Hôm nay, giám đốc thẩm vụ tử tù Hồ Duy Hải
Cập nhật: 06/05/2020
Quan hệ sâu đậm giữa CIA và tình báo Ukraine trong xung đột với Nga
Nga tấn công dữ dội Ukraine trên thực địa, sẵn sàng cho mọi kịch bản
Phiên giám đốc thẩm được mở do Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình làm chủ tọa.
Vụ án Hồ Duy Hải bị cáo buộc sát hại hai nữ nhân viên Bưu điện Cầu Voi (Long An) với kháng nghị của Viện Kiểm sát Nhân dân (VKSND) Tối cao được Tòa án Nhân dân (TAND) Tối cao mở phiên giám đốc thẩm, dự kiến diễn ra tới ngày 8/5.
12 năm vụ án tử tù Hồ Duy Hải
Ngày 6/5, phiên giám đốc thẩm được mở do Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình làm chủ tọa.
Ngoài các ủy viên của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao và đại diện Viện KSND tối cao, TAND tối cao và đại diện các cơ quan tố tụng của tỉnh Long An, TAND Tối cao đã mời luật sư Trần Hồng Phong tham gia phiên xét xử với tư cách người bào chữa cho Hồ Duy Hải.
Nội dung vụ án thể hiện: Tối 13/1/2008, hai nữ nhân viên Bưu điện Cầu Voi (ấp 5, xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An) bị sát hại dã man.
Chiều hôm sau, lực lượng chức năng đã triệu tập Nguyễn Văn Nghị (khi đó 28 tuổi, ở huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) để điều tra vì thanh niên này sau khi xuất hiện ở Bưu điện Cầu Voi, đã đi đâu tới chiều 14/1/2008 mới về nhà.
Bị cáo Hồ Duy Hải trong một phiên tòa. |
Ngày 16/1/2008, Công an tỉnh Long An đã khởi tố vụ án Giết người, Cướp tài sản. Đến ngày 20/3/2008, Cảnh sát triệu tập Hồ Duy Hải từ TP.Hồ Chí Minh về Long An để điều tra, song người này không thừa nhận cáo buộc.
Ngày 29/3/2008, Hồ Duy Hải bị khởi tố, sau khi cảnh sát thu giữ vàng và một đống tro liên quan đến vụ án sau nhà dì ruột thanh niên này.
Từ ngày 28/11-1/12/2008, với cáo buộc Hồ Duy Hải là hung thủ duy nhất sát hại hai nhân viên bưu điện, cướp tài sản, TAND tỉnh Long An đã tuyên phạt bị cáo tổng hợp mức án tử hình. Lúc này, Hồ Duy Hải kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.
Tuy nhiên, tại phiên phúc thẩm ngày 29/4/2009, sau khi bị TAND Cấp cao tại TP.Hồ Chí Minh bác đơn, tuyên y án, Hồ Duy Hải và mẹ ruột kháng cáo kêu oan.
Hơn 2 năm sau, Chánh án TAND Tối cao có tờ trình đề nghị Chủ tịch Nước bác đơn xin ân giảm của tử tù Hồ Duy Hải. Viện trưởng VKSND Tối cao cũng có quyết định không kháng nghị.
Ngày 24/11/2014, Hội đồng thi hành án ra quyết định thi hành án với tử tù Hồ Duy Hải. Lúc này, luật sư và gia đình tử tù gửi đơn đề nghị hoãn thi hành án, giám đốc thẩm vụ án. Sau đó, Văn phòng Chủ tịch Nước đã yêu cầu Chánh án TAND, Viện trưởng Viện KSND và Thủ trưởng Cơ quan thi hành án hình sự tỉnh Long An tạm dừng thi hành án để xem xét kỹ.
Cuối tháng 11/2019, VKSND Tối cao đã kháng nghị, đề nghị giám đốc thẩm hủy hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm. VKSND Tối cao đã chỉ ra nhiều mâu thuẫn, vi phạm tố tụng để đề nghị giám đốc thẩm vụ án tử tù Hồ Duy Hải.
Luật sư nói về phiên giám đốc thẩm
Luật sư Nguyễn Minh Long (Giám đốc Công ty Luật Dragon): Với tư cách là một luật sư, một công dân, tôi mong muốn phiên tòa giám đốc thẩm diễn ra công bằng, minh bạch và thận trọng. Các cơ quan tiến hành tố tụng cần xem xét một cách tổng thể các chứng cứ của vụ; xem xét lời khai cua bị cáo, nhân chứng để đánh giá sự việc một cách khách quan nhằm đưa ra bản án đứng người, đúng tội và tránh oan sai.
Việc xét xử công khai, công bằng của vụ án này không những đảm bảo sự công bằng của pháp luật; tạo lòng tin cho nhân dân vào hệ thống tư pháp mà còn khặng định sự thay đổi trong hệ thống xét xử nước ta. Đồng thời, tôi mong muốn, HĐXX xem xét quá trình tố tụng của các cơ quan tiến tụng trước đây; đồng thời xem xét trách nhiệm của các cá nhân vi phạm nếu có.
Ông Giang Hồng Thanh (Đoàn Luật sư Hà Nội): Tôi mong muốn Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao xem xét kỹ lưỡng toàn bộ hồ sơ vụ án, đánh giá thận trọng quan điểm, chứng cứ do Luật sư của Hồ Duy Hải đưa ra để có quyết định chính xác.
Nếu Hải có tội thì cần bác kháng nghị của Viện trưởng VKSND Tối cao, buộc Hải phải chấp hành hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm. Trường hợp Hải không có tội hoặc căn cứ chứng minh Hải phạm tội không rõ ràng, đầy đủ, cần hủy hai bản án để điều tra lại. Tuy nhiên, cần giao quyền điều tra cho Cơ quan CSĐT Bộ Công an chứ không nên để Cơ quan điều tra cũ thụ lý lại vụ án.
Hai cơ quan điều tra với các phương pháp nghiệp vụ khác nhau sẽ là cơ hội để so sánh đối chiếu kết quả điều tra, từ đó có cơ sở để kết luận Hải có tội hay không có tội.
Ông Vũ Ngọc Chi (Đoàn Luật sư Hà Nội): Mong muốn sự công bằng luôn được đảm bảo trước sự phán xét của pháp luật, sự thật được làm sáng tỏ.
Phiên giám đốc thẩm mở, bị cáo có được cơ hội để được xem xét mạng sống một lần nữa (trong trường hợp Hải không phải là người phạm tội). Đây là việc xem xét mạng sống của một con người, mong Hội đồng sáng suốt, thận trọng và đánh giá đúng vấn đề để một lần nữa mang lại sự công bằng theo đúng nghĩa./.
Theo điều 386 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, sau khi chủ tọa phiên tòa khai mạc phiên tòa, một thành viên Hội đồng giám đốc thẩm trình bày bản thuyết trình về vụ án.
Các thành viên khác của hội đồng sẽ hỏi thêm về những điểm chưa rõ trước khi thảo luận và phát biểu ý kiến của mình về việc giải quyết vụ án. Trường hợp viện kiểm sát kháng nghị thì kiểm sát viên trình bày nội dung kháng nghị.
Trường hợp người bị kết án, người bào chữa, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến kháng nghị có mặt tại phiên tòa thì những người này được trình bày ý kiến về những vấn đề mà Hội đồng giám đốc thẩm yêu cầu.
Kiểm sát viên phát biểu ý kiến của viện kiểm sát về quyết định kháng nghị và việc giải quyết vụ án. Kiểm sát viên, người tham gia tố tụng tại phiên tòa giám đốc thẩm tranh tụng về những vấn đề liên quan đến việc giải quyết vụ án.
Chủ tọa phiên tòa phải tạo điều kiện cho kiểm sát viên, người tham gia tố tụng trình bày hết ý kiến, tranh luận dân chủ, bình đẳng trước tòa.
Sau đó, các thành viên phát biểu ý kiến của mình và thảo luận. Cuối cùng, Hội đồng giám đốc thẩm biểu quyết về việc giải quyết vụ án và công bố quyết định về việc giải quyết vụ án.
Từ khóa: tử tù Hồ Duy Hải, sát hại 2 nữ nhân viên bưu điện Cầu Voi, giám đốc thẩm
Thể loại: Pháp luật
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN