“Hợp nhất 3 Văn phòng ĐBQH, HĐND, UBND chỉ mang tính cơ học“

Cập nhật: 25/10/2019

VOV.VN - Có ý kiến cho rằng, việc thực hiện thí điểm hợp nhất 3 Văn phòng: HĐND, đoàn ĐBQH và UBND hiện nay chỉ mang tính chất cơ học.

Sáng 25/10, thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương, đại biểu dành nhiều quan tâm đến chủ trương hợp nhất Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội với Văn phòng HĐND và Văn phòng UBND.

Nhất trí với phương án hợp nhất Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội với Văn phòng HĐND, giữ nguyên văn phòng UBND cấp tỉnh, đại biểu Nguyễn Thanh Hải (đoàn Tiền Giang) cho rằng, phương án này khả thi nhất.

"hop nhat 3 van phong dbqh, hdnd, ubnd chi mang tinh chat co hoc" hinh 1
Đại biểu Nguyễn Thanh Hải (đoàn Tiền Giang) .

Đại biểu cho biết, thực tế hiện nay 12 địa phương đang thực hiện thí điểm hợp nhất 3 Văn phòng: HĐND, đoàn ĐBQH và UBNDthành 1 văn phòng, nhưng việc hợp nhất này chỉ mang tính chất cơ học, không phát huy được hiệu quả hoạt động.

Nguyên nhân là do tính chất hoạt động của các cơ quan khác nhau. Cơ quan Văn phòng ĐBQH và Văn phòng HĐND là cơ quan dân cử có cùng tính chất, phương thức hoạt động, trong khi văn phòng UBND là cơ quan hành chính có hoạt động khác hẳn đối với 2 văn phòng trên.

“Tôi thống nhất kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là sau khi kết thúc thí điểm sẽ chấn chỉnh phù hợp với thực tế hoạt động của các văn phòng” - đại biểu Nguyễn Thanh Hải cho biết.

Cùng chung quan điểm, đại biểu Leo Thị Lịch (đoàn Bắc Giang) cho rằng, xuất phát từ bản chất Nhà nước ta gồm hệ thống các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp, có tính thống nhất nhưng cũng có tính độc lập.

Do đó, các văn phòng tham mưu giúp việc cho hệ thống các cơ quan này cũng cần phải độc lập rõ ràng, không thể vừa tham mưu, vừa ban hành chính sách, vừa tham mưu việc tiến hành giám sát thực hiện các chính sách đó. Nếu làm như vậy thì vô hình trung không đảm bảo tính khách quan.

"hop nhat 3 van phong dbqh, hdnd, ubnd chi mang tinh chat co hoc" hinh 2
Đại biểu Leo Thị Lịch (đoàn Bắc Giang).

Theo bà Lịch, hợp nhất văn phòng HĐND và văn phòng đoàn ĐBQH sẽ hợp lý hơn. Riêng văn phòng UBND tỉnh có chức năng nhiệm vụ giúp việc cho khối hành pháp nên để độc lập, không nên hợp nhất 3 văn phòng này lại với nhau.

Giải trình làm rõ ý kiến đại biểu nêu, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao cho Chính phủ tổng kết về mô hình thí điểm hợp nhất 3 văn phòng: Văn phòng đoàn ĐBQH, HĐND, UBND vào cuối năm 2019.

“Bộ Nội vụ đang tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các địa phương tổ chức tổng kết. Chúng tôi sẽ tổ chức đoàn đi khảo sát để kịp tổng kết vào cuối năm 2019. Theo tinh thần này, thời hạn thí điểm chúng ta đưa vào nghị quyết, không đưa vào luật” – ông Lê Vĩnh Tân cho biết./.

Từ khóa: hợp nhất 3 Văn phòng, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội, đại biểu Quốc hội, luật tổ chức chính quyền địa phương

Thể loại: Nội chính

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập