Hơn 1 tỷ trẻ em trên toàn cầu là nạn nhân của bạo lực

Cập nhật: 13/11/2024

VOV.VN - Hơn 1 tỷ trẻ em, thường xuyên phải đối mặt với các hình thức bạo lực. Cứ 4 phút, trên thế giới có 1 trẻ em tử vong vì bạo lực. Mỗi năm có khoảng 130.000 thanh thiếu niên dưới 20 tuổi bị cướp đi sinh mạng vì bạo lực.

Cuối tuần qua, Hội nghị Bộ trưởng toàn cầu đầu tiên về chấm dứt bạo lực đối với trẻ em sẽ được tổ chức tại Bogota, Colombia  với sự tham gia của 130 quốc gia, hơn 80 Bộ trưởng cùng với các nhà lãnh đạo trẻ, các trẻ em, thanh thiếu niên- nạn nhân của tình trạng bạo lực.

Các nhà lãnh đạo, các quốc gia trên thế giới đã chia sẻ kinh nghiệm, cùng nhau thảo luận để đưa ra chương trình hành động và giải pháp để ngăn chặn và chấm dứt bạo lực đối với trẻ em.

PV VOV Giao thông đã phỏng vấn độc quyền với Tiến sĩ Etienne Krug, Giám đốc bộ phận các vấn đề xã hội quyết định đến sức khỏe, Tổ chức y tế thế giới (WHO) xung quanh nội dung này:

PV: Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về thực trạng bạo lực trẻ em trên thế giới và những tác động của nó tới thể chất, tinh thần của trẻ em?

TS Etienne Krug: Mỗi năm, một nửa trẻ em trên thế giới bị bạo lực. Hơn 1 tỷ trẻ em đang phải thường xuyên phải đối mặt với hình phạt bạo lực tại nhà, hai phần ba trong số đó bị áp dụng cả hình phạt thể chất và gây hấn tâm lý.

Ngoài ra, trẻ còn bị bạo lực học đường, bạo lực tình dục, bạo lực trên mạng. Nhiều trẻ em đang phải chịu đựng nhiều loại bạo lực cùng một thời điểm và hậu quả để lại rất lớn, ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tinh thần của trẻ.

Tác động của bạo lực rất nghiêm trọng, có thể khiến trẻ em sử dụng thuốc lá, rượu và các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục, các vấn đề sức khỏe tâm thần như lo âu và trầm cảm, và thậm chí là tử vong. Những điều này có thể là nguyên nhân của các bệnh ung thư, tim mạch sau này.

Có một mối tương quan đáng kể giữa trải nghiệm bạo lực khi còn nhỏ và nguy cơ mắc các bệnh tâm thần, bệnh mãn tính như tiểu đường và ung thư, các bệnh truyền nhiễm HIV/AIDS và các vấn đề xã hội như hoạt động tội phạm và lạm dụng chất gây nghiện. Tác động của bị bạo lực kéo dài trong suốt cuộc đời và kéo dài qua nhiều thế hệ. Do vậy, vấn đề bạo lực đối với trẻ em là vấn đề sức khỏe cộng đồng đáng báo động trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam.

Vấn nạn bạo lực trẻ em xảy ra ở Việt Nam, cũng như tại nhiều quốc gia trên toàn cầu. Việt Nam đã có những nghiên cứu được thực hiện ở cấp quốc gia cho thấy, trẻ em bị bạo lực với hình thức chủ yếu là bạo lực về thể xác, bạo lực học đường, bạo lực tình dục.

Nạn nhân của bạo lực bị ảnh hưởng nhiều đến khả năng tập trung, có kết quả học tập không tốt, ảnh hưởng đến thành tích và cơ hội việc làm trong tương lai. Bạo lực trẻ em vì thế không chỉ tác động đến sức khỏe, quá trình học tập mà còn ảnh hưởng đến nền kinh tế nói chung.

PV: Xin ông cho biết mục đích của việc tổ chức Hội nghị Bộ trưởng toàn cầu đầu tiên về chấm dứt bạo lực đối với trẻ em?

TS Etienne Krug: Mục đích tổ chức Hội nghị Bộ trưởng toàn cầu đầu tiên về chấm dứt bạo lực đối với trẻ em nhằm thu hút các quốc gia, chính phủ và người dân cần quan tâm hơn đến tình trạng bạo lực trẻ em và cùng nhau tìm ra những giải pháp. Nhiều quốc gia đã nhận thấy, bạo lực trẻ em là một vấn đề lớn, đang ảnh hưởng đến rất nhiều trẻ em, gây ra nhiều hậu quả trong cả ngắn hạn và dài hạn.

Tổ chức y tế thế giới cho rằng, vấn nạn bạo lực trẻ em có thể ngăn ngừa được thông qua những quy định pháp luật phù hợp nhằm thay đổi những chuẩn mực xã hội liên quan đến bạo lực trẻ em, giúp ba mẹ trở thành những ông bố bà mẹ tốt, chăm sóc tốt hơn con cái của mình.

WHO khẳng định, chúng ta có thể giải quyết vấn đề này.  Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên hợp quốc bao gồm mục tiêu 16.2, đó là xóa bỏ mọi hình thức bạo lực đối với trẻ em vào năm 2030.

Hiện nay, một số quốc gia đã triển khai một số giải pháp để ngăn ngừa và hạn chế bạo lực trẻ em, tuy nhiên quá trình triển khai còn trậm. Thông qua Gói kỹ thuật INSPIRE, các bên liên quan trên toàn cầu đã đoàn kết ủng hộ một bộ chiến lược để giảm bạo lực. INSPIRE cung cấp cho mọi chính phủ một bản thiết kế mà mỗi quốc gia có thể điều chỉnh phù hợp theo bối cảnh thực tế.

Hơn một nửa số quốc gia đang triển khai ít nhất một chiến lược INSPIRE: như tăng cường hiệu quả của pháp luật;  thay đổi các giá trị/ quan điểm khuyến khích bạo lực; thúc đẩy môi trường an toàn của trẻ em tại nhà, trường học và cộng đồng; hoặc cung cấp các dịch vụ hỗ trợ nạn nhân bạo lực.

WHO kêu gọi các quốc gia tăng cường hành động để ngăn chặn bạo lực trẻ em, nhấn mạnh mục tiêu phát triển bền vững là loại bỏ hoàn toàn nạn này vào năm 2030.

PV: Xin cảm ơn ông!

Theo Tổ chức y tế thế giới, tại Hội nghị Bộ trưởng  toàn cầu đầu tiên về chấm dứt bạo lực đối với trẻ em, 8 quốc gia đã cam kết xây dựng Luật chống bạo lực trẻ em bao gồm Burundi, Cộng hòa Séc, Gambia, Kyrgyzstan, Panama, Sri Lanka, Uganda và Tajikistan, Nigeria. Hàng chục quốc gia cam kết đầu tư vào hỗ trợ nâng cao nhận thức cha mẹ trở thành những cha mẹ tốt. Chính phủ Vương quốc Anh cùng nhiều đối tác cam kết thành lập Lực lượng đặc nhiệm toàn cầu về chấm dứt bạo lực trẻ em trong và thông qua các trường học.

Tây Ba Nha sẽ xây dựng Luật trên không gian mạng để bảo vệ trẻ em sử dụng internet an toàn. Quần đảo Solomon cam kết nâng độ tuổi kết hôn từ 15 lên 18 tuổi. Bên cạnh đó, nhiều quốc gia cam kết tăng cường các chính sách quốc gia, xây dựng các kế hoạch cụ thể để giải quyết vấn nạn bạo lực trẻ em.

Từ khóa: bạo lực, đối thoại, trẻ em, bạo lực,bạo lực trẻ em ,Tổ chức y tế thế giới ,WHO,Tiến sĩ Etienne Krug,bảo vệ trẻ em

Thể loại: Xã hội

Tác giả: hải hà/vov-giao thông

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập

bài liên quan