Hơn 1.000 vụ thử vũ khí hạt nhân và cái giá phải trả của nước Mỹ
Cập nhật: 25/09/2019
Một người Việt tử vong trong vụ lật phà ở Hàn Quốc
Chưa ghi nhận trường hợp người Việt bị ảnh hưởng bởi động đất ở Tây Tạng
VOV.VN - Mỹ đã tiến hành một số lượng lớn các vụ thử nghiệm vũ khí hạt nhân suốt thời kỳ Chiến tranh Lạnh, nhưng cái giá mà nước này phải trả không hề nhỏ.
Vũ khí hạt nhân ẩn chứa nhiều bí ẩn. Sức mạnh của chúng được đo bằng áp lực nổ có thể quan sát dễ dàng và độ phát xạ nhiệt, tương tự như nhiều loại vũ khí khác, tuy vậy những bức xạ và xung điện từ mà mắt thường không nhìn thấy có sức tàn phá khủng khiếp.
Hình ảnh hiếm hoi về vụ thử hạt nhân Castle Bravo của Mỹ. Ảnh: Daily Star. |
Từ năm 1945 đến 1992, Mỹ đã tiến hành 1.032 vụ thử nghiệm hạt nhân nhằm đánh giá sức mạnh của loại vũ khí này. Nhiều vụ thử nghiệm trong số này được coi là không cần thiết, quá nguy hiểm, hay bị coi là kỳ quặc. Các vụ thử nghiệm đã giúp Mỹ thu thập nhiều thông tin về vũ khí hạt nhân, song cũng hủy hoại đất đai và khiến nhiều người dân gặp vấn đề sức khỏe lâu dài.
Phần lớn các vụ thử hạt nhân của Mỹ diễn ra ở sa mạc phía Tây nước này, tại Bãi thử Nevada (viết tắt NTS). NTS đã chứng kiến 699 vụ thử thiết bị hạt nhân, cả trên mặt đất lẫn dưới lòng đất. Đương lượng nổ trung bình của các vụ thử là 8,6 kiloton. Các vụ thử trong khí quyển có thể được quan sát từ thành phố Las Vegas, cách Bãi thử Nevada hơn 104 km về phía đông nam. Ngày nay, các hố khổng lồ và những vết lồi lõm trên mặt đất từ các vụ thử dưới lòng đất vẫn còn được thấy rõ qua hình ảnh vệ tinh.
Các vụ thử còn lại được thực hiện ở Thái Bình Dương, tại đảo Bikini, Enewetak, Johnson Island và Christmas. Vụ thử hạt nhân lần thứ 2, diễn ra sau vụ thử lần thứ nhất với mật danh Trinity vào năm 1945, được tiến hành tại đảo san hô Bikini.
Vụthử vũ khí hạt nhân do Mỹ tiến hành ở đảo san hô Bikini. Ảnh: New Scientist. |
Các vụ thử nghiệm hạt nhân tại Thái Bình Dương gây chú ý không chỉ bởi cảnh tưởng ngoạn mục của chúng, mà còn bởi sự di dời bắt buộc của người dân bản địa. Những người sống gần nơi thử bị phơi nhiễm bụi phóng xạ ở mức độ nguy hiểm và buộc phải di chuyển đến khu vực khác. Vào năm 1954, thủy thủ đoàn của con tàu đánh cá Nhật Bản Daigo Fukuryu Maru đã vô tình đi ngang qua vùng bụi phóng xạ do vụ thử hạt nhân Castle Bravo có sức công phá 15 megaton tạo ra. Một thành viên trong thủy thủ đoàn đã thiệt mạng và những người còn lại gặp vấn đề sức khỏe do bị nhiễm phóng xạ.
Vụ thử bom nhiệt hạch đầu tiên của Mỹ diễn ra vào tháng 10/1952 ở đảo Enewetak với mật danh Ivy Mike. Thiết bị hạt nhân khổng lồ nặng 82 tấn trông giống như một tòa nhà hơn là một quả bom hạt nhân. Thiết bị này có sức công phá mạnh 10,4 megaton, tương đương với 10,4 triệu tấn thuốc nổ TNT. Ivy Mike là vụ thử hạt nhân lớn nhất từ trước đến nay, tạo ra quả cầu lửa rộng gần 2,9 km và đám mây hình nấm có độ cao hơn 41.000km.
Một trong những vụ thử nghiệm kỳ lạ nhất diễn ra vào năm 1962 tại Bãi thử Nevada. Quân đội Mỹ khi đó thử nghiệm vũ khí hạt nhân sử dụng trên chiến trường có tên gọi Davy Crockett. Davy Crockett là một khẩu pháo được trang bị đầu đạn hạt nhân với đương lượng nổ từ 10 đến 20 tấn TNT. Vụ thử có tên mã là Little Feller I, diễn ra vào ngày 17/7/1962 , dưới sự chứng kiến của Bộ trưởng Tư pháp và Cố vấn Tổng thống Robert. F. Kennedy.
Pháo Davy Crockett trang bị đầu đạn hạt nhân. Ảnh: Military History. |
Cũng vào năm 1962, trong khuôn khổ một loạt các thí nghiệm hạt nhân trên không trung, Mỹ đã phóng tên lửa Thor mang đầu đạn nhiệt hạch W49 với độ cao 409km ra ngoài khí quyển. Vụ thử với tên mã Starfish Prime, có đương lượng nổ 1,4 megaton (tương đương 1,4 triệu tấn TNT), tạo ra đám mây xung điện từ lớn lan tỏa khắp phía tây Thái Bình Dương. Vụ thử nghiệm được tiến hành ngoài khơi đảo Johnston đã lan tỏa sóng điện từ tới các khu vực xa xôi như Hawaii, nằm cách đó hơn 1.200 km, làm 300 chiếc đèn đường và một tổng đài điện thoại bị tắt.
Tuy nhiên, các vụ thử nghiệm không chỉ được giới hạn tại Thái Bình Dương hay Nevada. Vào tháng 10/1964, trong khuôn khổ Chiến dịch Whetstone, chính phủ Mỹ đã kích nổ một thiết bị hạt nhân có sức công phá mạnh 5,3 kiloton, cách khu vực Hattiesburg, Mississippi khoảng 45km về phía tây nam. Vụ thử có tên mã Salmon là một thí nghiệm nhằm xác định liệu máy đo địa chấn có thể phát hiện ra các vụ thử hạt nhân hay không. Tiếp đến vào năm 1966, Mỹ tiến hành vụ thử nghiệm khác có tên gọi Sterling, có đương lượng nổ 380 tấn.
Năm 1967, trong một nỗ lực sử dụng vũ khí hạt nhân vì mục đích hòa bình, Mỹ đã kích nổ một thiết bị hạt nhân gần Farmington, New Mexico, nhằm quan sát liệu vụ nổ có đủ sức phá vỡ những cấu trúc đá và để lộ ra các nguồn dự trữ khí đốt tự nhiên hay không. Thiết bị hạt nhân này có đương lượng nổ 29 kiloton, được đặt dưới lòng đất với độ sâu 1,2 km. Tuy nhiên, thí nghiệm không thành công. Hai vụ thử nghiệm tương tự là Rulison và Rio Blanco diễn ra gần Colorado. Mặc dù vụ thử Rulison đã thành công khi làm phát lộ mỏ dự trữ khí đốt lớn những khí này đã bị nhiễm phóng xạ khiến nó không thể sử dụng cho mục đích thương mại.
Trong những năm đầu diễn ra các cuộc thử nghiệm, người ta dự đoán rằng vũ khí hạt nhân sẽ được sử dụng trên chiến trường và Quân đội cũng như Thủy quân lục chiến Mỹ sẽ vận hành tốt hơn loại vũ khí này trên chiến trường so với các đối thủ. Trong cuộc thử nghiệm Big Shot năm 1952, 1.700 binh sỹ Mỹ đã trú ẩn trong các hào sâu, cách 6,4km từ vụ tâm vụ nổ hạt nhân có sức công phá 33 kiloton. Sau vụ thử, quân đội tiến hành một cuộc tấn công mô phỏng trong vòng 160 m ở khu vực đất trống. Kết quả cho thấy, vụ thử nghiệm đã làm gia tăng bệnh bạch cầu, ung thư tuyến tiền liệt và ung thư mũi ở những người tham gia.
Mỹ ngừng thử nghiệm hạt nhân vào năm 1992. Đến năm 2002, Trung Tâm kiểm soát dịch bệnh Mỹ ước tính, hầu như tất cả những người Mỹ sống từ năm 1951 đều bị phơi nhiễm phóng xạ hạt nhân. Trên thực tế, Mỹ đã rút ra được nhiều bài học về cách chế tạo vũ khí hạt nhân một cách an toàn, tin cậy cũng như ảnh hưởng của loại vũ khí này đến cuộc sống của con người và môi trường. Tuy nhiên, để có được kết quả đó, Mỹ đã phải trả giá một cái giá khủng khiếp và bi thảm./.
Cuộc đua vũ khí hạt nhân trở lại khi Mỹ “nổ súng”
Mỹ - Nga sẽ thảo luận về các giới hạn đối với vũ khí hạt nhân
Từ khóa: Mỹ, bom hạt nhân, vũ khí hạt nhân, thử nghiệm vũ khí hạt nhân, phóng xạ hạt nhân
Thể loại: Tin tức sự kiện
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN