Hợp tác công tư trong đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao vùng ĐBSCL
Cập nhật: 03/04/2024
63 năm truyền thống ngành dầu khí Việt Nam: “Một đội ngũ - Một mục tiêu”
Quảng Ninh chuẩn bị sản phẩm OCOP phục vụ Tết Nguyên đán (28/11/2024)
VOV.VN - Hôm nay 3/4, tại Cần Thơ, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội thảo “Hợp tác công tư phục vụ triển khai Đề án một triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp vùng ĐBSCL”.
Hội thảo với mục tiêu nâng cao hiệu quả chuỗi giá trị lúa gạo, thích ứng và giảm nhẹ biến đổi khí hậu, sử dụng hiệu quả tài nguyên và bảo vệ môi trường sinh thái, nâng cao thu nhập của nông dân và lợi ích cho người tiêu dùng, đảm bảo xuất khẩu gạo chất lượng cao và giá trị cao.
Theo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, tại 12 tỉnh, thành triển khai Đề án 1 triệu hecta chuyên canh lúa, đến thời điểm hiện tại đã thành lập được hơn 900 tổ khuyến nông cộng đồng với trên 10.000 thành viên. Đề án sẽ đào tạo, nâng cao năng lực cho cán bộ khuyến nông cộng đồng để đào tạo lại nông dân tại các địa phương tham gia. Trong đó, giai đoạn 2024 – 2025 sẽ đào tạo khoảng 3.000 cán bộ và giai đoạn 2026 – 2030 đào tạo từ 8.000 đến 10.000 cán bộ triển khai theo dõi, thu thập và cung cấp thông tin.
Nhiệm vụ của khuyến nông cộng đồng sẽ tư vấn, hỗ trợ người nông dân, hợp tác xã chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ; Xây dựng kế hoạch sản xuất; Hướng dẫn nông dân, hợp tác xã tham gia thực hiện các dự án khuyến nông trong vùng nguyên liệu; Kết nối thị trường; Tư vấn, hỗ trợ thành lập hợp tác xã nông nghiệp và hỗ trợ hợp tác xã tham gia thị trường, liên kết chuỗi giá trị, liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm; Xây dựng thương hiệu sản phẩm, áp dụng công cụ thúc đẩy thương mại sản phẩm.
Theo ông Tô Việt Châu, Phó Vụ trưởng vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, việc thành lập nhóm Đối tác công tư ngành hàng lúa gạo sẽ góp phần thực hiện các cam kết của Việt Nam và nâng cao giá trị gia tăng của lúa gạo thông qua chuỗi giá trị. Bên cạnh đó, tăng thu hút đầu tư và tăng cường hiện đại hóa hệ thống nông nghiệp và lương thực thông qua áp dụng công nghệ và kết nối đổi mới sáng tạo mang lại lợi ích cho nông dân và nông nghiệp Việt Nam.
Phó Vụ trưởng vụ Hợp tác quốc tế Tô Việt Châu nhấn mạnh, Đề án “Phát triển bền vững một triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long”, được xem là sự thay đổi to lớn đối với ngành lúa gạo. Việc “Phát triển bền vững 1 triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh, giảm phát thải vùng ĐBSCL” có ý nghĩa trong việc hình thành vùng nguyên liệu tập trung quy mô lớn ổn định lâu dài, đảm bảo chất lượng, quy trình sản xuất hiện đại, đồng bộ, đáp ứng mục tiêu nâng cao giá trị chuỗi sản xuất lúa gạo, cải thiện thu nhập cho nông dân, đảm bảo an ninh lương thực và phục vụ chế biến, xuất khẩu gạo đạt hiệu quả cao; giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu.
“Việt Nam cần phải có những nỗ lực rất lớn, không chỉ từ phía Chính phủ mà cả khối tư nhân, doanh nghiệp, người sản xuất trực tiếp cùng tham gia. Trong đó, một trong những giải pháp then chốt được ưu tiên thực hiện là đẩy mạnh thu hút đầu tư theo hình thức đối tác công tư”, ông Tô Việt Châu nhấn mạnh.
Tại hội thảo, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận về vai trò, trách nhiệm và sự tham gia của các bên trong nhóm công tác ngành hàng lúa gạo, thống nhất các nội dung Dự thảo phân công nhiệm vụ các tổ công tác PPP ngành hàng lúa gạo và quy chế làm việc; Xây dựng kế hoạch hành động của các tổ công tác PPP ngành hàng lúa gạo để thực thi chủ trương, chính sách của Bộ Nông nghiệp về sản xuất lúa gạo, quản lý và hỗ trợ phát triển ngành lúa gạo theo hướng cạnh tranh cao, chất lượng, vệ sinh an toàn, nâng cao giá trị gia tăng, hiệu quả kinh tế, bền vững về xã hội và môi trường.
Từ khóa: lúa, đề án 1 triệu hecta lúa, Hợp tác công tư, lúa chất lượng cao, ĐBSCL, chuyên canh lúa chất lượng cao
Thể loại: Kinh tế
Tác giả: phạm hải/vov-đbscl
Nguồn tin: VOVVN