Hội thảo khoa học “Những vấn đề hiện nay của sự phát triển văn hóa, văn nghệ”

Cập nhật: 19/11/2021

VOV.VN - Hội thảo khoa học với chủ đề “Từ Hội Văn hóa cứu quốc đến Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam: Những vấn đề hiện nay của sự phát triển văn hóa, văn nghệ” là hoạt động thiết thực hưởng ứng và chào mừng Hội nghị Văn hóa toàn quốc.

Sáng 19/11, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam (Liên hiệp VHNT Việt Nam) tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Từ Hội Văn hóa cứu quốc đến Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam: Những vấn đề hiện nay của sự phát triển văn hóa, văn nghệ”. Đây là hoạt động thiết thực hưởng ứng và chào mừng Hội nghị Văn hóa toàn quốc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, dự kiến diễn ra tại Thủ đô Hà Nội vào ngày 24/11/2021.

Hội thảo có sự tham gia của nhiều nhà khoa học, nhà văn hóa, nhà phê bình nghiên cứu văn hóa, các văn nghệ sĩ… với số lượng đông đảo các tham luận gửi đến Hội thảo.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam ôn lại truyền thống vẻ vang, những chặng đường lịch sử từ khi Đảng thành lập Hội Văn hóa Cứu quốc (năm 1943), đến Hội Văn nghệ Việt Nam (tháng 7/1948) – đến Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam ngày nay: thành tựu, hạn chế và những bài học.

Sau khi "Đề cương về Văn hóa Việt Nam” do Tổng Bí thư Trường Chinh khởi thảo được Trung ương Đảng thông qua năm 1943, tháng 4/1943 Hội Văn hóa cứu quốc được thành lập. Đến năm 1948, cùng với việc đổi tên Hội Văn hóa Cứu Quốc thành Hội Văn hóa Việt Nam, Hội Văn nghệ Việt Nam được thành lập và là thành viên của Hội Văn hóa Việt Nam, thành viên của Mặt trận Dân tộc Thống nhất. Đây là tổ chức tiền thân của Liên hiệp VHNT Việt Nam ngày nay. Đầu năm 1957, Hội Văn nghệ Việt Nam đối tên thành Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam, và cho đến năm 1995 Hội Liên hiệp được đổi thành Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam.

Theo dòng thời gian, Liên hiệp đã trải qua 10 kỳ Đại hội với các thế hệ văn nghệ sĩ đi theo cách mạng, tên tuổi các văn nghệ sĩ tiêu biểu, nổi tiếng, đứng đầu tổ chức Hội như vị Chủ tịch đầu tiên: nhà văn Nguyễn Tuân, nhà văn Đặng Thai Mai, nhà thơ Huy Cận, nhà văn Nguyễn Đình Thi, nhạc sĩ Trần Hoàn, nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Phức, PGS. họa sĩ Vũ Giáng Hương, nhà thơ Hữu Thỉnh.

Vào những ngày này, cách đây đúng 75 năm, ngày 24/11/1946, Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất đã diễn ra tại Nhà hát Lớn, Thủ đô Hà Nội. Tại Hội nghị lịch sử đó, trong bài phát biểu khai mạc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ân cần căn dặn giới văn nghệ sĩ và nêu lên những ý kiến của mình về công tác văn hóa văn nghệ.

Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: "Nền văn hóa mới của nước nhà lấy hạnh phúc của đồng bào, của dân tộc làm cơ sở. Đó là một nền văn hóa mang tính đặc thù dân tộc cao. "Thật có tinh thần thuần túy Việt Nam", trong đó biết thừa hưởng di sản với những "kinh nghiệm tốt của văn hóa Việt Nam xưa và văn hóa nay", đồng thời biết “học lấy cái hay, cái tốt của thế giới của Tây phương hay Đông phương". Người chỉ ra rằng: “Văn hóa có liên lạc với chính trị rất là mật thiết. Phải làm thế nào cho văn hóa thấm vào sâu trong tâm lý của quốc dân, nghĩa là văn hóa phải sửa đổi được tham nhũng, lười biếng, phủ hoa, xa xỉ. Tâm lý của ta lại còn muốn lấy tự do, độc lập làm gốc. Văn hóa phải làm thế nào cho ai cũng có lý tưởng tự chủ, độc lập, tự do”. Trên tinh thần đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định sứ mệnh cao cả của văn hóa là: “Văn hỏa phải soi đường cho quốc dân đi”.

Trong mỗi giai đoạn của lịch sử, Đảng và Nhà nước ta đã luôn đánh giá cao vai trò của đội ngũ văn nghệ sĩ trí thức và luôn dành cho sự nghiệp phát triển văn hóa nói chung và văn học, nghệ thuật nói riêng sự quan tâm mạnh mẽ và những kỷ vọng lớn lao. Đường lối của Đảng và chiến lược của Nhà nước là đúng đắn, đầy đủ, tuy nhiên, những Nghị quyết, Chỉ thị, Chủ trương đúng đắn đó lại chưa thể đi vào cuộc sống một cách trọn vẹn, chưa thẩm sâu vào đời sống xã hội để có những tác động và chuyển biến tích cực làm thay đổi diện mục và từng bước nâng cao chất lượng văn học nghệ thuật.

Hội thảo khoa học “Từ Hội Văn hóa cứu quốc đến Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam: Những vấn đề hiện nay của sự phát triển văn hóa, văn nghệ” dành phần lớn thời gian để các đại biểu trình bày tham luận và trao đổi ý kiến về "Những vấn đề đặt ra hôm nay cho sự phát triển Văn hóa – văn nghệ, cho đội ngũ văn nghệ sĩ trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế".

Tại Hội thảo, các đại biểu đã thảo luận rất sôi nổi về một số vấn đề như: Thời cơ, thuận lợi, khó khăn thách thức đối với hoạt động văn hóa, văn nghệ trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0; Thực trạng đội ngũ văn nghệ sĩ, tính kế thừa và phát triển; Nâng cao tính chuyên nghiệp trong sáng tác, lý luận phê bình Văn học nghệ thuật; Đảm bảo phát huy dân chủ, tôn trọng tự do sáng tạo, trận trọng tài năng, cả tính sáng tạo. Nâng cao trách nhiệm của văn nghệ sĩ trước công chúng, đất nước và thời đại; Những kiến nghị của văn nghệ sĩ để thực hiện có hiệu quả những Nghị quyết, Quyết định, Chỉ thị của Đảng về Văn hóa văn nghệ; Đưa Nghị quyết vào đời sống…

Kết luận Hội thảo, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân cho biết: "Qua gần 3 tiếng đồng hồ, các đại biểu đã nghe ý kiến về nhiều vấn đề khác nhau như điện ảnh, nhiếp ảnh, mỹ thuật, kiểm duyệt loại hình nghệ thuật, giữ gìn sự cốt lõi của văn hóa dân gian... Qua Hội thảo, chúng ta thấy được rằng, cần phải tái thành lập Hội đồng lý luận phê bình văn học nghệ thuật của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam. Đây là mảng lớn, có vai trò quan trọng nhưng lại là mảng trũng trong các hoạt động vì thiếu chuyên gia, thiếu nhà phê bình, thiếu cả đội ngũ kế cận. Việc thành lập rất cấp thiết để giúp cho các hoạt động văn hóa nghệ thuật phát triển tốt, có sự định hướng theo đúng chủ trương"./.

Từ khóa: nhạc sĩ đỗ hồng quân, liên hiệp các hội văn học nghệ thuật việt nam, hội thảo khoa học, hội nghị văn hóa toàn quốc

Thể loại: Văn hóa - Giải trí

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập