Hơn 90% Startup thất bại, sinh viên khởi nghiệp có quá sớm?
Cập nhật: 13/01/2021
[VOV2] - Khi startup, sinh viên có sức trẻ, nhiệt huyết nhưng lại thiếu mạng lưới, thiếu kinh nghiệm thực tế dự đoán thị trường và thiếu nguồn lực tài chính.
Startup yêu cầu có sự đổi mới sáng tạo, có thể có sản phẩm mới, bằng sáng chế mới cho sản phẩm, dịch vụ. Cũng có thể là những sản phẩm, dịch vụ cũ nhưng với cách bán hàng, tiếp cận, truyền thông mới.
5 điều kiện cơ bản để startup
Theo bà Đoàn Bích Ngọc - Giám đốc Điều hành của JA Việt Nam (Junior Achievement Vietnam) có nhiều yếu tố mang lại thành công cho startup nhưng trước khi quyết định có nên bắt đầu hay không, sinh viên cần tính đến 5 yếu tố.
Đầu tiên là tâm thế. Khi startup là bắt đầu bước vào một cuộc chiến chinh phục thị trường nhằm chiếm được sự yêu mến của khách hàng. Trên con đường đó sẽ gặp nhiều khó khăn, nếu không đủ tâm thế vượt qua thì chưa nên bắt đầu startup.
Thứ 2 là kiến thức, kỹ năng. Bà Ngọc ví von “Chiến đấu mà chưa biết cầm súng, bắn súng thì làm sao chiến đấu được. Không chỉ là kiến thức về công nghệ mà phải am hiểu thị trường, điều hành về mặt con người, quản trị nhân lực và tính toán tài chính”.
Thứ 3 là tài chính. Giai đoạn đầu khởi nghiệp, để nuôi những sản phẩm có yếu tố công nghệ sẽ phải chi phí đầu tư ban đầu rất lớn. Người trẻ cần tính toán nguồn tiền dự trữ cho việc đầu tư, chứ không phải làm giữa chừng thiếu tiền vay của bố mẹ, vay chỗ nọ, chỗ kia và cuối cùng là bỏ dở thì rất lãng phí về thời gian và công sức. Không phải startup nào trong giai đoạn 1, 2 cũng có thể gọi vốn ngay được nên phải chủ động nguồn tài chính.
Yếu tố thứ 4 cần là đội ngũ startup phải hòa hợp, cùng chung ý tưởng, mục tiêu.
Cuối cùng là môi trường, kinh tế chính trị xã hội thị trường, dự đoán những yếu tố rủi ro bên ngoài, tính toán chính xác sản phẩm của mình ra đời liệu có bắt kịp xu hướng của xã hội hay không. Ví dụ, bạn đang start up trong lĩnh vực du lịch mà gặp dịch Covid-19 thì khó có thể thành công.
2 cái thiếu của sinh viên khởi nghiệp
Bà Đoàn Bích Ngọc cho rằng, các bạn sinh viên có sức trẻ, nhiệt huyết nhưng lại thiếu kinh nghiệm thực tế khi chinh chiến, thiếu kinh nghiệm trong việc dự đoán thị trường và thiếu nguồn lực tài chính. Đó là những nguyên nhân dẫn đến thất bại trong startup của sinh viên. “Tuy nhiên, tôi nghĩ đó không phải thất bại mà chưa thành công, mỗi khi bắt đầu startup coi như vẫn đang học bài học thực tế. Chúng ta sẽ nhận được kết qua rồi mới rút ra bài học, cứ coi như là bài học cho những dự án, startup tương lai"
Sinh viên cần nhất là kinh nghiệm và mạng lưới. Để khắc phục 2 vấn đề này, từ năm thứ nhất các bạn có thể đi làm để có kinh nghiệm song hành với kiến thức học trên trường. Ví dụ, học về nghiên cứu thị trường mà không đi làm ngoài thực tế thì sẽ rất mông lung. Khi đi làm, các bạn sẽ nhận ra thất bại của các nhãn hàng, các sản phẩm khi không nghiên cứu thị trường đầy đủ.
Bởi vậy, bà Ngọc cho rằng, sinh viên nên đi làm để có thêm kinh nghiệm và mạng lưới quan hệ. “Khi các bạn đi làm, ngoài lương công ty trả (thậm chí không lương) còn có những mối quan hệ mà các bạn có thể sử dụng trong quá trình làm việc sau này. Đó cũng chính là tài sản mà công ty trao cho các bạn. Khi đó chúng ta mới thấy chúng ta đứng ở đâu trong cuộc sống, chúng ta thực sự đủ khả năng khởi nghiệp hay chưa”.
Vì sao nhóm startup thường "chia tay" nhau khi thành công?
Theo Giám đốc JA Việt Nam, một team work mạnh đã mang lại 20-30% khả năng thành công cho startup. Tuy nhiên, làm sao để có được một đội ngũ tốt là điều cần suy tính. Nhóm startup nên mỗi người giỏi một lĩnh vực để không chồng chéo mà bổ sung được cho nhau. Tuy nhiên, quan trọng nhất là chung định hướng, tầm nhìn và cách giải quyết.
Ví dụ, 1 nhóm có 5 người đều rất tài giỏi nhưng trong đó, 1 người có quan niệm về đồng tiền khác với 4 người còn lại. Người đó nghĩ startup bằng mọi cách phải có nhiều tiền chứ không phải cống hiến một sản phẩm, dịch vụ mới cho khách hàng. Quan điểm tiền bạc khác nhau có thể dẫn đến những mâu thuẫn sau này. Do đó, người ta thường "chia tay" nhau khi thành công. “Nếu thiếu sự đồng nhất về định hướng và tầm nhìn có thể gây ra sự tan rã nhanh nhất cho đội nhóm”, bà Ngọc khẳng định.
Một trong những thói quen của người trẻ khi xây dựng đội ngũ startup là tìm đến những người bạn, người thân. Tuy nhiên, theo bà Ngọc đó là điều rất cảm tính. “Mọi người nghĩ người thân quen có thể dễ thuyết phục nhưng chưa đánh giá được hết năng lực của họ có bổ sung được cho những điểm yếu của mình và có chung chí hướng với mình hay không? Sẽ có sự khác biệt rất nhiều khi chơi và làm việc với nhau.
Nếu chúng ta chỉ xoay quanh người thân, bạn bè thì chúng ta bỏ lỡ cơ hội tìm được những người tốt hơn ở những nơi khác. Có rất nhiều startup trên thế giới thành công từ những người bạn như Facebook, Uber nhưng để may mắn như họ không nhiều.
Khi startup, cần phải vẽ được sơ đồ tổ chức, team của mình gồm những ai, họ chịu trách nhiệm gì, cần những người có tính cách, khả năng, kinh nghiệm như thế nào để bù trừ cho nhau.
Theo bà Ngọc, để có được đội ngũ startup, các bạn trẻ có thể chia sẻ những ý tưởng và tuyển những người có chung ý tưởng với trên các group, diễn đàn sinh viên. “Đầu tiên chúng ta gặp nhau vì công việc nhưng sau này cũng có thể trở thành bạn bạn bè, để có một đội nhóm tốt, đừng giới hạn khả năng tìm kiếm đồng đội trong phạm vi bạn bè, người thân".
Từ khóa: Khởi nghiệp, startup, sinh viên, sáng tạo
Thể loại: Giáo dục
Tác giả:
Nguồn tin: VOV2