Hơn 200 hộ dân ở Bình Dương đồng lòng vì dự án Vành đai 3
Cập nhật: 26/10/2024
Phụ nữ khởi nghiệp vì sức khỏe cộng đồng và phát triển bền vững (24/11/2024)
Mua sắm mùa Giáng sinh, khách hàng muốn trực tiếp “mắt thấy, tay cầm”
VOV.VN - Ban đầu, hơn 200 hộ dân công giáo tại xóm đạo ở thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương không đồng ý di dời khi dự án Vành đai 3 TP.HCM triển khai. Tuy nhiên, với những chính sách hỗ trợ linh hoạt và khu tái định cư được đầu tư hiện đại, cộng đồng công giáo đã đồng thuận cao và cùng nhau di dời. Thành công này là một điểm sáng trong công tác giải phóng mặt bằng của tỉnh, góp phần quan
Mấy tháng qua, không khí nhộn nhịp bao trùm khu tái định cư Đông Hòa, ở phường Đông Hòa, thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương. Đến nay, hơn 30 căn nhà của các hộ dân đã hoàn thiện. Hàng chục hộ dân khác cũng đang tất bật đổ móng xây dựng tổ ấm mới.
Cư dân trong khu tái định cư hầu hết là đồng bào công giáo sống tại khu phố Ngãi Thắng, phường Bình An, thành phố Dĩ An. Họ rời chỗ cũ mang theo bao hy vọng về một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Bà Nguyễn Thị Kim Liên (58 tuổi) là một trong những hộ dân đầu tiên về nhà mới. Với diện tích 271m2 đất cũ bị thu hồi, bà được đền bù gần 8 tỷ đồng và đã xây dựng một căn nhà mới 1 triệt 2 lầu trên diện tích rộng 62m2.
Chia sẻ về cuộc sống mới, bà Liên nói, điều bà thích nhất là giờ đây, các cháu không phải đi học xa nữa vì ngay khu tái định cư có cả trường mầm non, tiểu học. Tuy nhiên, điều bà trăn trở là cả 3 thế hệ với 12 người cùng sinh sống trong căn nhà 62m2 có phần hơi chật hẹp. Do đó mong muốn được tạo điều kiện mua thêm nền tái định cư.
Bà Liên tâm sự: "Mới bắt đầu thì không ai đồng ý nhưng đây là chính sách nhà nước, đường nhà nước làm nên tất cả dân chúng, nguyên bà con giáo xứ Nghĩa Sơn đã chấp hành, tất cả làm theo chính sách. Và cũng được nhà nước hỗ trợ nhiều trong việc di dời nên đó là điều bà con giáo xứ rất vui".
Dù kinh doanh buôn bán rất phát đạt trên mặt đường Nguyễn Xiển (phường Bình An), ông Phạm Minh Tân (65 tuổi) vẫn phải chấp nhận di dời để nhường đất cho dự án Vành đai 3 TP.HCM.
Ban đầu, ông cảm thấy vô cùng tiếc nuối khi phải xa rời nơi đã gắn bó bao năm, nơi đã mang lại cho ông nguồn thu nhập ổn định. Chính vì vậy, ông đã nhiều lần đắn đo, thậm chí không muốn rời đi. Tuy nhiên, trước sự hỗ trợ nhiệt tình của chính quyền địa phương và những lợi ích mà nơi ở mới mang lại như không gian sống trong lành, yên tĩnh, ông đã quyết định đồng ý.
Điều mong muốn nhất lúc này của ông Tân là được chính quyền tạo điều kiện để đặt tòa thánh Guise tại khu tái định cư. Đây không chỉ là nơi để sinh hoạt tôn giáo mà còn là nơi để cộng đồng người dân gắn kết với nhau.
“Ở chỗ cũ chúng tôi có đền thánh Guise được đặt cách đây 50 năm, với khoảng vào chục người. Hàng tuần, chúng tôi tập trung đọc kinh thánh. Bây giờ lên đây, chúng tôi đề nghị chính quyền giúp đỡ để bà con có nơi sinh hoạt tín ngưỡng tốt đẹp hơn”, ông Tân nói.
Để chuẩn bị cho việc di dời người dân bị ảnh hưởng bởi dự án Vành đai 3 đi qua địa bàn thành phố Dĩ An, chính quyền đã quy hoạch 266 nền đất tại 3 khu tái định cư. Trong đó, đã có 215 hộ dân được cấp đất tại khu tái định cư Đông Hòa, số còn lại sẽ được bố trí tại các khu Biconsi và Mì Hòa Hợp.
Tuy nhiên, quá trình vận động người dân, đặc biệt là cộng đồng giáo dân tại Giáo xứ Nghĩa Sơn, gặp không ít khó khăn.
Nhiều năm gắn bó với nơi đây, người dân đã quen thuộc với môi trường sống cũng như các hoạt động sinh hoạt tôn giáo tại đền thờ Guise. Chính vì vậy, việc di dời đã khiến nhiều người cảm thấy băn khoăn và lo lắng.
Với sự nỗ lực vận động của chính quyền địa phương và Linh mục Phạm Phú Trung, cùng với việc nhận thức được tầm quan trọng của dự án Vành đai 3 đối với sự phát triển của tỉnh Bình Dương, phần lớn người dân đã đồng ý di dời.
Linh mục Phạm Phú Trung vui mừng nói: "Khu tái định cư phường Đông Hòa, khu đất đó tôi thấy rất đẹp, thuận lợi nhiều điều. Bà con lên đó ở, tôi thấy họ đã bình an. Tuy nhiên, tôi cũng hiểu rằng dân công giáo khi xa rời nhà thờ của họ sẽ cảm thấy xót xa. Tôi mong rằng bà con sẽ sớm hòa nhập với cộng đồng, giáo xứ mới. Về công ăn việc làm mong sao cho họ sớm ổn định”.
Về phía chính quyền, ngay từ khi có thông tin về dự án Vành đai 3 đi qua địa bàn, Thường vụ Thành ủy và UBND thành phố Dĩ An đã xác định công tác giải phóng mặt bằng là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu.
Để đảm bảo tiến độ dự án, mọi thông tin về công tác giải phóng mặt bằng đều được báo cáo thường xuyên, kịp thời lên lãnh đạo thành phố. Bên cạnh việc triển khai các chính sách hỗ trợ theo quy định, rõ ràng, minh bạch, địa phương cũng đã chủ động tìm kiếm những giải pháp phù hợp, đặc biệt quan tâm đến các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn và cộng đồng tôn giáo.
Ông Võ Trọng Tài, Phó Chủ tịch UBND thành phố Dĩ An cho biết: "Chúng tôi cũng vận dụng một cách sáng tạo về công tác giải tỏa đền bù, đó là khi người dân chưa có chỗ tạm cư thì chúng tôi thuê chung cư cho ở miễn phí thời gian ngắn để họ ổn định. Hoặc thuê phương tiện để di chuyển trang thiết bị, nhà cửa, vận dụng để người dân bàn giao mặt bằng sớm. Những chính sách đã ban hành nhưng còn thiếu thì chúng tôi kiến nghị bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế của những dạng đền bù giải tỏa trên địa bàn thành phố. Từ đó cũng tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân”.
Dự đường Vành đai 3 TP.HCM đi qua địa bàn TP.Dĩ An có 532 trường hợp bị ảnh hưởng. Đến nay, địa phương đã bàn giao mặt bằng đạt 93%, còn 40 trường hợp. Dĩ An cam kết đến cuối năm 2024 sẽ bàn giao 100% mặt bằng sạch cho đơn vị thi công. Để đạt được kết quả này, công tác vận động và xây dựng chính sách hỗ trợ thiết thực cho người dân được đặt lên hàng đầu.
Từ khóa: tái định cư , Bình Dương, Vành đai 3, giải phóng mặt bằng, thi công, vướng, khó khăn, đồng thuận, người dân ,tái định cư
Thể loại: Kinh tế
Tác giả: thiên lý/vov - tp.hcm
Nguồn tin: VOVVN