Hơn 126 dự án nhà ở ách tắc vì thủ tục công nhận chủ đầu tư
Cập nhật: 30/03/2021
Nhộn nhịp thị trường hoa Tết tại thủ phủ Tây Nguyên
Bắc Ninh ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm dịp Tết
VOV.VN - Theo Hiệp hội Bất động sản TPHCM các thủ tục sẽ tiếp tục làm “ách tắc” dự án nhà ở có quyền sử dụng đất nông nghiệp “thuần” hoặc đất phi nông nghiệp “thuần”, không “dính” với đất ở.
Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) vừa có văn bản kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ và Bộ Xây dựng bày tỏ sự lo ngại về việc các dự án nhà ở chỉ có quyền sử dụng đất nông nghiệp hoặc đất phi nông nghiệp không có đất ở bị “ách tắc” hàng loạt, do Khoản 5 Điều 1 Nghị định số 30 ngày 26/03/2021 của Chính phủ không quy định thủ tục lựa chọn chủ đầu tư đối với các trường hợp này.
Ngày 26/3/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 30 “Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 99/2015 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở”, hiện Nghị định này đã có hiệu lực.
Hiệp hội Bất động sản thành TPHCM cho rằng, Khoản 2 Điều 18 Nghị định 99/2015/NĐ-CP quy định chỉ có các trường hợp nhà đầu tư “có quyền sử dụng đất ở” hoặc có đất khác nhưng “dính” với đất ở, bao gồm các trường hợp nhà đầu tư có 100% đất ở hoặc có đất ở và các loại đất khác, thì mới được công nhận chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại.
Các trường hợp nhà đầu tư có hàng chục, hàng trăm ha đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp, nhưng có “dính” theo vài chục mét vuông đất ở thì cũng được công nhận chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở. Còn lại, tất cả các nhà đầu tư “có quyền sử dụng đất khác” nhưng không “dính” với đất ở, như các trường hợp chỉ có quyền sử dụng đất nông nghiệp hoặc đất phi nông nghiệp không có đất ở thì không được công nhận, do Khoản 2 Điều 18 Nghị định số 99/2015 không quy định thủ tục lựa chọn chủ đầu tư đối với các trường hợp này. Khoản 5 Điều 1 Nghị định số 30/2021 vừa ban hành cũng không có quy định thủ tục lựa chọn chủ đầu tư đối với các trường hợp này.
Theo HoREA điều này sẽ tiếp tục làm “ách tắc” các dự án nhà ở có quyền sử dụng đất nông nghiệp “thuần” hoặc đất phi nông nghiệp “thuần”, không “dính” với đất ở.
Năm 2020 tại TPHCM đã có 39 dự án đầu tư của các doanh nghiệp chưa xử lý được do “vướng mắc” một số quy định. Còn tính trong 3 năm gần đây, TP có hơn 126 dự án nhà ở thương mại bị “ách tắc” thủ tục công nhận chủ đầu tư, do các dự án này không đáp ứng được điều kiện có 100% đất ở. Điều này gây thiệt hại rất lớn cho các doanh nghiệp, cho thị trường bất động sản và cho nền kinh tế, làm giảm nguồn thu ngân sách nhà nước và là một trong các nguyên nhân làm giảm nguồn cung dự án, sản phẩm nhà ở, góp phần đẩy giá nhà tăng nóng trong thời gian qua./.
Từ khóa: dự án, dự án nhà ở, dự án bất động sản, ách tắc, TPHCM
Thể loại: Kinh tế
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN