Hồi ức về vị tướng huyền thoại, vị tướng của nhân dân

Cập nhật: 25/08/2021

(VOV5) - Ông không chỉ là một nhà cầm quân tài tình, mà còn là một vị tướng đầy nhân văn.

Với những ai đã được gặp, được làm việc cùng Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp đều có những kỷ niệm khó quên vì ông không chỉ là một nhà cầm quân tài tình, mà còn là một vị tướng đầy nhân văn. Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân là một trong những người có may mắn đó. Kỷ niệm về vị tướng huyền thoại, ông đã kể, đã chia sẻ, nhưng cứ mỗi lần nhắc nhớ, cảm xúc lại đong đầy.

Câu chuyện của Trung tướng Nguyễn Quốc Thước bắt đầu vào năm 1974, khi ông thay mặt Bộ tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên ra Hà Nội để nhận nhiệm vụ từ Đại tướng. Ở tuổi 95, nhưng giọng nói của Trung tướng Nguyễn Quốc Thước vẫn còn sang sảng, đầy nhiệt huyết khi kể về kỷ niệm của những ngày đó, khi ông gặp Đại tướng ở nhà riêng 30 Hoàng Diệu. Trung tướng kể, khác hẳn với suy nghĩ của ông, nghe báo cáo tình hình chiến trường Tây Nguyên xong, Đại tướng không vội vã mà vẫn ung dung, tự tại, rồi hỏi chuyện tình hình bộ đội, tình hình của nhân dân ở những vùng căn cứ. Trung tướng Nguyễn Quốc Thước đã trả lời:“Kính thưa Đại tướng, năm 68 69 cực kỳ khó khăn đối với Tây Nguyên. Bộ đội đánh giặc trước được 2 lạng gạo một ngày, thương bệnh binh 1 lạng rưỡi còn cơ quan phía sau được 1 lạng, phải kiếm rau rừng ăn. Nhân dân cũng vậy nhưng không hề chạy sang vùng địch kiếm ăn mà vẫn bám vào bộ đội. Năm 1970, đoàn 559 được phục hồi, tiếp tế được chu đáo, gạo thuốc men, đạn dược được đầy đủ. Bộ đội mỗi ngày được ăn no, có thuốc men chữa bệnh, dành 1 số gạo tiếp tế cho bà con ở khu căn cứ. Tôi kể đến đó, đại tướng nét mặt cũng vui hẳn lên và nói vậy là được rồi”.

Hồi ức về vị tướng huyền thoại, vị tướng của nhân dân - ảnh 1

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các đồng chí lãnh đạo Quân ủy Trung ương theo dõi diễn biến Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975.Ảnh tư liệu

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước khi đó là thượng tá, Quyền tham mưu trưởng Mặt trận Tây Nguyên vẫn nhớ rõ sự quan tâm của Đại tướng khi hỏi chuyện gia đình của ông. Khi được biết, 10 năm vào chiến trường chưa được về thăm gia đình do hoàn cảnh chiến đấu, Đại tướng rất xúc động và hứa rằng, lần tới khi hoàn thành xong nhiệm vụ, sẽ cho phép ông về thăm gia đình 3 tháng. Rồi Đại tướng hỏi chuyện về con cái, rồi việc sắp xếp để vợ chồng ông gặp mặt lần ra Hà Nội. Tất cả cử chỉ, nét mặt, lời nói, sự ân cần của Đại tướng, trung tướng Nguyễn Quốc Thước không bao giờ quên. Ông cảm thấy phấn chấn, đầy động lực vì lời hứa của Đại tướng cho phép ông về thăm gia đình, với ông, dường như là sự tiên đoán về thắng lợi đã sắp đến gần. Và đúng như theo nhận định tình hình của Bộ Tổng tư lệnh, thực hiện phương châm chớp thời cơ, giải quyết nhanh, thắng nhanh, huy động một lực lượng thọc sâu và giao toàn quyền cho người chỉ huy chiến trường, chiến dịch Tây Nguyên đã thắng lợi: Đúng như Chỉ thị của Tổng tư lệnh, khi tình hình Tây Nguyên mở ra, trong từ một đến năm ngày, chúng ta thọc sâu đánh chiếm được Buôn Ma Thuột. Sau 16 ngày đêm, chúng ta hoàn toàn giải phóng Tây Nguyên cùng lực lượng vũ trang Quân khu 5, giải phóng Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa tạo điều kiện giải phóng miền nam. Tôi thấy sự chỉ đạo của Đại tướng rất rõ ràng trên chiên trường và tất cả cán bộ chiến sĩ, sau này là quân đội lấy bài học của Tây Nguyên làm bài học mẫu mực nhất cho việc tổ chức chiến dịch cho QĐNDVN. Tôi rất tự hào vì đã được gặp Đại tướng. Kỷ niệm đó luôn đi theo tôi trong các cuộc kháng chiến, khi chỉ huy các cấp, luôn nắm tư tưởng chỉ đạo của Đại tướng mà tôi là người trực tiếp thu”.

Hồi ức về vị tướng huyền thoại, vị tướng của nhân dân - ảnh 2Trung tướng Nguyễn Quốc Thước. Ảnh: báo Nghệ An

Với ông, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là Đại tướng của quân đội, đại tướng của nhân dân. Không chỉ giỏi về nghệ thuật quân sự, mà người dân, bộ đội còn dành sự tin yêu,kính trọng vị Tổng tư lệnh bởi tính cách đầy tình người. Đó cũng chính là sức mạnh đoàn kết được các lực lượng làm nên chiến thắng: “Tôi nghĩ rằng, ngoài sự tin cậy về tài thao lược, quân sự, điều quan trọng nhất, là bộ đội hiểu được tâm tư của ngài Tổng tư lệnh. Trước hết, muốn chiến đấu, chiến thắng, thì phải chăm lo đến chiến trường, chăm lo đến bộ đội, chăm lo đến hậu phương gia đình. Cái đó thể hiện tư tưởng Hồ Chí Minh, về đạo đức Cách mạng, về tính nhân văn cao cả, của dân tộc VN. Điều đó đã thúc đẩy quân đội chiến đấu, hy sinh, sẵn sàng xả thân vì Tổ quốc, giải phóng Tổ quốc. Tôi thực sự xúc động về sự quan tâm đặc biệt của người Tổng tư lệnh tối cao”.

Sau này, khi làm tư lệnh Quân khu 4, công tác tại Hội cựu chiến binh hay khi nghỉ hưu, ông cũng được nhiều lần gặp, làm việc và được nhận sự quan tâm chỉ đạo từ Đại tướng. Nhưng kỷ niệm về lần đầu gặp Đại tướng, được tiếp nhận nhiệm vụ từ vị Tổng tư lệnh thì ông không bao giờ quên và mỗi lần nhắc lại, vẫn nguyên vẹn trong trí nhớ của ông cách đây mấy chục năm. Và với tất cả cán bộ chiến sĩ của quân đội nhân dân Việt Nam, khi nói về Đại tướng, đều bày tỏ sự kính trọng, khâm phục, con người của quân sự, của tình người.

PGS-TS Trần Ngọc Long, nguyên Phó Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự nói về tướng Giáp: “ Ông là một vị tướng, một vị tổng chỉ huy mà biết dùng người, biết trọng dụng nhân tài. Còn đối với kẻ địch, ông là một người biết lấy đại nghĩa để thắng hung tàn. Không phải ngẫu nhiên mà rất nhiều tướng lĩnh, nhất là tướng lĩnh của Pháp nể phục ông. Ông là một vị tướng đầy chất nhân văn, vị tướng hòa bình. Còn một điều không thể không nói, Đại tướng Tổng tư lệnh, ông là một con người dĩ công vi thượng. Là một con người mà suốt cả cuộc đời đã giữ trọn được đạo làm tướng: nhân trí tín dũng liêm trung theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh”.

Từ khóa:

Thể loại: Nội chính

Tác giả:

Nguồn tin: VOV5

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập