Hợp tác giáo dục - biểu tượng của mối quan hệ Việt Nam - Lào

Cập nhật: 21/08/2022

VOV.VN - Những kết quả đạt được trong lĩnh vực này không chỉ góp phần quan trọng vào việc tăng cường tình đoàn kết hữu nghị, mà còn góp phần to lớn vào sự phát triển của hai đất nước Việt Nam và Lào.

Sau khi giành lại chính quyền vào năm 1945, trước yêu cầu của cách mạng Lào, Việt Nam đã giúp Lào thiết lập hệ thống giáo dục vùng giải phóng; cử chuyên gia sang hỗ trợ và giúp Lào biên soạn chương trình giảng dạy, xuất bản sách giá khoa cho các cấp; đào tạo cán bộ tại các cơ sở giáo dục của Việt Nam; mở trường phổ thông để dạy cho học sinh tiểu học và trung học cơ sở của Lào. Việc hỗ trợ được tổ chức dưới nhiều hình thức như bồi dưỡng ngắn hạn, dài hạn, đào tạo chuyên sâu ở tất cả các cấp...

Trong hơn 6 thập niên qua, Việt Nam đã đào tạo cho Lào hàng chục nghìn cán bộ, nhân viên, học sinh, sinh viên ở mọi lĩnh vực như chính trị, an ninh - quốc phòng, kinh tế, nhà nghiên cứu, giáo viên… Nhiều người trong số này đã trở thành những cán bộ cốt cán, đóng vai trò chủ chốt trong thời kỳ đấu tranh cách mạng cũng như trong các giai đoạn bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước cho đến tận ngày nay.

PGS.TS Phout Simmalavong, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Thể thao Lào cho biết, hai bên đã tập trung triển khai các hoạt động nằm trong Kế hoạch hợp tác giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam và Bộ Giáo dục và Thể thao Lào năm 2022, nhằm nâng cao chất lượng đào tạo lưu học sinh Lào liên quan đến công tác đào tạo tiếng Việt, đào tạo chuyên ngành, bồi dưỡng cán bộ quản lý các cấp. Hằng năm, Chính phủ Việt Nam cấp 1.100 học bổng cho lưu học sinh Lào sang học tập tại Việt Nam các bậc THPT, đại học, sau đại học và bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, ngôn ngữ. Năm học 2021-2022 có trên 14.000 lưu học sinh Lào đang học tập tại Việt Nam.

Đánh giá về hợp tác trong lĩnh vực giáo dục, Bộ trưởng Phout khẳng định: “Hợp tác đào tạo nguồn nhân lực là một yếu tố quan trọng trong việc xây dựng mối quan hệ hữu nghị đặc biệt giữa Lào và Việt Nam. Đảng, Chính phủ và nhân dân Việt Nam đã cống hiến hết sức mình cho sự nghiệp giáo dục của Lào, sự giúp đỡ đó là nguồn vốn vô cùng quý giá, không gì có thể so sánh được. Quan hệ hợp tác toàn diện giữa Lào và Việt Nam sẽ không ngừng được vun đắp và ngày càng đơm hoa kết trái”.

Kể từ năm 1982 đến nay, Chính phủ Lào cũng đã đào tạo tổng số 4.850 cán bộ, sinh viên cho Việt Nam học tại Trường Đại học Quốc gia Lào. Đây là những con số thể hiện sự nỗ lực, quyết tâm và có ý nghĩa quan trọng trong hợp tác lĩnh vực giáo dục giữa hai nước, nhằm đáp ứng nhu cầu xây dựng đội ngũ chuyên gia Việt Nam giúp Lào ngày càng phát triển toàn diện, đi vào chiều sâu và đem lại hiệu quả thiết thực. Hàng năm, Lào cũng tiếp nhận hàng trăm lưu học sinh Việt Nam sang học tập tại các trường đại học của Lào.

“Ngành giáo dục Lào đã luôn tạo điều kiện, dành sự quan tâm cho các lưu học sinh Việt Nam hoàn thành tốt chương trình đào tạo tại Lào. Trong trái tim của mỗi lưu học sinh Việt Nam ngày nay cũng như thế hệ tiếp theo sẽ luôn ghi nhớ lời dạy của các thầy cô, nỗ lực góp phần vào công cuộc xây dựng đất nước cũng như thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước ngày càng phát triển”- Đại sứ Việt Nam tại Lào Nguyễn Bá Hùng nhấn mạnh.

Với mong muốn thế hệ trẻ đất nước Lào ngày nay được trang bị những kiến thức tốt nhất để xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh, tiếp tục gìn giữ và vun đắp cho quan hệ hữu nghị vĩ đại, tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Lào - Việt Nam. Chính phủ Việt Nam còn giúp xây dựng cơ sở hạ tầng giáo dục cho Lào như xây dựng các trường mẫu giáo, cấp 1, cấp 2, trường phổ thông dân tộc nội trú, trường dạy nghề, trung tâm nghiên cứu, trung tâm huấn luyện thể thao và nhiều trung tâm khác...

Trường Trung học nghề kiểu mẫu Hữu nghị Lào – Việt Nam ở tỉnh Khammuan (miền Trung Lào) là quà tặng của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam dành cho Đảng, Nhà nước và nhân dân Lào được trao trong khuôn khổ chuyến thăm hữu nghị chính thức Lào của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc vào tháng 8/2021. Dự kiến, sau khi được bàn giao vào tháng 12/2022, trường sẽ bước đầu đào tạo 5 nghề cho các học sinh trung học, những người chưa có việc làm, những người có nhu cầu chuyển đổi việc làm, đặc biệt là những lao động ở nước ngoài bị mất việc phải trở về nước do tác động của đại dịch Covid-19.

Bí thư, Tỉnh trưởng tỉnh Khammuan Vansay Phongsavan cho biết, dự án có vai trò quan trọng trong phát triển, đào tạo nguồn nhân lực cho tỉnh, đồng thời là một trong những công trình trọng điểm của Năm đoàn kết hữu nghị Lào- Việt Nam, Việt Nam - Lào 2022.

“Đây là trường dạy nghề đầu tiên của tỉnh Khammuan kết hợp hài hòa giữa học lý thuyết và thực hành, là tiền đề quan trọng, đào tạo nên những người thợ có tay nghề cao góp phần vào công cuộc phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Khammuan nói riêng cũng như đất nước Lào nói chung”- Bí thư Vansay Phongsavan cho biết.

Hiện Bộ Giáo dục hai nước đang tích cực phối hợp triển khai kế hoạch tổng thể thực hiện các nhiệm vụ của Đề án “Nâng cao chất lượng và hiệu quả hợp tác trong lĩnh vực giáo dục và phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2021-2030, nhằm nâng cao chất lượng, đào tạo nguồn nhân lực cho hai nước trong thời gian tới, trong đó ưu tiên phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đào tạo cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, góp phần vào sự phát triển của hai đất nước Việt Nam và Lào./.

Từ khóa: Việt -Lào, hợp tác giáo dục, Việt Nam-Lào, đào tạo nguồn nhân lực

Thể loại: An ninh - Quốc phòng

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập