Hồng Vân - điểm du lịch làng nghề sinh vật cảnh hấp dẫn ven sông Hồng
Cập nhật: 18/01/2020
Đà Nẵng tổ chức 3 điểm bắn pháo hoa đêm giao thừa Tết Ất Tỵ 2025
Tuyển sinh lớp 6 chỉ xét tuyển: Các trường chất lượng cao tuyển sinh thế nào?
VOV.VN - Từ một xã nông nghiệp, tới nay Hồng Vân đã phát triển theo hướng du lịch sinh thái làng nghề, đem lại thu nhập ổn định hơn cho người dân.
Những con đường nông thôn mang tên các loài hoa
Dẫn chúng tôi đi xem điểm mô hình làm nông nghiệp theo hướng dịch vụ du lịch, Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Vân Mai Văn Ngần say sưa kể về những cánh đồng hoa, những tuyến đường mà tên mỗi con đường gắn với trồng một loài cây, loài hoa đặc trưng riêng được trồng theo định hướng quy hoạch của xã.
“Trước đây, Hồng Vân có 2 làng nghề hoa cây cảnh Xâm Xuyên và Cơ Giáo được công nhận là làng nghề sinh vật cảnh. Năm 2010, kinh tế trong nước gặp khó khăn, khách tìm đến mua cây cảnh ngày một ít, nghề trồng cây cảnh ở Hồng Vân điêu đứng, một số nhà vườn tan rã, nhiều chủ vườn "khuynh gia bại sản". Lãnh đạo Hồng Vân trăn trở tìm hướng chuyển đổi mới, khi đó vẫn chưa xác định chuyển sang làm du lịch mà chỉ xác định phát triển dịch vụ trên đất nông nghiệp mới đem lại hiệu quả cao hơn cho các hoạt động nông nghiệp. Từ năm 2015 “làm mò” chưa có cơ sở nào vững chắc để hướng cụ thể nhưng mong muốn làm sao để sạch, đẹp mới lạ trên nền nông nghiệp của xã”, ông Ngần cho biết.
Xã Hồng Vân xây dựng mô hình hình du lịch trên nền nông nghiệp. |
Hồng Vân là xã nằm ở phía đông của huyện Thường Tín, cách trung tâm Hà Nội 18 km về phía Nam. Xã có diện tích tự nhiên là 4,2km2, dân số 6.112 người. Từ một xã nông nghiệp, làng nghề trước đây, những năm gần đây, Hồng Vân phát triển theo hướng xây dựng xã du lịch sinh thái làng nghề sinh vật cảnh, chuyên canh sản xuất nông nghiệp kết hợp với khai thác dịch vụ. Năm 2017, các điểm du lịch trên địa bàn xã Hồng Vân đã đón 3,5 vạn lượt khách thăm quan,trong đó có 2 đoàn khách quốc tế. Đến tháng 11/2019, Hồng Vân đón gần 6 vạn lượt khách và môt số đoàn khách nước ngoài về thăm quan trải nghiệm, giá trị thu nhập ước đạt trên 6 tỷ đồng.
Theo ông Ngần, để làm du lịch nếu có sẵn danh lam thắng cảnh, di tích thì rất thuận lợi, nhưng Hồng Vân phát triển du lịch dựa trên một nền sản xuất nông nghiệp. Hồng Vân chỉ xác định lợi thế của địa phương là nằm ở ven đô. Các hoạt động về môi trường, sinh thái rất phù hợp với người dân ở nội đô về chơi, nghỉ trong ngày.
“Qua mỗi lần khách về chơi có phản hổi từ thực tế, chúng tôi đã mày mò xây dựng dịch vụ theo thị hiếu khách nội đô cần. Đến cuối năm 2017, qua một số kênh, Sở Du lịch Hà Nội “phát hiện” và cử cán bộ hướng dẫn xã xây dựng và phát triển du lịch một cách bài bản hơn, phù hợp với điều kiện của địa phương”, ông Ngần nói.
Tuyến đường Hoa Ban. |
Từ những hoạt động nhỏ lẻ ban đầu như quy hoạch mỗi tuyến đường trồng một loài cây, loài hoa, tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về phát triển du lịch sinh thái… nhiều bà con nông dân trong xã đã hiểu rằng “mình cứ làm sạch, làm đẹp cũng là một phần góp ích cho việc phát triển du lịch của xã”. Công cuộc chỉnh trang từ đường làng, ngõ xóm ra đến đến cánh đồng đã được “đả thông”. Từ những suy nghĩ trước đây tồn tại ngay cả ở những cán bộ xã là “làm du lịch là vớ vẩn, trên giời”, cho đến nay, nhận thức việc phát triển kinh tế từ du lịch đã thông suốt từ cán bộ đến người dân.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã lần thứ 26 đã mở ra hướng mới, xác định mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, xã Hồng Vân cơ bản trở thành xã “Du lịch - Sinh thái - Làng nghề”. Trên cơ sở gìn giữ 2 làng nghề sinh vật cảnh đang có, xã định hướng người dân theo các mô hình mang tính thay đổi trong các làng nghề như trước đây chỉ trồng cây cảnh bạc tỷ thì này chuyển sang làm những cây đơn giản, dân dã mà người có thu nhập trung bình cũng có thể chơi được và một số hộ chuyển sang trồng. Những mô hình mang tính tham quan, trải nghiệm như thế này bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế. Bên cạnh đó, xã cũng khuyến khích HTX Hoa cây cảnh Tùng Anh phát triển theo mô hình nông trại giáo dục, bàn giao một số dịch vụ du lịch cho HTX Hoa cây cảnh Hồng Vân đầu tư thực hiện như dịch vụ vận chuyển xe điện…
Một nhà vườn dịch vụ chụp ảnh 20.000 đồng/lượt đang tất bật chuẩn bị đón khách tết. |
Theo lãnh đạo xã Hồng Vân, với việc quy hoạch trồng cây đặc trưng, đường đặt theo tên các loại cây đã tạo nên những điểm nhấn trên cánh đồng. Tuy vẫn là cây bóng mát nhưng khi ra hoa là cả một tuyến phố rực một màu hoa như: đường Hoàng Yến, Bằng Lăng, Hoa Ban, Phượng Vĩ… khi khách đến thăm quan mỗi một mùa đều có một loại cây đặc trưng riêng. Như mùa hè đường Hoàng Yến… rực rỡ màu vàng hai bên đường, hay đường Hoa Ban vào dịp Tết rộ lên một màu tím. Trên địa bàn 2 xã làng nghề Cơ Giáo và Xâm Xuyên hiện cũng đang phát triển các mô hình trồng hoa hồng, hoa thảm để du khách tới đây có thể chụp ảnh. “Năm 2019 vừa qua, cũng là năm đầu tiên một số mô hình trồng hoa cúc họa mi đã đem lại thu nhập ổn định cho người trồng. Đây là bước đầu tạo động lực cho các hộ nông dân phát triển”, lãnh đạo xã Hồng Vân đánh giá.
Vườn trồng cây hoa hồng. |
Chuyển đổi sang trồng hoa hồng, phát triển du lịch, ông Hoàng Lâm - một nông dân của xã Hồng Vân cho biết: “Khi quyết định bỏ ra một số vốn để trồng hồng, gia đình tôi cũng rất băn khoăn không biết cây hồng có hợp đất không và quan trọng nữa là có tiêu thụ được không. Tuy nhiên, sau một thời gian trồng thử thăm dò thị trường tôi thấy rằng cây hồng thực sự là cây mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn”.
“Với diện tích trồng hoa hồng như gia đình tôi hiện nay là 5 sào (360 m2/sào) thì chỉ cần một người làm. Vào vụ thì thuê thêm khoảng 2-3 lao động. Cây giống sau 1 năm trồng bán được từ 40.000-50.000 đồng/cây, với diện tích 1m2 trồng được khoảng 4 cây, tương đương thu nhập khoảng 360 triệu đồng/năm. Gia đình tôi còn nhập hồng ghép từ Mê Linh, Hà Nội về công ghép rẻ hơn sau đó bán cây giống đó vào Đà Lạt sẽ cho thu nhập cao hơn”, anh Mợi - một người dân thôn Xâm Xuyên chia sẻ.
Du lịch góp phần nâng cao nhận thức của người dân nông thôn
“Tham vọng” của lãnh đạo xã Hồng Vân hiện này là làm sao để đầu tư, cải tạo diện tích trồng hoa màu truyền thống theo hướng hiện đại, đáp ứng được các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, đây vẫn là bài toán khó bởi không phải nông dân nào cũng có điều kiện kinh tế để đầu tư làm các cánh đồng trồng rau sạch quy mô, rau an toàn trong nhà kính…
Xâm Xuyên nổi tiếng cả nước với nghề sinh vật cảnh. |
Trong khi chưa có điều kiện để đầu tư theo mô hình sản xuất hiện đại, xã tăng cường việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về việc sản xuất rau theo mô hình truyền thống một cách an toàn. “Khi chưa có điều kiện để đầu tư sản xuất theo mô hình an toàn, hiện đại, chúng tôi vận động tuyên truyền người dân không sử dụng thuốc diệt cỏ, hạn chế dùng các loại thuốc trừ sâu… trong sản xuất nông nghiệp”, lãnh đạo đạo xã Hồng Vân nói.
Trên cơ sở các mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng du lịch, hợp tác xã kiểu mới đã phát huy vai trò trung tâm liên kết các mô hình để tạo thành các tuyến du lịch trải nghiệm ở trong và ngoài xã, tạo nên giá trị hiệu quả kinh tế cao hơn rất nhiều lần so với trồng lúa trước đây.
Ông Mai Văn Ngần - Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Vân cho hay, trong công tác quản lý, lãnh đạo xã cố gắng chỉ đạo, tuyên truyền để người dân phát triển các mô hình du lịch không trùng lặp, tránh sự nhàm chán của khách tham quan. Với mục tiêu du khách khi đến đây tham quan trải nghiệm tại mỗi mô hình đều cảm nhận từng sắc thái riêng.
Tháng 11/2018, Hồng Vân được Thành phố Hà Nội công nhận điểm du lịch Làng nghề sinh thái ở xã Hồng Vân góp phần tạo động lực để Hồng Vân tự tin tiếp tục đầu tập trung bài bản cho phát triển du lịch bền vững xây dựng vùng quê nông thôn mới Thường Tín phồn thịnh./. Để Hà Nội xanh-sạch-đẹp cần trách nhiệm của cả cộng đồng
Từ khóa: xã hồng vân, điểm du lịch, làng nghề sinh vật cảnh, ven sông hồng, làng xâm xuyên
Thể loại: Xã hội
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN