Hợp tác liên kết sản xuất cà phê ở Ia Mơ Nông - giúp người dân “đổi đời“

Cập nhật: 13/01/2020

VOV.VN -Nhờ liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm cà phê theo mô hình HTX dịch vụ nông nghiệp, bà con dân tộc Jarai (Gia Lai) đã có đời sống kinh tế ổn định.

Nhờ liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm cà phê theo mô hình Hợp tác xã (HTX) dịch vụ nông nghiệp, bà con dân tộc Jarai ở xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Pảh, tỉnh Gia Lai, đã có đời sống kinh tế ổn định. Cách làm này còn giúp bà con hạn chế những tác động bất lợi khi giá nông sản xuống thấp cũng như thời tiết diễn biến thất thường. Đón mừng năm mới 2020, người Jarai ở Ia Mơ Nông đang phấn khởi bước vào vụ sản xuất mới, cho cuộc sống ngày thêm ấm no.

Trong căn nhà sàn khang trang, ấm cúng với đầy đủ các tiện nghi sinh hoạt, ông Rơ Châm Punh, ở làng Kép 1, xã Ia Mơ Nông, phấn khởi cho biết, mấy năm gần đây kinh tế gia đình luôn ổn định, nguồn thu nhập không giảm theo giá nông sản hay thời tiết thất thường.

hop tac lien ket san xuat ca phe o ia mo nong - giup nguoi dan "doi doi" hinh 1
Nhờ liên kết sản xuất, nông thôn mới làng Kep 1 ngày càng khởi sắc

Đó là nhờ việc trồng trọt, chăn nuôi theo khoa học kỹ thuật: 7 sào ruộng lúa cho đủ cái ăn cả năm, 4 con bò sinh sản cho vài con bê cùng nguồn phân chăm sóc cà phê, và nhất là thực hiện canh tác cà phê bền vững khi tham gia Hợp tác xã nông nghiệp Ia Mơ Nông.

Ông Rơ Châm Punh cho biết:“Tôi tham gia hợp tác xã được lắp đặt hệ thống ống tưới rất hiện đại, tưới bằng hệ thống phun mưa từng gốc cà phê. Hệ thống này tiết kiệm nước, tiết kiệm ngày công lao động, giúp cho gia đình và bản thân nhàn hơn nhiều.

Cách tưới theo hệ thống này rất tiện lợi, một lần lắp đặt tưới phủ hết 200 gốc cà phê, trong 1000 cây thì chỉ năm lần di chuyển lắp đặt. Theo hướng dẫn thì một lần lắp đặt tưới trong vòng 7 tiếng đồng hồ. Còn thu hoạch hạt cà phê đem bán thì hợp tác xã bao tiêu sản phẩm, bà con không phải lo lắng về tiêu thụ hoặc đi tìm thị trường bán nữa”.

Theo ông Rơ Châm Uenh, trưởng thôn Kép 1, mùa khô này phần lớn diện tích cà phê của bà con đã được tưới bằng hệ thống tiết kiệm nước. Việc chăm sóc cà phê cũng tuân thủ chặt chẽ theo hướng dẫn để đảm bảo năng suất, chất lượng. Ông Rơ Châm Uenh cho biết, từ khi tham gia hợp tác xã nông nghiệp, bà con không còn phải chạy đôn chạy đáo lo vật tư, phân bón… mỗi kỳ chăm sóc, cũng không lo bị tư thương ép giá mùa thu hoạch. Thậm chí, giá bán cà phê của bà con còn luôn nhỉnh hơn so với giá thị trường.

hop tac lien ket san xuat ca phe o ia mo nong - giup nguoi dan "doi doi" hinh 2
Nhà sàn của người Jarai làng Kép 1.

Ông Rơ Châm Uenh chia sẻ: “Riêng làng Kép 1 chúng tôi, tham gia hợp tác xã Ia Mơ Nông là 32 thành viên. Họ lắp đặt hệ thống tưới cây cà phê tự động để đảm bảo tiết kiệm nước và phòng chống biến đổi khí hậu lúc thiếu nước. Hai là phân bón, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật họ hướng dẫn trực tiếp. Người dân thiếu phân bón thì đi ứng phân bón của HTX đến mùa thu hoạch cà phê đem trả lại tiền phân bón, thuốc trừ sâu”.

Mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cà phê giữa các hộ dân với hợp tác xã Ia Mơ Nông được thực hiện từ năm 2017. Ông Lê Văn Thanh, Giám đốc Hợp tác xã sản xuất - thương mại - dịch vụ - du lịch - nông nghiệp Ia Mơ Nông cho biết, mục đích liên kết là tạo vùng nguyên liệu cà phê ổn định, có truy xuất nguồn gốc xuất xứ, từ đó nâng cao giá trị sản phẩm cà phê. Bên cạnh việc hỗ trợ chi phí đầu tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.. không lãi suất, HTX còn hỗ trợ máy móc, tư vấn kỹ thuật, tổ chức thu mua nông sản của người dân.

Cách làm phù hợp với người dân tộc thiểu số, nên số hộ đăng ký tham gia liên kết sản xuất với hợp tác xã ngày càng tăng. Mới qua 2 năm, HTX Ia Mơ Nông đã 3 lần thay đổi giấy phép, số vốn góp ban đầu chỉ có 500 triệu đồng, nay đã lên tới 6 tỷ đồng. Số hộ tham gia liên kết sản xuất cà phê đã hơn 600 hộ, tổ chức thành 6 tổ sản xuất, địa bàn mở rộng qua 4 xã từ Ia Mơ Nông đến Ia Ka, Ia Nhin và thị trấn Ia Ly.

hop tac lien ket san xuat ca phe o ia mo nong - giup nguoi dan "doi doi" hinh 3
Người dân trao đổi về cách lựa chọn thuốc chăm sóc cây trồng.

Ông Lê Văn Thanh cho hay: Song hành cùng với việc tạo nguồn nguyên liệu cà phê bền vững, Hợp tác xã Ia Mơ Nông đang mở hướng phát triển sang những loại cây trồng khác, giúp người dân phát huy lợi thế về đất đai, có thêm nguồn thu nhập đều trong năm thay vì chỉ trông chờ mùa thu hái cà phê. Năm vừa qua, HTX đã liên kết với bà con trồng xen 5.000 cây mãng cầu hạt lép, 50 ha đậu phộng... bằng việc cung cấp nguồn cây giống chất lượng, hướng dẫn quy trình kỹ thuật theo tiêu chuẩn VietGAP và cam kết bao tiêu sản phẩm.

“Phải nghiên cứu để giúp người dân có nguồn thu bằng cách xen canh, tuy rằng không thu nhiều nhưng phải có thu thường xuyên thì người dân mới ổn định được, chứ chỉ dựa vào mỗi cây cà phê thì cũng khó. Tôi đang làm theo hướng đó, là đầu tư cho một số hộ trồng cây ăn trái, định hướng cây trồng và bao tiêu thu mua sản phẩm. Và với vùng ruộng 1 vụ của bà con, vào mùa này gần như là đất bỏ hoang hết, thì mình cho triển khai trồng cây ngắn ngày, những loại cây cần ít nước, để cải thiện đời sống cho bà con” - ông Lê Văn Thanh cho biết.

Nhờ việc tổ chức sản xuất phù hợp với vùng dân tộc thiểu số, Hợp tác xã Ia Mơ Nông đã tìm kiếm được sự giúp đỡ từ các chương trình dự án của nhà nước. Hiện Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (do Ngân hàng thế giới tài trợ) đang hỗ trợ hợp tác xã đầu tư hệ thống tưới nước tiết kiệm phun mưa tại gốc cho hơn 300 ha cà phê của người dân.

UBND huyện Chư Pảh mới đây cũng đã lập Dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm cà phê trong Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giao cho Hợp tác xã Ia Mơ Nông thực hiện, để thực sự là đầu tàu trong việc giúp người dân nâng cao hiệu quả sản xuất. Năm mới này, với sự hỗ trợ của nhà nước và hiệu ứng lan tỏa tích cực từ mô hình liên kết, hợp tác sản xuất, tiêu thụ nông sản, chắc chắn cuộc sống của người dân tộc thiểu số nơi đây sẽ ngày càng ấm no hơn./.

Từ khóa: Hợp tác liên kết sản xuất, cà phê, gia lai, mô hình kinh tế, làm giàu

Thể loại: Kinh tế

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập