”, chuyên gia Yusuf Erim nhấn mạnh.

Mặc dù các bên tham gia hội nghị đã nhất trí “một loạt đề xuất chi tiết” về các khía cạnh của giải pháp tương lai cho cuộc khủng hoảng Libya nhưng để đạt được hòa bình lâu dài tại quốc gia này vẫn phải trải qua một chặng đường dài. Một phần là bởi hai phe tham chiến chính thức chưa thể thu hẹp sự bất đồng ngay cả khi họ có mặt tại cùng một địa điểm đàm phán.

“Người đứng đầu Chính phủ Đoàn kết dân tộc (GNA) được Liên Hợp Quốc (LHQ) công nhận tại Libya, ông Fayez al-Sarraj và người đứng đầu lực lượng tự xưng Quân đội Quốc gia Libya (LNA) ở miền Đông nước này Tướng Khalifa Haftar đều tới Đức tham dự Hội nghị hòa bình về Libya, tuy nhiên hai bên không có cuộc gặp mặt trực tiếp, điều này cho thấy họ vẫn ở rất xa nhau”, ông Erim nói.

Việc ông al-Sarraj và ông Khalifa Haftar chưa sẵn sàng gặp mặt trực tiếp không phải là điều đáng ngạc nhiên, nhưng nó cũng không hàm chứa sự lạc quan, ông Ayo Johnson, người sáng lập Viewpoint Africa, nói vớiRT. Chuyên gia này cũng lưu ý, sẽ có quá nhiều rủi ro cho cả hai bên khi “phó mặc mọi thứ cho số mệnh”.

“Họ là kẻ thù của nhau và sẽ có rất nhiều nguy cơ xảy ra nếu phó mặc mọi thứ, bởi nguồn dự trữ dầu mỏ và khí đốt lớn nhất thế giới đang nằm trên lục địa Châu Phi, gần Libya và Libya cũng là điểm trung chuyển chính cho nhiều người nhập cư muốn tới châu Âu”, ông Ayo Johnson nhận xét.

Giải pháp đảm bảo lệnh ngừng bắn tại Libya

Sự đối đầu giữa hai phía có thể gây ảnh hưởng tới việc duy trì lệnh ngừng bắn vốn đã mong manh mà hai bên đạt được vào hôm 12/1. Trước đó, có nhiều báo cáo về việc các bên liên tiếp vi phạm lệnh ngừng bắn này.

Mark Almond, Giám đốc Viện nghiên cứu khủng hoảng cho rằng, vấn đề chính đối với lệnh ngừng bắn nằm ở chỗ không có cơ chế bắt buộc nào để khiến các phe phái thù địch, vốn đã thiếu sự tin tưởng lẫn nhau, phải tuân thủ chặt chẽ. Mặc dù lệnh ngừng bắn có thể có lợi cho các lực lượng của Chính phủ Đoàn kết dân tộc (GNA) và Quân đội Quốc gia Libya (LNA), nhưng thách thức đặt ra là làm sao để đưa các nhóm chiến binh khác trong cuộc xung đột tham gia lệnh ngừng bắn này. Dù nhấn mạnh một lực lượng gìn giữ hòa bình đóng vai trò cần thiết để đảm bảo việc tuân thử lệnh ngừng bắn, nhưng ông Almond cho rằng khó có quốc gia nào sẵn sàng chấp nhận rủi ro để làm công việc này. “Tôi không thấy có bất cứ nước nào muốn điều quân đến Libya, muốn đặt các binh sỹ của họ vào nơi nguy hiểm”.

Cùng chung quan điểm này, chuyên gia Erim cho biết, triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình đến Libya có thể là giải pháp tốt và lực lượng này sẽ đảm bảo duy trì “một vùng đệm giữa hai phe tham chiến”. Tuy nhiên đây là lựa chọn mà các quốc gia châu Âu có khả năng từ bỏ nhiều nhất, ông Erim đánh giá. Không có khả năng Liên minh Châu Âu sẽ chấp nhận rủi ro để triển khai các binh sỹ trên thực địa. Và như vậy, nhiệm vụ một lần nữa lại được đẩy sang phía Nga và Thổ Nhĩ Kỳ để thuyết phục các bên duy trì lệnh ngừng bắn.

Cần nhắc lại rằng, kể từ sau chính biến lật đổ nhà lãnh đạo Gaddafi năm 2011, Libya đã bị chia rẽ sâu sắc với hai chính quyền và lực lượng vũ trang riêng cùng tồn tại. Đó là chính phủ Đoàn kết dân tộc (GNA) được Liên Hợp Quốc hậu thuẫn và lực lượng Quân đội miền Đông Libya (LNA). Chưa dừng lại ở đó Libya còn dần trở thành một chiến địa mới ở Trung Đông của các nước lớn - sau khi chiến trường hậu Syria gần như đã đến hồi kết.Tình hình hỗn loạn tại Libya trong thời gian qua đang trở thành bối cảnh hoàn hảo để Nga và Thổ Nhĩ Kỳ có lý do can dự, lấp đầy những khoảng trống mà Mỹ và các đồng minh để lại.

Theo các nhà quan sát, Moscow và Ankara đã có những kinh nghiệm tích cực về việc triển khai các biện pháp giảm xung đột một cách hiệu quả ở tình thế khi mà tất cả các cuộc đàm phán trước đó đều thất bại. Những gì xảy ra trên chiến trường Syria đã chứng minh điều đó khi Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran cùng nhau thành lập “nhóm đàm phán Astana” và sau đó “thực hiện một số quyết định có ý nghĩa trên thực địa”, chuyên gia Erim giải thích. Ông nhấn mạnh, bộ ba Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Italy có thể thực hiện theo mô hình này, lưu ý rằng Italy đã bày tỏ mong muốn duy trì sự hiện diện quân sự tại Libya./.

Từ khóa: khủng hoảng Libya, nội chiến Libya, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, vai trò của Nga Thổ Nhĩ Kỳ với xung đột Libya

Thể loại: Văn hóa - Giải trí

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập