Hơn 93% doanh nghiệp được gia hạn nộp thuế
Cập nhật: 12/03/2020
Muốn phát triển, Lâm Đồng cần tháo gỡ quy hoạch treo
44 cơ sở giấy bức tử môi trường ở Bắc Ninh xin tạm dừng hoạt động
VOV.VN - Hơn 93% doanh nghiệp đang hoạt động sẽ được hoãn nộp thuế 5 tháng khi Nghị định gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất được ban hành.
Chia sẻ tại cuộc họp báo chiều 11/3 liên quan đến dự thảo Nghị định gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất với các cá nhân, doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) khẳng định, hơn 93% doanh nghiệp đang hoạt động sẽ được hoãn nộp thuế 5 tháng khi nghị định mới được ban hành.
Theo đại diện Vụ Chính sách thuế, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng tại Chỉ thị 11 về nhiệm vụ cấp bách tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội, Bộ Tài chính đã xây dựng dự thảo Nghị định về gia hạn nộp tiền thuế và tiền thuê đất cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Hơn 93% doanh nghiệp của cả nước được chậm nộp thuế. (Ảnh minh họa: KT) |
Thời gian gia hạn là 5 tháng, bao gồm các khoản tiền thuế giá trị gia tăng, tiền thuế thu nhập cá nhân tiền thuê đất phát sinh phải nộp của các tháng 3, tháng 4, tháng 5, tháng 6/2020 với trường hợp kê khai theo tháng hoặc của Quý I và Quý II/2020 với trường hợp nộp theo quý. Theo tính toán của Bộ Tài chính, tổng số tiền gia hạn đợt này là 30.100 tỷ đồng.
Các ngành nghề kinh tế được gia hạn nộp thuế gồm: nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; sản xuất chế biến thực phẩm; dệt; sản xuất giày dép; sản xuất điện tử, máy vi tính; sản xuất và lắp ráp ôtô; vận tải (đường sắt, đường thủy, đường bộ, hàng không); dịch vụ lưu trú, dịch vụ ăn uống; du lịch.
Đối tượng được gia hạn nộp thuế:
1. Doanh nghiệp, cá nhân thuộc ngành kinh tế nông, lâm, thuỷ sản; sản xuất, chế biến thực phẩm; dệt; sản xuất trang phục; sản xuất giày, dép; sản xuất sản phẩm từ cao su; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính; sản xuất, lắp ráp ôtô (trừ sản xuất, lắp ráp ôtô từ 9 chỗ ngồi trở xuống).
2. Doanh nghiệp, cá nhân ngành kinh tế vận tải đường sắt; đường bộ; đường thủy; hàng không; kho bãi và các hoạt động hỗ trợ cho vận tải; dịch vụ lưu trú, ăn uống; hoạt động của các đại lý du lịch, kinh doanh tour và các dịch vụ hỗ trợ...
3. Doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.
Riêng đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, lãnh đạo Vụ Chính sách thuế cho biết, Bộ Tài chính đề nghị Chính phủ cho gia hạn thuế GTGT mà không phân biệt ngành nghề kinh doanh. Theo số liệu của ngành thuế, 93% số doanh nghiệp đang kê khai và nộp thuế của cả nước có quy mô nhỏ và siêu nhỏ. Như vậy, sẽ có hơn 93% doanh nghiệp của cả nước được chậm nộp thuế GTGT.
“Cứ doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ là được gia hạn nộp thuế không phân biệt ngành nghề hay lĩnh vực kinh doanh, dù thiệt hại ít hay nhiều. Tác động của Covid-19 là rất lớn nên không thể phân định đánh giá từng cá nhân, doanh nghiệp được”, ông Thi nói.
Theo ông Phạm Đình Thi, lĩnh vực kinh doanh bất động sản hay các lĩnh vực khác (không nằm trong nhóm các lĩnh vực ngành nghề chịu tác động của Covid-19) cũng được gia hạn tiền thuế trong trường hợp đây là một trong số các ngành kinh doanh của doanh nghiệp mà trong đó có lĩnh vực thuộc diện được gia hạn thuế.
Điều này có thể hiểu là một doanh nghiệp kinh doanh đa ngành, ví dụ như vận tải, du lịch và xây dựng bất động sản, lắp ráp ô tô thì hai ngành vận tải và du lịch được xác định là chịu tác động của Covid-19 sẽ được gia hạn tiền nộp thuế.
Nhưng vì doanh nghiệp kê khai thuế trên một tờ khai thuế (có thể hiểu là doanh nghiệp khai thuế trên cơ sở doanh thu hợp nhất) nên trong trường hợp này hai lĩnh vực còn lại là lĩnh vực bất động sản, lắp ráp ô tô kể cả ô tô dưới 9 chỗ cũng được gia hạn tiền nộp thuế.
Như vậy, quy định này cũng đang tạo thuận lợi và ưu đãi cho rất nhiều doanh nghiệp kinh doanh đa ngành mà doanh thu từ mảng bất động sản chiếm tỷ lệ cao.
Chỉ cần gửi giấy đề nghị là được gia hạn
Về thủ tục để được gia hạn thời hạn nộp thuế, lãnh đạo Vụ Chính sách thuế cho biết, doanh nghiệp chỉ cần gửi giấy đề nghị gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất theo mẫu ban hành kèm nghị định mới cho cơ quan quản lý thuế trực tiếp chậm nhất là ngày 31/5.
"Doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh và hộ gia đình không phải kê khai thiệt hại gì mà chỉ cần thấy có ngành kinh doanh thuộc đối tượng được gia hạn thì kê khai chậm nộp tiền thuế với cơ quan thuế mà chưa phải nộp thuế. Còn doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ dù mức thiệt hại ít hay nhiều, không phân biệt ngành nghề thì đều được gia hạn tiền thuế", ông Phạm Đình Thi khẳng định.
Cũng để hạn chế các thủ tục liên quan và giảm bớt các giấy tờ doanh nghiệp phải có để chứng minh thiệt hại bởi dịch bệnh, các đối tượng thuộc nghị định mới sẽ không phải tuân thủ theo Thông tư 156 của Bộ Tài chính yêu cầu phải kê khai giá trị thiệt hại mới được gia hạn thuế.
“Nghị định mới quy định rất rõ, cứ kinh doanh trong những ngành kinh tế, thuộc đối tượng, phạm vi là được gia hạn mà không cần đánh giá thiệt hại, không cần kê khai xác định”, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế nhấn mạnh.
Vì thủ tục đề nghị gia hạn được quy định rõ ngay trong nghị định nên Bộ Tài chính dự kiến sẽ không phải ban hành thông tư hướng dẫn. Tuy nhiên, lãnh đạo Vụ Chính sách thuế cho hay, việc gia hạn thuế và tiền thuê đất nói trên chỉ áp dụng với số tiền phát sinh trong thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 chứ không gia hạn số nợ trước đó của doanh nghiệp./.
Ai sẽ được giãn thuế, tiền thuê đất trong gói 30.100 tỷ đồng?
Gia hạn, miễn tiền chậm nộp thuế với người ảnh hưởng bởi dịch COVID-19
Từ khóa: gia hạn nộp thuế, chậm nộp thuế, covid-19, chính sách thuế, thủ tục gia hạn nộp thuế
Thể loại: Kinh tế
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN