Hội tụ, lan tỏa sắc màu văn hóa dân gian các dân tộc Việt Nam
Cập nhật: 2 giờ trước
VOV.VN - Với chủ đề “Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc Việt Nam, bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, hội nhập và phát triển vì một thế giới hòa bình”, Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam 2024 tại tỉnh Quảng Trị năm 2024 từ ngày 14-16/12 là nơi hội tụ, lan tỏa sắc màu văn hóa dân gian các dân tộc Việt Nam.
Trong những ngày này, thời tiết tại thành phố Đông Hà mưa rét nhưng tất cả không ngăn được lòng nhiệt huyết của hàng trăm nghệ nhân, diễn viên, vận động viên đồng bào các dân tộc đến từ nhiều vùng, miền của đất nước. Các chương trình Liên hoan văn nghệ quần chúng; Trình diễn trang phục truyền thống; Trình diễn, giới thiệu trích đoạn lễ hội, nghi thức sinh hoạt văn hóa các dân tộc để lại ấn tượng tốt trong lòng khán giả bởi sự đầu tư, dàn dựng công phu.
Dự xem và cổ vũ các đội tham gia dự thi, chị Kiều Thị Cẩm Tú ở tỉnh Quảng Trị rất bất ngờ trước những phần trình diễn đặc sắc của các nghệ nhân, diễn viên các dân tộc: “Qua quan sát, theo dõi cổ vũ cho các đoàn, 16 đoàn tham dự đều mang đến những bản sắc văn hóa riêng của từng dân tộc, tôi được hiểu thêm về những nét đặc sắc các dân tộc ở các tỉnh bạn. Qua đó, thấy rằng, đất nước chúng ta trong 54 dân tộc anh em đều có những bản sắc riêng biệt tạo nên một bức tranh văn hóa đoàn kết, đặc trưng được tụ hội tại đây. Từ đó, chúng ta càng nâng cao ý thức gìn giữ những nét đặc sắc của dân tộc mình”.
16 đoàn tham gia Ngày hội đã giới thiệu những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình. Bà Lãnh Thị Phượng, 62 tuổi, dân tộc Tày, nghệ nhân Đoàn nghệ thuật dân gian Lạng Sơn tâm sự: "Tham gia ngày hội, bà con dân tộc Tày, Nùng, Dao tỉnh Lạng Sơn mang đến tiết mục hát Then, trình diễn trang phục truyền thống cùng những nét văn hóa đặc sắc như: Lễ cầu mùa, lễ cưới… Tôi là một trong những nghệ nhân của các dân tộc thiểu số phía Bắc, việc tổ chức lễ hội như thế này rất tuyệt vời, góp phần bảo tồn những nét văn hóa của dân tộc. Chúng tôi được giao lưu, học hỏi các đơn vị bạn, cùng nhau bảo tồn những giá trị văn hóa của dân tộc mình, truyền lại cho con cháu mai sau".
Khác với đồng bào các dân tộc miền núi phía Bắc, các đoàn nghệ thuật dân gian các tỉnh Tây Nguyên như: Đăk Lăk, Đăk Nông, Gia Lai, Lâm Đồng tạo được dấu ấn mạnh đối với công chúng. Những tiết mục biểu diễn của các diễn viên, nghệ nhân dân tộc Ba Na, Ê Đê, Gia Rai,… với những rộn ràng của thanh âm cồng chiêng, các loại nhạc cụ độc đáo, những điệu múa, lời ca trầm hùng vang vọng núi rừng.
Ông Y Mang, dân tộc Ê Đê, nghệ nhân đoàn nghệ thuật dân gian tỉnh Đăk Lăk cho biết: “Thời tiết không thuận lợi nhưng bà con rất nhiệt tình tham gia các chương trình giao lưu, biểu diễn rất tích cực, hăng hái. Qua đó, thể hiện bản sắc văn hóa của dân tộc mình; giới thiệu, quảng bá nét độc đáo với bạn bè. Đây là niềm vinh dự, tự hào”.
Không chỉ những nghệ nhân lớn tuổi, tham gia ngày hội còn có rất nhiều các bạn trẻ, diễn viên nhí. Qua những phần trình diễn cùng các loại nhạc cụ và các bộ trang phục truyền thống của dân tộc mình, các bạn trẻ đã góp phần tiếp thêm ngọn lửa đam mê văn hóa nghệ thuật dân gian đến với thế hệ trẻ. Em Hồ Thị Ánh Tuyết, học sinh trường Phổ thông Dân tộc nội trú huyện Hướng Hoá, tỉnh Quảng Trị rất hào hứng khi tham gia trải nghiệm các hoạt động tại ngày hội: “Được tham gia ngày hội văn hóa, em cảm thấy rất vui và tự hào về truyền thống văn hóa của dân tộc mình, được tìm hiểu nhiều hơn về bản sắc văn hóa của các dân tộc vùng miền khác”.
Đến với Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam, đa phần là những diễn viên không chuyên. Họ là những nông dân chân lấm, tay bùn, cuộc sống quanh năm gắn với cái nương, cái rẫy, con suối, cánh rừng. Để khơi dậy niềm đam mê, giúp bà con lưu giữ được những nét văn hóa dân gian, truyền thống của dân tộc mình, đòi hỏi sự nỗ lực, hỗ trợ rất lớn từ nhiều phía.
Ông Võ Văn Nhân, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa Điện ảnh tỉnh Quảng Bình chia sẻ: “Trong những năm vừa qua, theo Chương trình mục tiêu Quốc gia, tỉnh Quảng Bình đang thực hiện Dự án 6 rất tích cực. Được sự chỉ đạo của UBND tỉnh, sở Văn hóa Thể thao, chúng tôi đã triển khai được nhiều lớp tập huấn về với đồng bào, sau đó thành lập câu lạc bộ văn hóa dân gian cho đồng bào Bru-Vân Kiều. Chúng tôi tích cực về vùng sâu, vùng xa, về với đồng bào, thậm chí có những bản rất xa, những bản không có điện chúng tôi cũng tìm đến. Chúng tôi giúp bà con tìm lại những hồn cốt, bản sắc văn hóa tốt đẹp của bà con, giúp bà con phục dựng lại các lễ hội truyền thống đang bị thất truyền. Sự vui mừng của bà con rất lớn”.
Ngày hội Văn hóa các dân tộc Việt Nam là dịp để các chủ thể văn hóa, các nghệ nhân, diễn viên, vận động viên quần chúng các dân tộc hội tụ, lan toả niềm tự hào, ý thức trách nhiệm của mỗi người dân, cộng đồng trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.
Từ khóa: Việt Nam, Việt Nam, Quảng Trị, văn hóa,Quảng Trị
Thể loại: Văn hóa - Giải trí
Tác giả: vinh thông/vov-miền trung
Nguồn tin: VOVVN